0915 15 67 76 [email protected]
Chủ nhật, 12/09/2021 06:30 (GMT+7)

Triển vọng cho nhóm cổ phiếu ngành ngân hàng, bất động sản và chứng khoán

Các chuyên gia đưa ra đánh giá, cổ phiếu ngành ngân hàng, bất động sản và chứng khoán có triển vọng tích cực cuối năm 2021. Trong đó, ngành ngân hàng là lựa chọn đầu tư tiêu biểu trong bối cảnh nền kinh tế phục hồi sau đại dịch.

Nên tích lũy cổ phiếu ngân hàng

Theo đánh giá của Công ty Chứng khoán VNDirect trong báo cáo phân tích ngành ngân hàng công bố mới đây, hiện nay là thời điểm để tích lũy cổ phiếu ngân hàng.

"Chúng tôi tin rằng các nhà đầu tư đều hình dung được bức tranh lợi nhuận nửa cuối năm 2021 sẽ chịu tác động lớn từ đợt bùng phát hiện tại; do đó thị trường chủ yếu sẽ nhìn vào triển vọng lợi nhuận năm 2022. Những khoảng trống tăng trưởng sẽ được bù đắp trong các quý tiếp theo khi các hoạt động sản xuất kinh doanh vận hành bình thường trở lại. Và ngành ngân hàng là lựa chọn đầu tư tiêu biểu trong bối cảnh nền kinh tế phục hồi sau đại dịch", nhóm chuyên gia nhấn mạnh.

tm-img-alt
Ảnh minh họa. 

Thêm vào đó, về phương diện dòng tiền, theo VNDirect, thanh khoản thị trường chứng khoán tăng ổn định từ đầu năm đến nay trong bối cảnh mặt bằng lãi suất huy động thấp, TTCK đang trở thành 1 kênh đầu tư hấp dẫn thu hút các nhà đầu tư cá nhân.

"Chúng tôi nhận thấy xu hướng này sẽ còn tiếp tục kéo dài sang năm 2022, được thể hiện thông qua sự tăng trưởng số lượng tài khoản cá nhân mở mới trong 2 tháng vừa qua. Chiếm 1/4 giá trị vốn hóa thị trường, rõ ràng, ngành ngân hàng là một trong những ngành thu hút dòng vốn từ sự tham gia ngày càng tăng của nhà đầu tư cá nhân", nhóm chuyên gia nêu góc nhìn.

Việc giá cổ phiếu ngân hàng điều chỉnh mạnh trong thời gian qua, theo VNDirect, phần nào đã phản ánh tác động tiêu cực của đợt bùng phát hiện nay. Vì vậy cổ phiếu ngân hàng trở nên hấp dẫn hơn khi cân nhắc giữa rủi ro và hiệu quả đầu tư.

Công ty chứng khoán này lưu ý rủi ro chính đối với ngành ngân hàng hiện nay là việc áp dụng giãn cách xã hội do dịch Covid-19 lâu hơn dự kiến; hoặc một biến thể khác của chủng virus phát sinh có thể cản trở hoạt động kinh tế trở lại bình thường. Điều này có thể khiến các ngân hàng ghi nhận trích lập dự phòng cao hơn và cầu tín dụng yếu hơn so với dự báo trong giai đoạn nửa sau 2021 và 2022. Một rủi ro khác là NIM giảm nhiều hơn dự báo do nhu cầu tín dụng bị suy yếu.

Trong bối cảnh lợi nhuận của ngành ngân hàng có xu hướng tăng chậm lại trong các quý tiếp theo, VNDirect ưa thích các ngân hàng có 3 đặc điểm sau:

Thứ nhất, trong bối cảnh tín dụng phục hồi yếu, các ngân hàng có có khả năng đẩy mạnh tín dụng, hoặc có khả năng để nâng cao tỷ trọng thu nhập ngoài lãi (thông qua bancassurance, dịch vụ ngân hàng đầu tư, kinh doanh ngoại hối…) sẽ là những ngân hàng chiếm ưu thế.

Thứ hai, trong bối cảnh cạnh tranh tiền gửi ít gay gắt hơn và thanh khoản dồi dào, các ngân hàng có khả năng thúc đẩy vay cá nhân nên được chú ý bởi có thể có được lợi suất tài sản tốt hơn.

Thứ ba, do lo ngại về khả năng nợ xấu tăng cao trong một vài quý tiếp theo, các ngân hàng có chất lượng tài sản vững chắc và có nguồn dự phòng dồi dào sẽ là sự lựa chọn hợp lý.

Trên các cơ sở đã nêu, VCB của ngân hàng Vietcombank, TCB của ngân hàng Techcombank và ACB của ngân hàng ACB là 3 cổ phiếu tiêu điểm mà VNDirect lựa chọn.

Chứng khoán tăng trưởng mạnh mẽ nhờ nhà đầu tư F0

Công ty cổ phần Chứng khoán BOS (BOS) cho biết, số lượng tài khoản mở mới của nhà đầu tư trong nước 7 tháng đầu năm đạt kỷ lục 721.899 tài khoản, tăng 83% so với cả năm 2020.

tm-img-alt
Sự bùng nổ mạnh mẽ của nhà đầu tư mới (F0) tham gia thị trường sẽ tạo động lực tăng trưởng mạnh mẽ cho nhóm ngành chứng khoán.

Giá trị giao dịch của nhà đầu tư cá nhân trong nước chiếm 84% tổng giá trị giao dịch toàn thị trường. Số liệu thống kê cũng cho thấy, nhà đầu tư cá nhân mua ròng hơn 43 tỷ đồng, hấp thụ hết lượng bán ròng của tổ chức trong nước, cá nhân và tổ chức nước ngoài. Như vậy, dòng tiền trên thị trường đang phụ thuộc lớn vào nhóm nhà đầu tư cá nhân trong nước.

Cuối quý II/2021, số dư tiền gửi của khách hàng tại các công ty chứng khoán vào khoảng 86.000 tỷ đồng, tăng khoảng 21.000 tỷ so với quý trước và cũng là con số kỷ lục trong lịch sử. Đây là dòng tiền chờ sẵn trên tài khoản để tham gia thị trường.

Khối ngoại tiếp tục bán ròng mạnh gần 25 nghìn tỷ đồng trong 7 tháng đầu năm, cao hơn nhiều giá trị bán ròng cả năm 2020. Dòng tiền rút khỏi các thị trường mới nổi; trong đó có thị trường Việt Nam. Thực tế, khối ngoại liên tục rút ròng từ năm 2020.

Tuy nhiên, theo BOS, dòng vốn rút ra khỏi thị trường chỉ mang tính thời điểm và sẽ sớm quay trở lại thị trường Việt Nam trong thời gian tới nhờ triển vọng nâng hạng thị trường.

Dòng tiền margin tại thời điểm cuối quý II/2021 tăng lên mức hơn 126 nghìn tỷ đồng - mức cao nhất trong lịch sử giao dịch. Tuy nhiên, xét về tỷ lệ dư nợ cho vay/ký quỹ thì chỉ đạt mức 7,8%, thấp hơn nhiều so với mức 11,8 lần tại thời điểm quý II/2019. Như vậy, dòng tiền thực của nhà đầu tư vẫn khá dồi dào, thị trường không biến động quá lớn ngay cả khi các công ty chứng khoán giảm room margin

Theo CTCK Nhất Việt (VFS), sự bùng nổ mạnh mẽ của nhà đầu tư mới tham gia thị trường sẽ tạo động lực tăng trưởng mạnh mẽ cho nhóm ngành chứng khoán. Nhờ "game" tăng vốn kích thích thị trường, dự báo các CTCK sẽ duy trì đà tăng trưởng lợi nhuận mạnh mẽ, đặc biệt là các công ty có thế mạnh về nghiệp vụ môi giới và cho vay margin. Định giá bình quân của các CTCK về mức PB hấp dẫn trong khoảng từ 1,5 - 1,6. SSI, MBS và VND là ba mã cổ phiếu chứng khoán được VFS đánh giá triển vọng trong thời gian tới.

Bất động sản hưởng lợi từ đầu tư công

CTCK Nhất Việt cho rằng, việc Chính phủ đẩy mạnh đầu tư công trong nửa cuối 2021 sẽ tạo ra cơ sở hạ tầng thuận lợi cho tăng trưởng. Nhiều dự án phát triển cơ sở hạ tầng tập trung tại các vùng kinh tế trọng điểm tạo hiệu ứng tích cực cho ngành bất động sản như Sân bay Long Thành, đường vành đai 1 (Hà Nội) giúp tăng hấp dẫn cho các khu vực BĐS lân cận; dự án giao thông vận tải cao tốc sẽ kết nối các khu công nghiệp với chuỗi cung ứng.

tm-img-alt
Các dự án đầu tư công được được đẩy nhanh tiến độ thi công. Ảnh: Vnexpress

Môi trường lãi suất cho vay của các ngân hàng tiếp tục ở mức thấp cùng với việc nới room tín dụng sẽ tạo điều kiện cho việc huy động vốn trở nên thuận lợi hơn. Mặt khác, tổng vốn FDI đăng ký vào công nghiệp chế biến chế tạo 6 tháng đầu năm đạt 6,98 tỉ USD, tăng 10,3% so với cùng kỳ năm 2020 cho thấy nhu cầu của nhà đầu tư nước ngoài với các khu công nghiệp vẫn đang ở mức cao.

Hiện, mức định giá của ngành BĐS nói chung được đánh giá là hấp dẫn khi mức P/E chỉ bằng một nửa so với giai đoạn bùng nổ tạo đỉnh năm 2018 và thấp hơn mức trung bình 5 năm. VHM, NLG, KBC, SZC là những cổ phiếu BĐS được VFS kỳ vọng bùng nổ trong các tháng cuối năm 2021.

Bạn đang đọc bài viết Triển vọng cho nhóm cổ phiếu ngành ngân hàng, bất động sản và chứng khoán. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0915 15 67 76 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Đầu tư năng lượng tái tạo cần được ưu tiên hàng đầu
Theo chuyên gia, dự án đầu tư thuộc lĩnh vực năng lượng tái tạo cần được đặt lên ưu tiên hàng đầu và những cơ chế ưu đãi cao nhất cần được áp dụng cho việc thu hút đầu tư tư nhân cả trong và ngoài nước vào lĩnh vực này.

Tin mới

Ra mắt Hệ thống AR/VR Làng gốm Bát Tràng
Ngày 16/4/2024, ra mắt Hệ thống AR/VR Làng gốm Bát Tràng tại địa chỉ URL: http://gombattrang.fairs.vn/. Hệ thống này trong khuôn khổ Dự án “Xây dựng Hệ thống AR/VR Làng gốm Bát Tràng” được các bên khởi động từ ngày 7/8/2023
GDP quý I/2024 tăng 5,66%
Tổng sản phẩm trong nước (GDP) quý I/2024 ước tính tăng 5,66% so với cùng kỳ năm trước, cao hơn tốc độ tăng của quý I các năm 2020-2023.