Căng thẳng Mỹ - Trung: Thời điểm để ngành khoáng sản Việt Nam bứt phá, hướng tới phát triển bền vững
Các doanh nghiệp Việt không chỉ cần nâng cao năng lực khai thác, chế biến mà còn phải đặt trọng tâm vào phát triển bền vững, tuân thủ các tiêu chuẩn môi trường.

Cuộc cạnh tranh chiến lược giữa Mỹ và Trung Quốc trong lĩnh vực công nghệ, đặc biệt là chất bán dẫn và khoáng sản chiến lược, đang tạo ra những xáo trộn đáng kể trên thị trường toàn cầu. Đối với ngành khoáng sản Việt Nam, đây vừa là thách thức nhưng cũng mở ra những cơ hội phát triển mạnh mẽ nếu doanh nghiệp biết cách khai thác và định hướng theo hướng bền vững.
Trò chuyện với Phóng viên Tạp chí điện tử Kinh tế Môi trường, các chuyên gia đều nhận định rằng đây là thời điểm để ngành khoáng sản Việt Nam bứt phá, hướng tới phát triển xanh, thân thiện với môi trường và nâng cao giá trị gia tăng.

Mới đây, Trung Quốc tuyên bố hạn chế xuất khẩu một số khoáng sản quan trọng sang Mỹ, đặc biệt là gali, germani và than chì - những nguyên liệu thiết yếu trong sản xuất chip bán dẫn, pin và các ứng dụng công nghệ cao. Động thái này được xem là sự "trả đũa" sau khi Mỹ ban hành các lệnh hạn chế xuất khẩu thiết bị sản xuất chip sang Trung Quốc.
Chính sách kiểm soát khoáng sản của Trung Quốc ngay lập tức làm biến động thị trường, đẩy giá nhiều kim loại quan trọng tăng vọt và giúp các doanh nghiệp khai thác khoáng sản tại Việt Nam đứng trước cơ hội lớn.
"Việt Nam có nguồn tài nguyên khoáng sản phong phú, đặc biệt là đất hiếm, titan, than chì và bauxite - những nguyên liệu thiết yếu trong ngành công nghiệp công nghệ cao. Trong bối cảnh Mỹ đang tìm kiếm các nguồn cung thay thế ngoài Trung Quốc, đây là cơ hội để Việt Nam tham gia sâu hơn vào chuỗi cung ứng toàn cầu nếu có chiến lược khai thác hợp lý và hướng đến phát triển bền vững”, PSG.TS Lưu Đức Hải, Chủ tịch Hội Kinh tế Môi trường Việt Nam đánh giá.

Mặc dù sở hữu tiềm năng lớn, ngành khai khoáng Việt Nam vẫn đối mặt với nhiều thách thức như công nghệ lạc hậu, khai thác chưa tối ưu và tác động tiêu cực đến môi trường. Do đó, nếu chỉ tập trung vào khai thác mà không đầu tư vào chế biến sâu và phát triển theo hướng bền vững, các doanh nghiệp sẽ khó có thể tận dụng cơ hội từ căng thẳng Mỹ - Trung.
Theo PSG. TS Lưu Đức Hải, xu hướng hiện nay của thế giới là phát triển khai khoáng theo mô hình bền vững, nghĩa là không chỉ khai thác thô mà phải đầu tư vào công nghệ chế biến sâu, giảm thiểu tác động môi trường và nâng cao giá trị gia tăng.
Các Tập đoàn lớn như Tesla, Samsung hay Intel đang tìm kiếm nguồn cung khoáng sản từ những quốc gia có chính sách quản lý bền vững và có khả năng chế biến sâu, thay vì chỉ xuất khẩu nguyên liệu thô.
Điều này đặt ra yêu cầu cấp bách cho các doanh nghiệp khoáng sản Việt Nam: Phải thay đổi tư duy từ khai thác sang phát triển bền vững, đầu tư vào công nghệ tiên tiến, thực hiện các quy trình khai thác thân thiện với môi trường và tuân thủ các tiêu chuẩn quốc tế về quản lý tài nguyên khoáng sản.

Để tận dụng tốt những cơ hội từ cuộc cạnh tranh chiến lược giữa Mỹ và Trung Quốc này, PSG. TS Lưu Đức Hải cho rằng, các doanh nghiệp Việt không chỉ cần nâng cao năng lực khai thác, chế biến mà còn phải đặt trọng tâm vào phát triển bền vững, tuân thủ các tiêu chuẩn môi trường và tối ưu hóa chuỗi giá trị. Theo đó, tập trung vào 4 nhóm giải pháp chính.
Một là,tận dụng cơ hội thị trường từ căng thẳng Mỹ - Trung: Với việc Trung Quốc hạn chế xuất khẩu một số khoáng sản chiến lược, Việt Nam có thể trở thành một trong những nguồn cung cấp quan trọng cho các tập đoàn công nghệ lớn của Mỹ, châu Âu và Nhật Bản. Tuy nhiên, để hiện thực hóa cơ hội này, doanh nghiệp cần nâng cao chất lượng khai thác, đảm bảo các tiêu chuẩn về xuất xứ và tuân thủ các yêu cầu nghiêm ngặt từ đối tác quốc tế.
Hai là, đầu tư vào công nghệ chế biến sâu: Một trong những hạn chế lớn của ngành khoáng sản Việt Nam là vẫn phụ thuộc vào xuất khẩu nguyên liệu thô. Trong khi đó, các nước phát triển đều ưu tiên nhập khẩu sản phẩm đã qua chế biến sâu, giúp tối ưu hóa chuỗi giá trị và giảm thiểu tác động môi trường. Do đó, các doanh nghiệp cần đầu tư vào công nghệ tuyển khoáng, chế biến sâu để nâng cao giá trị sản phẩm và mở rộng thị trường xuất khẩu.
Ba là, ứng dụng mô hình khai thác tuần hoàn, giảm thiểu tác động môi trường: Việc khai thác khoáng sản theo mô hình kinh tế tuần hoàn không chỉ giúp giảm thiểu tác động đến môi trường mà còn tối ưu hóa nguồn tài nguyên. Chẳng hạn, việc tái sử dụng nước trong quá trình tuyển quặng, tái chế kim loại từ bã thải hay sử dụng công nghệ giảm phát thải khí nhà kính đang trở thành xu hướng chủ đạo trong ngành công nghiệp khai khoáng toàn cầu.
Bốn là, xây dựng chuỗi cung ứng bền vững và nâng cao năng lực cạnh tranh: Việt Nam có thể tận dụng lợi thế địa chính trị và tham gia vào các hiệp định thương mại tự do như EVFTA, CPTPP để mở rộng thị trường. Tuy nhiên, điều quan trọng là các doanh nghiệp khoáng sản phải đảm bảo được tính minh bạch trong chuỗi cung ứng, tuân thủ các tiêu chuẩn ESG (môi trường - xã hội - quản trị) để đáp ứng yêu cầu ngày càng khắt khe từ các tập đoàn đa quốc gia.
Cũng theo PGS. TS Lưu Đức Hải, trong bối cảnh ngành khoáng sản đang đứng trước những cơ hội và thách thức lớn, các tổ chức xã hội nghề nghiệp đóng vai trò quan trọng trong việc tư vấn chính sách, nghiên cứu mô hình phát triển bền vững và kết nối doanh nghiệp với các giải pháp công nghệ tiên tiến như Hội Kinh tế Môi trường cần phát huy tốt hơn nữa vai trò của mình.
Ông Lưu Đức Hải nhấn mạnh: "Hội Kinh tế Môi trường Việt Nam sẵn sàng đồng hành cùng doanh nghiệp trong việc xây dựng chiến lược khai thác khoáng sản bền vững, tư vấn các mô hình phát triển phù hợp và kết nối với các đối tác quốc tế. Bên cạnh đó, Tạp chí Kinh tế Môi trường sẽ tiếp tục là cầu nối thông tin, giúp doanh nghiệp cập nhật nhanh chóng các biến động thị trường và chính sách mới nhất."
Nội dung: Cẩm Anh
Đồ họa: H.A