0981 389 194 ts.dautuvakinhdoanh@gmail.com
Thứ ba, 28/12/2021 14:34 (GMT+7)

Hà Nội: Nhiều dự án giao thông trọng điểm về đích trong năm 2021

Chịu ảnh hưởng lớn từ dịch COVID-19, tuy nhiên TP.Hà Nội vẫn hoàn thành nhiều dự án giao thông quan trọng trong năm 2021. 

Đường sắt Cát Linh - Hà Đông chính thức hoạt động

Sau 10 năm chờ đợi, 4 lần lỡ hẹn, dự án đường sắt đô thị thí điểm đầu tiên của Hà Nội, tàu Cát Linh - Hà Đông chính thức hoạt động từ ngày 6/11. Sau 15 ngày đầu miễn phí vé cho khách, đường sắt Cát Linh - Hà Đông bắt đầu mở bán vé từ 21/11.

Dự án đường sắt đô thị Hà Nội, tuyến Cát Linh - Hà Đông có tổng chiều dài tuyến chính 13,05km. Công trình được thiết kế theo tiêu chuẩn đường sắt đôi, khổ 1435mm; tốc độ tối đa 80km/h, tốc độ khai thác 35km/h. Thời gian chạy tàu từ Cát Linh đến Hà Đông (và ngược lại) là 23,63 phút.

tm-img-alt
Đường sắt Cát Linh - Hà Đông. Ảnh minh họa.

Khi đưa vào hoạt động thương mại, tuyến đường sắt này sẽ hoạt động liên tục từ 5h - 23h hằng ngày. Khung giờ cao điểm, các đoàn tàu chạy giãn cách với tần suất 6 phút có một đoàn tàu cập ga với sức chở 960 người/đoàn. Trong giờ bình thường, tàu được khai thác 10 phút/chuyến, lưu lượng vận chuyển tối đa đạt 1,02 triệu người/ngày.

Hoàn thành nút giao đường Vành đai 3 với cao tốc Hà Nội - Hải Phòng 

Nút giao đường Vành đai 3 với cao tốc Hà Nội - Hải Phòng có tổng vốn hơn 400 tỷ đồng, khánh thành hồi tháng 1/2021.

Công trình dài gần 1,5 km, chiều rộng mặt đường 33-51 m. Nút giao đường Vành đai 3 với cao tốc Hà Nội - Hải Phòng gồm 4 tầng xe chạy, một tầng đường bộ, một tầng cầu Vành đai 3 và tầng kết nối lên xuống từ Vành đai 3.

tm-img-alt
Nhìn từ trên cao dự án đường nối vành đai 3 với cao tốc Hà Nội - Hải Phòng. Ảnh minh họa.

Dự án được thực hiện nhằm tạo điều kiện cho các phương tiện tham gia giao thông kết nối ra, vào nút giao được thuận lợi, an toàn, rút ngắn hành trình và đồng bộ mạng lưới đường giao thông, phát huy tối đa hiệu quả của tuyến đường Vành đai 3, cao tốc Hà Nội - Hải Phòng và đường Cổ Linh, góp phần giảm thiểu ùn tắc giao thông tại khu vực này. 

Thông xe cầu Thăng Long, kết nối hoàn chỉnh đường vành đai 3

Thành công đầu tiên của ngành GTVT trong năm 2021 phải kể đến Dự án sửa chữa mặt cầu Thăng Long bắc qua sông Hồng được thông xe sau 6 tháng thi công, với tổng vốn đầu tư hơn 269 tỷ đồng.

Dự án bắt đầu triển khai từ 16/8/2020, sau nhiều tháng thi công dự án đã chính thức thông xe vào ngày 7/1/2021.

Lần sửa chữa này, các nhà thầu đã làm sạch và sơn toàn bộ mặt cầu Thăng Long; hàn 1,4 triệu đinh neo bằng thép lên bản mặt thép của cầu; lắp đặt 800 tấn thép; đổ 2.000 m3 bêtông siêu tính năng (UHPC); quét keo dính bám và thảm 27.200m2 bêtông nhựa polyme lên trên cùng.

tm-img-alt
Cầu Thăng Long. Ảnh minh họa.

Mặt cầu Thăng Long được Bộ GTVT đánh giá sẽ đảm bảo tuổi thọ của lớp bê tông siêu tính năng tối thiểu 30 năm, và lớp phủ bêtông nhựa polyme là 10 năm (theo tuổi thọ thông thường của vật liệu nhựa).

Thông xe 6 nhánh lên xuống cầu cạn vành đai 3, đoạn Mai Dịch - cầu Thăng Long

Hạng mục 6 nhánh kết nối lên/xuống đường Vành đai 3 trên cao đoạn Mai Dịch - cầu Thăng Long được khởi công từ tháng 10/2020 với tổng đầu tư 200 tỷ đồng.

Sau hơn 1 năm thi công, 6 nhánh lên/xuống này được thông xe vào sáng nay (27/12), bao gồm 2 nhánh ở Hoàng Quốc Việt, 2 nhánh Cổ Nhuế và 2 nhánh Nguyễn Hoàng Tôn.

Độ dài các nhánh lần lượt là: Nhánh lên/xuống khu vực Hoàng Quốc Việt dài 247m; khu vực Cổ Nhuế dài 330m; khu vực Nguyễn Hoàng Tôn dài 222m.

Các nhánh lên/xuống sau khi thông xe sẽ tạo thuận lợi cho ôtô lưu thông trên cầu cạn có thể xuống đường dưới thấp, chuyển hướng dễ dàng thay vì phải đi thẳng sang điểm quay đầu thuộc địa bàn huyện Đông Anh và nút giao Mai Dịch như trước đây.

tm-img-alt
Đường vành đai 3 đoạn Mai Dịch - Nam Thăng Long. Ảnh minh họa.

Về tốc độ lưu thông của phương tiện, Sở GTVT mới đây nêu rõ: từ sáng 27/12/2021, toàn bộ ôtô lưu thông tại đường cao tốc trên cao Vành đai 3 Mai Dịch - cầu Thăng Long được phép chạy tối đa 100/km (tốc độ lâu nay là 80km/h); tốc độ tối thiểu là 60km/h.

Mở rộng đường Văn Cao - Liễu Giai 

Để tạo sự đồng bộ về hạ tầng, giữa tháng 7/2021, Sở GTVT Hà Nội đã giao cho Ban Duy tu các công trình hạ tầng giao thông (Ban Duy tu) xén dải phân cách, mở rộng lòng đường Liễu Giai - Văn Cao để có mặt cắt ngang tương đồng với trục Nguyễn Chí Thanh - Trần Duy Hưng.

Đoạn đường được mở rộng dài khoảng 390m, từ cầu vượt Thụy Khuê tới nút giao Liễu Giai - Vạn Phúc.

tm-img-alt
Đường Liễu Giai - Văn Cao. Ảnh minh họa.

Sau gần 2 tháng thi công, tuyến đường Liễu Giai - Văn Cao đã hoàn tất việc mở rộng hồi tháng 9/2021. Sau khi hoàn thành, hai bên tuyến đường này được nâng từ 4 lên 8 làn xe góp phần giảm ùn tắc giao thông khu vực trung tâm Hà Nội.

Xây dựng cầu vòm sắt vượt hồ đầu tiên của Thủ đô

Cầu thép cho xe máy dưới gầm đường vành đai 3 trên cao được khởi công đầu năm 2021. Cầu có kết cấu nhịp dầm vòm dạng ống thép lan can hai bên, tổng chiều dài 297m, mặt cắt ngang rộng 7,5m, bề rộng phần xe chạy 6m.

Dự án có tổng mức đầu tư 341 tỷ đồng, trong đó riêng dự án cầu vòm thép qua hồ Linh Đàm (quận Hoàng Mai) 65 tỷ đồng.

Một phần đầu cầu nằm song song với lối lên đường vành đai 3, hướng về cầu Thanh Trì và cao tốc Pháp Vân. Nhà thầu và đơn vị thi công đã hoàn thành 9 nhịp dầm tại xưởng, đang tiến hành tổ hợp dầm tại công trường và lao lắp dầm, thi công mặt cầu.

tm-img-alt
Cầu vòm sắt được thi công và nằm hoàn toàn dưới gầm Vành đai 3 trên cao vượt hồ Linh Đàm. Ảnh minh họa.

Trước đó tháng 6/2020, Hà Nội có quyết định xây dựng bổ sung cầu thép cho xe máy, sau khi hai cầu cạn vành đai 3 đi thấp qua hồ Linh Đàm thông xe. Dự án do Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình giao thông Hà Nội làm chủ đầu tư.

Ông Trần Đức Dũng, Chỉ huy trưởng công trường, cho biết dự án dự kiến thông xe trước Tết dương lịch 2022.

Cầu thiết kế nằm giữa hai cầu vượt lên xuống đường vành đai 3 trên cao đoạn cắt qua hồ Linh Đàm. Khi đưa vào sử dụng sẽ giảm tải áp lực giao thông cho nút giao Thanh Xuân và nút giao Pháp Vân, giải quyết tình trạn ùn tắc giao thông tại nút giao Nguyễn Hữu Thọ với đường Giải Phóng và khu vực Linh Đàm. Đồng thời, khép kín đồng bộ tuyến đường vành đai 3 khu vực Hữu ngạn sông Hồng.

Bạn đang đọc bài viết Hà Nội: Nhiều dự án giao thông trọng điểm về đích trong năm 2021. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0981 389 194 Hoặc email: ts.dautuvakinhdoanh@gmail.com

Cùng chuyên mục

Tin mới