0981 389 194 ts.dautuvakinhdoanh@gmail.com
Thứ sáu, 02/10/2020 10:34 (GMT+7)

Nguồn cung hạn chế, bất động sản Đà Nẵng 'hậu Covid-19' sẽ tạo kỳ tích?

Dịch covid – 19 bùng phát lần thứ 2 tại Việt Nam và Đà nẵng trở thành “tâm dịch” đã khiến thị trường bất động sản tại đây rơi vào trạng thái “đóng băng”.

Những “đợt sóng” sẽ sớm xuất hiện

Cuối tháng 7/2020, dịch covid – 19 bùng phát lần thứ 2 tại Việt Nam và Đà nẵng trở thành “tâm dịch” khiến thị trường bất động sản tại đây rơi vào trạng thái “đóng băng”, các giao dịch gần như như tê liệt, thị trường nhà đất Đà Nẵng “lao dốc” trên mọi phân khúc.

Theo báo cáo của DKRA Việt Nam, trong 7 tháng đầu năm 2020, hầu hết các phân khúc BĐS đều phải hứng chịu thiệt hại, trong đó, BĐS du lịch, nghỉ dưỡng là phân khúc có thiệt hại nặng nhất.

Theo đơn vị này, vào cuối tháng 5, đầu tháng 6/2020, phân khúc BĐS du lịch, nghỉ dưỡng đã đón nhận một số tín hiệu tích cực với sự ra mắt của một số dự án, thị trường đang trên đà hồi phục thì “cú đấm bồi” của làn sóng Covid-19 thứ 2 đã khiến BĐS Đà Nẵng tiếp tục lún sâu vào khủng hoảng. Hai phân khúc sôi động nhất thị trường là đất nền và căn hộ cũng phải gồng mình gánh chịu tác động nặng nề từ dịch bệnh.

Tuy nhiên, khi “sóng gió” qua đi, thị trường bất động sản Đà Nẵng đang có nhiều tiềm năng để phát triển. Sau thời gian “ngủ đông” do đại dịch Covid-19, thị trường bất động sản Đà Nẵng như chiếc lò xo bị nén lâu ngày, nay đang có dấu hiệu bật dậy mạnh mẽ.

Theo các chuyên gia, khi dịch bệnh được kiểm soát cũng là lúc các chủ đầu tư đồng loạt "bung" hàng và đưa ra nhiều chính sách bán hàng linh hoạt nhằm thu hút các nhà đầu tư quay trở lại thị trường. Các chuyên gia đánh giá, nhu cầu du lịch đang bắt đầu tăng trở lại và sẽ có sức bật lớn trong thời gian tới, kéo theo đó là sự quan tâm của khách hàng với các phân khúc bất động sản.

Những “đợt sóng” đầu tư sẽ sớm xuất hiện tại thị trường Đà Nẵng.

Đại diện một doanh nghiệp nhận định, hiện nay quỹ đất ở Đà Nẵng ngày càng hạn hẹp, trong khi nhu cầu về nhà ở ngày càng cao. Thị trường đã yên lắng khá lâu nhưng nhà đầu tư thì không thể đứng im. Mặt khác, thời kỳ hậu Covid-19, chính quyền sẽ có những chính sách nhằm phục hồi nền kinh tế, nên những “làn sóng” đầu tư vào thị trường BĐS Đà Nẵngsẽ sớm xuất hiện trong thời gian tới.

Các chuyên gia đánh giá, Đà nẵng là thị trường lớn thứ ba tại Việt Nam, sau Hà Nội và TP HCM. Khi những thị trường truyền thống như  Hà Nội và TP HCM đang dần bão hòa, giá nhà đất tại những khu vực này đã đạt trần, các nhà đầu tư bắt đầu có xu hướng dịch chuyển đến những “vùng đất mới” để tìm kiếm cơ hội đầu tư và Đà Nẵng là một trong những điểm đến đầy tiềm năng, được nhiều nhà đầu tư lựa chọn.

Địa phương này cũng cũng là “thủ phủ du lịch” với tốc độ tăng trưởng bình quân du khách giai đoạn 2010 – 2019 ước đạt 18,6% và được dự báo sẽ tiếp tục tăng trưởng mạnh trong thời gian tới,...

Vì thế, sự phục hồi của thị trường là hoàn toàn dễ hiểu, trước hết đến từ tâm lý sốt sắng tìm cơ hội “gom hàng” của nhà đầu tư trong bối cảnh dịch bệnh cơ bản đã được kiểm soát và nền kinh tế đang dần phục hồi. Xu thế đi gom hàng hiện nay là tất yếu, bởi ngay khi thị trường du lịch được phục hồi, kinh tế khởi sắc, thị trường BĐS Đà Nẵng kỳ vọng đón nhiều “đợt sóng” mới nhờ tiềm năng lớn.

Nguồn cung khan hiếm khiến giá nhà khó giảm

Theo Báo cáo thị trường bất động sản Đà Nẵng 7 tháng đầu năm 2020 của DKRA, nhìn chung tất cả các phân khúc bất động sản đều sụt mạnh về nguồn cung, sức mua thấp và không có nhiều biến động về giá bán. Theo các chuyên gia, thời gian tới bất động sản Đà Nẵng khó giảm giá do nguồn cung khan hiếm, và giá nhà ở đã tiệm cận với giá trị thực.

Ở phân khúc căn hộ, DKRA nhận định, nguồn cung thị trường khan hiếm. Cụ thể, trong 7 tháng đầu năm 2020, thị trường căn hộđón nhận 3 dự án mở bán, cung cấp khoảng 156 căn, bằng 32% so với cùng kỳ năm 2019 (khoảng 486 căn). Tỷ lệ tiêu thụ đạt 42%, chỉ bằng 38% so với cùng kỳ năm trước.

Nguồn cung tập trung ở hai quận Sơn Trà và Hải Châu. Sức mua của thị trường thấp, tình hình tiêu thụ các dự án mới khá chậm. Mặt bằng giá bán không có nhiều biến động so với năm 2019.

Nguồn cung căn hộ tập trung ở hai quận Sơn Trà và Hải Châu.

Trong khi đó, phân khúc nhà phố và biệt thự cũng không có dự án mới mở bán. Toàn thị trường nhà phố và biệt thự TP. Đà Nẵng không ghi nhận dự án mới mở bán trong 7 tháng đầu năm 2020, nguồn cung sơ cấp chủ yếu đến từ các dự án đã mở bán trước đó. Mức tiêu thụ chung của toàn thị trường ở mức thấp.

Đối với phân khúc BĐS nghỉ dưỡng – biệt thự biển, trong 7 tháng đầu năm 2020, khu vực Đà Nẵng không ghi nhận dự án mới mở bán, đồng thời toàn thị trường không có nguồn cung sơ cấp. Sức mua của thị tường ở mức rất thấp, mặt bằng giá sơ cấp không có nhiều biến động.

DKRA Việt Nam dự báo,  trong những tháng cuối năm 2020, phân khúc căn hộ tiếp tục khan hiếm nguồn cung, sức mua chung toàn thị trường duy trì ở mức thấp trong khi nhu cầu khá cao, mặt bằng giá bán căn hộ không có nhiều biến động.

Nhà phố và biệt thự cũng tiếp tục khan hiếm nguồn cung, sức mua chung của toàn thị trường tiếp tục xu hướng giảm từ giữa cuối năm 2019; mặt bằng giá có thể sẽ duy trì xu hướng đi ngang và không có nhiều biến động so với đầu năm, giá bán có thể giảm cục bộ ở vài giao dịch đơn lẻ do một số nhà đầu tư bị áp lực dòng tài chính bởi ảnh hưởng của Covid-19.

Với BĐS nghỉ dưỡng, nguồn cung mới condotelcó thể sẽ khan hiếm, sức mua chung toàn thị trường vẫn duy trì ở mức rất thấp và khó có sự phục hồi rõ nét vào cuối năm. Nguồn cung mới biệt thự biển có thể tăng nhẹ ở những tháng cuối năm 2020 và sức mua có thể sẽ tăng.

Theo nhận định của các đơn vị kinh doanh BĐS trên địa bàn thành phố, sau Covid-19, giá đất tại Đà Nẵng khó tăng vọt hoặc xảy ra những cơn sốt ảo. Bởi lẽ, BĐS ở Đà Nẵng đã trở về giá trị thực và hiện nay nếu tăng cũng sẽ tăng theo giá trị thực, khó có sốt ảo.

Mặt khác, sau khi thị trường nhiều phen “chao đảo” thì khách hàng và nhà đầu tư cẩn trọng hơn, quan tâm hàng đầu vẫn là xem xét tính pháp lý của BĐS để giao dịch. Tại thời điểm này, giá nhà đất tại Đà Nẵng càng khó có cơ hội giảm thêm do nền kinh tế đã được kích hoạt trở lại và đây là cơ hội cho nhà đầu tư và người mua ở thực lựa chọn được sản phẩm ưng ý với mức giá sát giá trị thực nhất.

Theo những diễn biến đáng chú ý của thị trường Bất động sản Đà Nẵng 7 tháng đầu năm 2020, có thể thấy thị trường Đà Nẵng khan hiếm nguồn cung mới ở hầu hết các phân khúc, đặc biệt là phân khúc căn hộ. Sức mua sơ cấp và thứ cấp ở mức rất thấp dù nhu cầu khá lớn.

Những yếu tố cộng hưởng, tạo đà cho thị trường BĐS

Sau thời gian dài “ngủ đông” do dịch Covid – 19, thị trường bất động sản Đà Nẵng đang có rất nhiều lợi thế và tiềm năng để tăng trưởng. Tuy nhiên, để thị trường hồi phục và phát triển xứng với tầm vóc và giá trị vốn có của thành phố lớn thứ ba Việt Nam, trong giai đoạn hiện tại rất cần những “điểm tựa” để tạo đà cho thị trường bất động sản phát triển.

Trong đó, việc TP Đà Nẵng vừa ban hành quy định giá các loại đất trên địa bàn giai đoạn 2020-2024. So với giá đất được công bố năm 2019, bảng giá mới có ý nghĩa giữ ổn định giá đất ở và giảm 5% giá đất thương mại - dịch vụ cũng như đất sản xuất - kinh doanh phi nông nghiệp, có tác dụng hỗ trợ doanh nghiệp, tạo điều kiện thuận lợi thu hút đầu tư và khôi phục kinh tế.

Mặt khác, theo các chuyên gia của DKRA, thị trường BĐS Đà Nẵng có nhiều cơ hội bứt phá trong thời gian tới, thời điểm hồi phục có thể vào quý 4/2020 do cơ sở hạ tầng của Đà Nẵng tương đối hoàn thiện.

Cao tốc La Sơn – Túy Loan đà nẵng.

Đồng thời, trong thời gian tới, Đà Nẵng sẽ có thêm hàng loạt các dự án giao thông trọng điểm như cảng Liên Chiểu, Ga hàng hóa Kim Liên, Cao tốc La Sơn – Túy Loan,… cùng hàng loạt các dự án thu hút đầu tư có quy mô lớn được kích hoạt triển khai. Các yếu tố về hạ tầng, hiệu quả từ việc thu hút đầu tư trong và ngoài nước sẽ hỗ trợ cho tất cả các phân khúc BĐS tăng trưởng, từ BĐS công nghiệp, nhà ở, căn hộ, cho tới đất nền, biệt thự - nhà phố...

Bên cạnh đó, thành phố sông Hàn đang đón "làn gió mới" khi Nghị quyết số 43 của Bộ Chính trị về Xây dựng và phát triển thành phố Đà Nẵng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 đã định hướng phát triển Đà Nẵng với 3 trụ cột chính là du lịch, công nghiệp - công nghệ cao và kinh tế biển.

Đây là những trụ cột quan trọng cần phải được triển khai nhanh chóng trong thực tế để tạo các điểm tựa thúc đẩy bất động sản Đà Nẵng đột phá. Theo đó, các điểm tựa chính yếu bao gồm: Chính sách - pháp lý, quy hoạch, hạ tầng giao thông, du lịch và kinh tế vĩ mô.

Trong đó, về pháp lý - chính sách, Đà Nẵng cần sớm hoàn thiện cơ chế, chính sách và khung pháp lý phê duyệt dự án, đồng thời rút ngắn thời gian thực hiện các thủ tục phê duyệt,…  đẩy mạnh tốc độ triển khai các dự án hạ tầng giao thông - xã hội trọng điểm và các công trình mang ý nghĩa kinh tế, liên kết vùng quan trọng.

Với lợi thế là điểm đến du lịch hàng đầu cả nước, Đà Nẵng cần có giải pháp thúc đẩy phát triển du lịch, sớm đa dạng sản phẩm du lịch nghỉ dưỡng và hối hợp các chương trình kích cầu du lịch đồng bộ,…

Ngoài ra, theo thống kê, dân số Đà Nẵnghiện nay là 1,134 triệu người, trong đó dân số thành thị chiếm khoảng 87,2% dân số. Đà Nẵng xếp thứ 59 của cả nước về diện tích, nhưng lại xếp thứ 39 về dân số. Mật độ dân số của Đà Nẵng bằng một nửa mật độ dân số Hà Nội và bằng ¼ dân số TP. Hồ Chí Minh, xếp thứ 6 trong cả nước.

Theo dự báo, đến năm 2020, dân số Đà Nẵng ước đạt 1,6 triệu người và đến năm 2030 ước đạt 2,5 triệu người. Ngoài ra mỗi năm, Đà Nẵng còn đón chào hàng chục triệu lượt khách du lịch trong nước và quốc tế đến tham quan, lưu trú...

Việc gia tăng dân số cơ học và dân số tự nhiên mỗi năm, cùng với tốc độ tăng trưởng của khách du lịch hàng năm là “điểm tựa” quan trọng cho chị trường bất động sản Đà Nẵng phát triển.

Theo Tạp chí Sở hữu trí tuệ & Sáng tạo

Bạn đang đọc bài viết Nguồn cung hạn chế, bất động sản Đà Nẵng 'hậu Covid-19' sẽ tạo kỳ tích?. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0981 389 194 Hoặc email: ts.dautuvakinhdoanh@gmail.com

Cùng chuyên mục

Tin mới