TP.HCM: Xem phục hồi thị trường BĐS là cú hích để phục hồi kinh tế sau đại dịch
Bất động sản là lĩnh vực quan trọng góp phần vào phát triển kinh tế - xã hội. Ở TP.HCM, bất động sản là một trong 9 nhóm ngành dịch vụ chủ lực để phát triển.
Sáng ngày 29/10/2021 đã diễn ra hội thảo "Triển vọng thị trường bất động sản sau dịch COVID19", tại hội thảo các chuyên gia kinh tế nhấn mạnh, để hỗ trợ doanh nghiệp bất động sản (DN BĐS) sớm khôi phục hoạt động sau đại dịch COVID1, cần tạo môi trường đầu tư, kinh doanh thông thoáng với quan điểm phải "gỡ" tất cả nút thắt để DN bùng lên.
Có ý kiến cho rằng, TP.HCM nên đưa việc khôi phục thị trường BĐS vào chương trình trung hạn phục hồi kinh tế, xem phục hồi thị trường này là bước đột phá để dẫn dắt, từ đó kích thích sự phục hồi của TP.HCM và cả nền kinh tế…
Những vướng mắc cần tháo gỡ
Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP.HCM (HoREA) Lê Hoàng Châu chia sẻ, đối với TP.HCM, giãn cách xã hội kéo dài trong 4 tháng qua khiến thị trường BĐS bị tác động nặng nề, nhất là phân khúc nhà ở. Rất nhiều dự án, rất nhiều kế hoạch triển khai của DN bị đình trệ. Đặc biệt, nguồn cung cho thị trường vẫn đang có sự tắc nghẽn do những vướng mắc về pháp lý kéo dài cho đến nay vẫn chưa được giải quyết.
Ông Châu cho biết thêm: "Hiện có khoảng 126 dự án nhà ở "dậm chân" tại chỗ nhiều năm liền do vướng mắc các thủ tục pháp lý, trong đó có dự án kéo dài 4-5 năm. Điều này đang thật sự gây khó khăn cho nhiều DN".
Cụ thể, chuyên gia này tính toán, nếu các DN vay 70% trong tổng mức đầu tư khoảng 88.000 tỷ đồng, với lãi suất 10%/năm, 5 năm qua đã phải trả lãi vay lên đến khoảng 44.000 tỷ đồng. Chưa kể, sự đình trệ này dẫn đến nguồn cung dự án sụt giảm lớn, DN không thể triển khai dự án, thị trường thiếu sản phẩm đẩy giá nhà lên cao, khiến giấc mơ sở hữu nhà ở của người dân càng xa vời.
Cùng với đó, việc chậm trễ tháo gỡ vướng mắc của các dự án còn khiến ngân sách Nhà nước thất thu cả về thuế và tiền sử dụng đất, tiền thuê đất…
Những chính sách gỡ vướng của Chính phủ, của Bộ Xây dựng thời gian qua theo Chủ tịch HoREA cũng có đóng góp cho việc vực dậy thị trường BĐS nhưng chưa nhiều. Thời gian tới, đề nghị cần sửa các vấn đề về thể chế pháp luật về Luật đầu tư, Luật nhà ở để tháo gỡ khó khăn công nhận chủ đầu tư các dự án BĐS. Đặc biệt, vấn đề thực thi pháp luật ở các địa phương là quan trọng.
Ông Châu dẫn chứng: "Quy định 100% là đất ở mới được công nhận chủ đầu tư, nói thật chỉ có 1% dự án trên toàn quốc đáp ứng được yêu cầu. Còn lại hơn 80% là vướng ở quy định này".
Chuyên gia kinh tế TS.Vũ Đình Ánh cho rằng, hiện Luật nhà ở, Luật Xây dựng đã được sửa nhưng Luật đất đai được đặt ra khá nhiều vấn đề khúc mắc với cơ quan chức năng. Có nhiều nội dung trong Luật đất đai được các DN rất mong có sự thay đổi, trong đó cần vai trò điều tiết, can thiệp của cơ quan chức năng, chính quyền địa phương.
Ông Ánh kỳ vọng: "Việc thay đổi cơ chế về mối quan hệ trong thực thi các cơ chế chính sách, trong đó có lĩnh vực BĐS là rất cần thiết. Về mặt khoa học đó chính là phân cấp, phân quyền. Mọi phân quyền trong lĩnh vực BĐS sẽ có những thay đổi lớn trong thời gian tới. Hy vọng sẽ khắc phục được tình trạng không ai dám quyết và gây ảnh hưởng đến thị trường BĐS".
Trưởng Phòng Quản lý thị trường bất động sản (Cục Quản lý nhà ở và thị trường bất động sản - Bộ Xây dựng) Vương Duy Dũng nhấn mạnh, Chính phủ đang triển khai nhiều chiến lược quy hoạch, Bộ Xây dựng cũng đang nghiên cứu chiến lược phát triển nhà ở quốc gia 2030 và định hướng 2045. Điều này sẽ tạo ra sự phát triển ổn định cho lĩnh vực BĐS trên thị trường.
Ông Dũng khẳng định: "Chúng tôi luôn lắng nghe thông tin khó khăn, vướng mắc chính sách để tháo gỡ cho thị trường, cho DN. Khó khăn, bất cập vẫn có nhưng chúng tôi sẽ nhìn nhận và sửa đổi hoàn thiện. Hệ thống pháp luật trong thời gian vừa qua từng bước hoàn thiện có nhiều điểm tích cực. Có khó khăn bất cập ở một số điểm nhưng chúng tôi sẽ từng bước nghiên cứu tháo gỡ".
Khơi thông dòng vốn
Các chuyên gia cũng nhận định tại hội thảo, BĐS vẫn là một kênh trú ẩn, đầu tư an toàn và dài hạn. Đây là điều khiến thị trường BĐS sẽ dần hồi phục khi mà các địa phương nới lõng giãn cách, được đi lại. Đặc biệt, các vướng mắc về pháp lý sớm được gỡ sẽ giúp thị trường đẩy nhanh nguồn cung, tạo cú hích để phục hồi kinh tế.
Thời gian qua dòng tiền dịch chuyển vào chứng khoán không chỉ ở Việt Nam mà cả trên thế giới, điều này tạo nên sự bùng nổ của thị trường chứng khoán. Tuy nhiên, sắp tới đây dòng tiền sẽ hiện thực hóa khoản lãi từ thị trường chứng khoán sang BĐS, TS.Vũ Đình Ánh cho hay.
Ông Ánh còn dự báo: "Nếu thị trường BĐS phục hồi không tốt trong năm 2022 sẽ làm nợ xấu tăng lên. Tuy nhiên, các yếu tố về mặt kinh tế sẽ khiến thị trường này chuyển biến tích cực hơn. Song, điều này phụ thuộc vào chính sách vĩ mô và cách hành xử phương án kinh doanh BĐS của DN
Thành viên Hội đồng tư vấn chính sách tiền tệ quốc gia TS.Trần Du Lịch, cho biết đang kiến nghị với thành phố trong chương trình trung hạn phục hồi kinh tế, xem phục hồi thị trường BĐS là bước đột phá để dẫn dắt, kích thích sự phục hồi của nền kinh tế nói chung và TP.HCM nói riêng.
Ông Lịch nói, đối với TP.HCM, BĐS là một trong 9 nhóm ngành dịch vụ chủ lực để phát triển. Giờ hỗ trợ DN lại, cần nhóm chính sách: Tạo môi trường đầu tư, kinh doanh, tất cả nút thắt, thắt chỗ nào phải gỡ để DN "bùng" lên.
Theo chuyên gia này, "HoREA báo cáo có tới khoảng 126 dự án BĐS đang tồn đọng, cần tháo gỡ để cho DN hoạt động. Nhưng khổ là mỗi dự án vướng khác nhau thì phải có hướng xử lý khác nhau. Dù vậy, nhất quyết phải gỡ bởi đây là bước khởi động đầu tiên để cho thị trường phát triển".
Bộ Xây dựng trình Chính phủ kiến nghị Quốc hội nhiều gói kích cầu về nhà ở
Cụ thể, như gói 50.000 tỷ đồng xây nhà lưu trú cho công nhân, nhà ở xã hội; cho khách hàng là công nhân tại các khu công nghiệp vay mua nhà; 15.000 tỷ đồng để ngân hàng bù lãi suất cho người mua nhà, cho vay sửa chữa nhà…, ông Hà Quang Hưng, Phó Cục trưởng Cục Quản lý nhà và thị trường bất động sản (Bộ Xây dựng) thông tin.