0915 15 67 76 [email protected]
Thứ sáu, 16/02/2024 08:47 (GMT+7)

Luật Đất đai (sửa đổi): Tạo thuận lợi cho Việt kiều sở hữu nhà ở Việt Nam

Luật Đất đai (sửa đổi) có nhiều quy định mới, tiến bộ về quyền tiếp cận đất đai của người Việt định cư ở nước ngoài sẽ thúc đẩy tăng trưởng đầu tư và thu hút kiều hối, tạo nguồn lực phát triển đất nước.

Luật Đất đai (sửa đổi): Tạo thuận lợi cho Việt Kiều sở hữu nhà ở Việt Nam
Luật Đất đai (sửa đổi) tạo thuận lợi cho Việt kiều sở hữu nhà ở Việt Nam.

Việt kiều được hưởng đầy đủ quyền lợi về đất đai, nhà ở

Luật Đất đai (sửa đổi) được Quốc hội thông qua tại Kỳ họp bất thường lần thứ 5, tháng 1/2024.

Trong đó, Điều 4 quy định về người sử dụng đất đã bổ sung nhóm người gốc Việt định cư ở nước ngoài nhưng không có quốc tịch Việt Nam (còn gọi là Việt kiều).

Cụ thể, nhóm này sẽ được hưởng đầy đủ quyền lợi về đất đai, nhà ở như công dân trong nước và người Việt định cư ở nước ngoài (người còn quốc tịch Việt Nam).

Đồng thời, Điều 28 bổ sung quy định: người gốc Việt định cư ở nước ngoài được phép nhập cảnh vào Việt Nam được mua, thuê nhà ở gắn liền với quyền sử dụng đất ở, nhận quyền sử dụng đất ở trong dự án phát triển nhà ở; nhận thừa kế quyền sử dụng đất ở và các loại đất khác trong cùng thửa đất có nhà.

Cùng với đó là nhận thừa kế quyền sử dụng đất ở và các loại đất khác trong cùng thửa đất có nhà. Đây là những điểm mới mà luật hiện hành không có. Với quy định mới, Việt kiều được phép đầu tư xây dựng nhà ở, công trình xây dựng để bán, cho thuê, cho thuê mua và đầu tư hạ tầng kỹ thuật tại các dự án bất động sản để chuyển nhượng, cho thuê, cho thuê lại quyền sử dụng đất đã có hạ tầng kỹ thuật.

Theo thống kê của Bộ Xây dựng, có khoảng 4 triệu người muốn mua nhà ở Việt Nam trong tương lai, bao gồm người nước ngoài và Việt kiều. Cùng với dòng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) đang "chảy" mạnh, người nước ngoài đến sinh sống và làm việc lâu dài tại Việt Nam cũng tăng lên hằng năm.

Thu hút kiều hối đầu tư về Việt Nam

lượng kiều hối về Việt Nam vẫn đạt kỷ lục 16 tỷ USD,
Lượng kiều hối về Việt Nam đạt kỷ lục 16 tỷ USD dịp Tết Giáp Thìn.

Chuyên gia pháp lý bất động sản Nguyễn Văn Đỉnh cho rằng, chính sách này sẽ góp phần thúc đẩy thu hút đầu tư, thu hút kiều hối từ kiều bào ở nước ngoài cho phát triển kinh tế.

Ngoài ra, điều này cũng khắc phục tình trạng Việt kiều đã bỏ tiền ra để nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất và nhờ người thân ở trong nước đứng tên, tuy nhiên người được nhờ đứng tên lại đem bán, gây ra tranh chấp.

Theo ông Nguyễn Anh Quê, Ủy viên Ban Chấp hành Hiệp hội Bất động sản Việt Nam, Luật Đất đai mới mở rộng quyền tiếp cận đất đai cho Việt kiều, kỳ vọng sẽ thu hút thêm được một lượng kiều hối. Yếu tố này cùng với các tín hiệu tích cực khác như lãi suất giảm dần, room tín dụng mở rộng... sẽ thúc đẩy sự luân chuyển dòng vốn trên thị trường bất động sản.

Đồng quan điểm, PGS.TS Đinh Trọng Thịnh cho rằng lực lượng Việt kiều có tài sản lớn, có thêm sự tham gia của họ sẽ giúp thị trường bất động sản có động lực tăng trưởng.

Được thông qua trước đó, Luật Kinh doanh bất động sản (sửa đổi) cũng "chào đón" Việt Kiều có nhu cầu đầu tư bất động sản tại Việt Nam.

Theo đó, người Việt Nam định cư ở nước ngoài là công dân Việt Nam (quốc tịch Việt Nam) có quyền và nghĩa vụ liên quan đến đất đai như công dân Việt Nam trong nước - nghĩa là được kinh doanh bất động sản như công dân trong nước.

Riêng đối với người gốc Việt định cư ở nước ngoài mà không phải là công dân Việt Nam (không mang quốc tịch Việt Nam), chỉ được kinh doanh bất động sản theo các hình thức như luật hiện hành.

Quy định này đồng bộ với Luật Nhà ở (sửa đổi) quy định theo hướng dẫn với người Việt Nam định cư ở nước ngoài được phép nhập cảnh, thì được sở hữu nhà ở gắn với quyền sử dụng đất theo pháp luật đất đai.

Ông Đoàn Ngọc, Tổng giám đốc Công ty địa ốc Property X, nhận định các quy định trong luật Đất đai mới, cùng luật Nhà ở, Kinh doanh bất động sản có hiệu lực từ năm 2025 tạo điều kiện để Việt kiều đầu tư, mua nhà ở tại Việt Nam thuận lợi hơn. Ông lý giải, theo pháp luật hiện hành, Việt kiều được phép mua nhà tại Việt Nam. Tuy nhiên, cái khó là các thủ tục, giấy tờ phức tạp để chứng minh nguồn gốc Việt Nam đã khiến Việt kiều nản lòng. Nên khi mua bất động sản ở Việt Nam, họ chọn giải pháp nhờ người thân đứng tên.

Điều này đã dẫn đến nhiều hệ lụy như: tranh chấp, kiện tụng với một số trường hợp khi trong gia đình "cơm không lành, canh không ngọt" hoặc người đứng tên giùm có ý chiếm đoạt tài sản. Như vậy, với quy định mới rõ ràng tại luật Đất đai 2024 sẽ tạo điều kiện để người dân chứng minh nguồn gốc Việt Nam đơn giản hơn, từ đó thu hút thêm nguồn kiều hối chảy vào thị trường bất động sản Việt Nam trong bối cảnh thị trường vẫn còn ảm đạm.

Từng 30 năm sống và làm việc ở Việt Nam, ông Peter Hồng, Việt kiều Canada, nhấn mạnh chính sách này có thể "giải cứu" thị trường bất động sản, khi nguồn vốn kiều hối năm 2023 ước đạt khoảng 16 tỉ USD (ước tính của Vụ Quản lý ngoại hối, Ngân hàng Nhà nước ngày 25.1). Rất nhiều kiều bào chia sẻ với ông việc muốn về Việt Nam định cư nhưng không biết mua bất động sản ở đâu, giá thế nào và sở hữu ra sao. Nhiều kiều bào làm lụng mấy chục năm ở nước ngoài, gửi tiền vào ngân hàng không lãi, thậm chí tới đây còn phải đóng phí nên họ muốn về Việt Nam đầu tư, mua bất động sản, sau này họ mất đi có thể để lại cho con cháu.

"Sửa luật lần này là hợp tình, hợp lý để kiều bào an tâm về Việt Nam mua bất động sản để an cư", ông Peter Hồng nhấn mạnh. 

Phạm Anh 

Bạn đang đọc bài viết Luật Đất đai (sửa đổi): Tạo thuận lợi cho Việt kiều sở hữu nhà ở Việt Nam. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0915 15 67 76 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

5 nhóm vấn đề mới của Luật Đất đai (sửa đổi)
Tại họp báo công bố kết quả Kỳ họp bất thường lần thứ Năm, Quốc hội Khóa XV, Ủy viên Thường trực Phan Đức Hiếu cho biết, Luật Đất đai (sửa đổi) vừa được thông qua tại Kỳ họp bất thường lần thứ 5 đã có nhiều điểm mới, tập trung vào 5 nhóm vấn đề.

Tin mới

Ra mắt Hệ thống AR/VR Làng gốm Bát Tràng
Ngày 16/4/2024, ra mắt Hệ thống AR/VR Làng gốm Bát Tràng tại địa chỉ URL: http://gombattrang.fairs.vn/. Hệ thống này trong khuôn khổ Dự án “Xây dựng Hệ thống AR/VR Làng gốm Bát Tràng” được các bên khởi động từ ngày 7/8/2023