Bình Thuận yêu cầu thực hiện nghiêm túc, quyết liệt các giải pháp thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công
Năm 2024, UBND tỉnh Bình Thuận đặt mục tiêu thực hiện và giải ngân vốn đầu tư công đạt tỷ lệ trên 95% so với kế hoạch.
Để thực hiện và giải ngân vốn đầu tư công kế hoạch năm 2024 đạt tỷ lệ trên 95%, mới đây ngày 7/3, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bình Thuận Phan Văn Đăng đã ký Công văn số 789/UBND-ĐTQH chỉ đạo đẩy mạnh tiến độ thực hiện và giải ngân vốn ngân sách nhà nước năm 2024.
Theo đó, UBND tỉnh Bình Thuận yêu cầu thủ trưởng các sở, ban, ngành, Chủ tịch UBND các huyện, thị xã, thành phố, các chủ đầu tư và thủ trưởng các đơn vị liên quan triển khai nghiêm túc, quyết liệt các giải pháp thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công đã được HĐND tỉnh ban hành tại Nghị quyết số 84/NQ-HĐND ngày 25/12/2023 về kế hoạch đầu tư công và danh mục các dự án trọng điểm của tỉnh năm 2024; kết luận, chỉ đạo của UBND tỉnh, Chủ tịch UBND tỉnh tại Thông báo số 61/TB-UBND ngày 04/3/2024, Công văn số 77/UBND-ĐTQH ngày 08/01/2024, Công văn số 173/UBND-ĐTQH ngày 15/01/2024 về thực hiện và giải ngân vốn đầu tư công.
Trong đó, UBND tỉnh Bình Thuận giao các sở, ban, ngành, địa phương và các chủ đầu tư: Tiếp tục thực hiện việc phân bổ chi tiết kế hoạch vốn đầu tư công năm 2024 theo đúng quy định; phân bổ vốn tập trung, không dàn trải, theo đúng thứ tự ưu tiên, đúng đối tượng cho các nhiệm vụ, dự án đã đủ điều kiện, thủ tục đầu tư, có khả năng giải ngân; tập trung bố trí đủ vốn năm 2024 cho các dự án trọng điểm, bức xúc….
Nâng cao chất lượng chuẩn bị dự án, đẩy nhanh tiến độ hoàn thiện thủ tục đầu tư, xây dựng kế hoạch cụ thể, xác định các mốc thời gian hoàn thành từng thủ tục (lập, thẩm định và phê duyệt thiết kế - dự toán công trình, lựa chọn nhà thầu, phê duyệt kết quả đấu thầu, ký kết hợp đồng với các dự án, gói thầu mới thực hiện trong năm 2024...). Ngay sau khi hợp đồng được ký kết, phối hợp ngay với nhà thầu để triển khai các thủ tục tạm ứng theo quy định để các nhà thầu có vốn chuẩn bị các điều kiện cần thiết phục vụ công tác thi công.
Đặc biệt đối với công tác bồi thường, hỗ trợ, tái định cư, giải phóng mặt bằng để thi công: Vấn đề này, Ban cán sự đảng UBND tỉnh đã báo cáo Ban Thường vụ Tỉnh ủy có chủ trương, chỉ đạo; UBND tỉnh cũng đã ban hành Chỉ thị số 08/CT-UBND ngày 06/10/2023 chỉ đạo tăng cường công tác quản lý đất đai, chấn chỉnh khắc phục những tồn tại, hạn chế trong công tác bồi thường, hỗ trợ, tái định cư, thu hồi đất, phải coi đây là nhiệm vụ trọng tâm để huy động cả hệ thống chính trị vào cuộc, không để xảy ra tình trạng chậm trễ hoặc thiếu vốn bố trí cho công tác bồi thường, hỗ trợ và tái định cư. UBND các huyện, thị xã, thành phố phải thật sự vào cuộc, nêu cao tinh thần trách nhiệm, chủ động, quyết liệt trong tổ thực hiện, làm tốt công tác tuyên truyền vận động, tập trung phối hợp giải quyết, đẩy nhanh tiến độ giải phóng mặt bằng.
Các chủ đầu tư, nhất là các Ban quản lý dự án của tỉnh phối hợp chặt chẽ với các nhà thầu, đơn vị cung ứng vật tư, vật liệu để giải quyết các khó khăn, vướng mắc phát sinh, đảm bảo tiến độ triển khai các gói thầu và các điều kiện thi công công trình; trường hợp cần tăng mức tạm ứng vốn để đáp ứng nhu cầu cung ứng vật tư, vật liệu thì kịp thời báo cáo đề xuất cơ quan thẩm quyền để xem xét, giải quyết theo quy định pháp luật; phối hợp với các nhà thầu để hoàn thiện hồ sơ tạm ứng, thanh toán, kiểm soát chi ngay sau khi đủ điều kiện hoặc có khối lượng hoàn thành theo quy định.
Thường xuyên kiểm tra rà soát, đánh giá tình hình, tỷ lệ giải ngân của từng dự án, đặc biệt là các dự án trọng điểm, bức xúc của tỉnh, các dự án ODA, các dự án được bố trí vốn lớn; nhận diện và dự báo sớm các vướng mắc phát sinh trong quá trình thực hiện để xử lý theo thẩm quyền hoặc báo cáo đề xuất cơ quan có thẩm quyền xem xét, chỉ đạo giải quyết kịp thời.
Kiên quyết và kịp thời điều chuyển vốn của các dự án chậm giải ngân sang các dự án đã quyết toán, các dự án đã hoàn thành nhưng còn thiếu vốn, các dự án có tiến độ giải ngân tốt bảo đảm hiệu quả, đúng quy định pháp luật.
Công khai kết quả thực hiện của các đơn vị, gắn kết quả giải ngân của từng đơn vị với đánh giá kết quả công tác của người đứng đầu, tổ chức và cá nhân liên quan. Kiểm điểm, phê bình đối với các trường hợp không hoàn thành kế hoạch; đồng thời khen thưởng, động viên kịp thời đối với các gương điển hình trong tháo gỡ vướng mắc và đẩy nhanh tiến độ thực hiện và giải ngân kế hoạch vốn, đặc biệt đối với công tác giải phóng mặt bằng.
Đối với các dự án ODA và vay ưu đãi nước ngoài: Khẩn trương gửi hồ sơ rút vốn đến Bộ Tài chính để thực hiện giải ngân theo quy định đối với các khối lượng đã thực hiện kiểm soát chi, không để tồn đọng, đặc biệt là các khoản hoàn chứng từ tài khoản đặc biệt. Đẩy nhanh tiến độ thi công, chủ động điều phối, giám sát chặt chẽ công tác thực hiện dự án của các bên liên quan (tư vấn, nhà thầu) theo các nguồn vốn (vay, viện trợ đồng tài trợ, đối ứng), đảm bảo việc thực hiện thông suốt; kịp thời dự báo, phát hiện các vướng mắc trong từng khâu thực hiện để xử lý hoặc báo cáo cơ quan chủ quản và bộ, ngành liên quan xử lý theo thẩm quyền.
Bên cạnh đó, UBND tỉnh Bình Thuận cũng giao cơ quan kiểm soát thanh toán vốn đầu tư: Tăng cường việc nhận và gửi hồ sơ làm cơ sở kiểm soát, thanh toán theo hình thức trực tuyến trên Cổng dịch vụ công trực tuyến của Kho bạc Nhà nước. Thực hiện nghiêm túc nguyên tắc “thanh toán trước, kiểm soát sau” cho từng lần giải ngân cho đến khi giá trị giải ngân đạt 80% giá trị hợp đồng thì mới chuyển sang hình thức “kiểm soát trước, thanh toán sau” theo quy định Nghị định số 99/2021/NĐ-CP ngày 11/11/2021 của Chính phủ.
Riêng đối với công tác kiểm soát chi vốn đầu tư công nguồn vốn nước ngoài đối với phương thức rút vốn, thực hiện theo quy định tại Nghị định số 114/2021/NĐ-CP ngày 16/12/2021 của Chính phủ về quản lý và sử dụng vốn hỗ trợ phát triển chính thức và vốn vay ưu đãi các nhà tài trợ nước ngoài.
Đối với các khoản chi tạm ứng vốn hoặc thực hiện theo hình thức “thanh toán trước, kiểm soát sau” đảm bảo thời hạn kiểm soát, thanh toán tại Kho bạc Nhà nước là trong vòng 01 ngày làm việc kể từ khi nhận đủ hồ sơ theo quy định, đối với các khoản còn lại, thời hạn kiểm soát, thanh toán tại Kho bạc Nhà nước là 03 ngày làm việc sau khi nhận đủ hồ sơ theo quy định.
Kho bạc Nhà nước Bình Thuận phối hợp với chủ đầu tư thực hiện rà soát, kiểm tra việc tạm ứng vốn, đảm bảo vốn tạm ứng đúng mục đích, đúng đối tượng, mức vốn và thời hạn tạm ứng theo quy định.
Sở Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, cùng các sở chuyên ngành, các chủ đầu tư rà soát, hệ thống các vấn tồn tại, vướng mắc (theo lĩnh vực, tính chất, thẩm quyền...). Trên cơ sở đó, hướng dẫn cho chủ đầu tư triển khai các công việc, trình tự thủ tục giải quyết, tháo gỡ cụ thể (hoàn thành chậm nhất đến ngày 25/3/2024); đối với các nội dung thuộc thẩm quyền hướng dẫn của trung ương thì chủ động làm việc, có văn bản xin ý kiến hướng dẫn thực hiện. Định kỳ hằng tháng (trước ngày 25), tổng hợp, báo cáo đề xuất Tổ trưởng Tổ công tác thúc đẩy giải ngân, UBND tỉnh theo dõi, chỉ đạo (nếu có), tổ chức đi kiểm tra thực tế, làm việc với các địa phương, chủ đầu tư để chỉ đạo giải quyết theo thẩm quyền.
Ngoài ra, Sở Kế hoạch và Đầu tư có trách nhiệm chủ trì cùng các sở, ngành chức năng: Tiến hành rà soát, hệ thống các vấn tồn tại, vướng mắc theo lĩnh vực, tính chất, thẩm quyền..., trên cơ sở đó hướng dẫn cho chủ đầu tư triển khai các công việc, thủ tục liên quan, kịp thời phổ biến, quán triệt những chỉ đạo từ Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, hướng dẫn của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính UBND tỉnh và kết luận, chỉ đạo của UBND tỉnh, Chủ tịch UBND tỉnh về công tác quản lý, giải ngân vốn đầu tư công; Định kỳ hằng tháng tổng hợp, báo cáo đề xuất Tổ trưởng Tổ công tác thúc đẩy giải ngân, UBND tỉnh theo dõi, chỉ đạo.
Thanh Tùng