0915 15 67 76 [email protected]
Thứ tư, 17/02/2021 11:01 (GMT+7)

Việt Nam đặt mục tiêu trở thành quốc gia mạnh và giàu từ biển

Chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 phấn đấu thực hiện mục tiêu đưa Việt Nam trở thành quốc gia biển mạnh...

Để tìm hiểu về nỗ lực của Việt Nam trong công cuộc phòng chống rác thải nhựa nói chung và rác thải nhựa đại dương nói riêng, cùng những đóng góp quan trọng của biển và hải đảo đối với sự phát triển của đất nước, phóng viên Tạp chí Kinh tế Môi trường đã có cuộc trao đổi với TS Tạ Đình Thi, Tổng cục trưởng Tổng cục Biển và Hải đảo Việt Nam, Bộ Tài nguyên và Môi trường.

tm-img-alt

Thưa Tổng cục trưởng, ông có đánh giá như thế nào về tiềm năng và lợi thế của biển và hải đảo Việt Nam trong công cuộc phát triển kinh tế, chính trị, xã hội, quốc phòng và an ninh?

- Việt Nam là quốc gia biển, có lịch sử, truyền thống, văn hóa và quá trình dựng nước, giữ nước gắn liền với biển. Vùng biển nước ta có diện tích rộng gấp 3 lần diện tích lãnh thổ đất liền, chiếm khoảng 29% diện tích Biển Đông, bao gồm các vùng biển nằm trong phạm vi 200 hải lý, thềm lục địa và hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa. Đường bờ biển nước ta kéo dài trên 3.260 km (không kể bờ các đảo) với khoảng trên 2.700 đảo ven bờ phân bố thành các tuyến và là những “điểm tựa” chính yếu đối với phát triển kinh tế biển gắn với bảo đảm quốc phòng, an ninh biển.

Đối với dân tộc Việt Nam, biển, đảo không chỉ là bộ phận cấu thành chủ quyền, quyền chủ quyền thiêng liêng của Tổ quốc, mà còn là không gian sinh tồn và phát triển của các thế hệ người Việt Nam. Các vùng biển nước ta có vị trí địa chính trị, địa quân sự, địa kinh tế quan trọng trong khu vực và trên thế giới.

Hiện cả nước có đến 28 tỉnh, thành phố ven biển, chiếm 42% diện tích đất liền và khoảng 45% dân số toàn quốc. Việt Nam được đánh giá là quốc gia có lợi thế và tiềm năng to lớn về tài nguyên biển. Đa dạng sinh học biển và các hệ sinh thái đã cung cấp nguồn lợi hải sản to lớn cho nền kinh tế. Về khoáng sản, biển Việt Nam có khoảng 35 loại hình khoáng sản có quy mô trữ lượng khai thác khác nhau.

Trong đó, dầu khí là tài nguyên lớn nhất ở thềm lục địa nước ta có tầm chiến lược quan trọng. Ngoài ra, biển Việt Nam còn có tiềm năng băng cháy - loại hình tài nguyên mới của thế giới; Vùng ven biển còn chứa đựng tiềm năng to lớn về quặng sa khoáng như titan, zircon, thiếc, vàng, sắt, mangan, thạch cao, đất hiếm. Bên cạnh đó, biển Việt Nam có tiềm năng to lớn về phát triển du lịch và dịch vụ biển với nhiều cảnh quan, bãi tắm, vũng, vịnh,… mà ít nơi trên thế giới có được.

Một lợi thế quan trọng khác để phát triển kinh tế hàng hải là vùng biển Việt Nam thuộc Biển Đông, một trong những con đường giao thương hàng hải quốc tế nhộn nhịp nhất trên thế giới, nối liền Ấn Độ Dương và Thái Bình Dương.

Kinh tế biển tiếp tục tăng trưởng, chú trọng đến các ngành, lĩnh vực kinh tế mũi nhọn.

Với những tiềm năng và lợi thế như trên, Việt Nam định hướng xây dựng, phát triển biển và hải đảo như thế nào thưa ông?

- Từ yêu cầu của thực tế xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, Hội nghị lần thứ tư Ban Chấp hành Trung ương khoá X đã ban hành Nghị quyết số 09-NQ/TW về Chiến lược biển Việt Nam đến năm 2020, trong đó xác định rõ quan điểm chỉ đạo, mục tiêu, định hướng chiến lược và nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu về phát triển các ngành, lĩnh vực liên quan đến biển, đảo Việt Nam, nhằm đưa nước ta trở thành quốc gia mạnh về biển, làm giàu từ biển. Qua 10 năm thực hiện Nghị quyết số 09-NQ/TW, chúng ta đã đạt được nhiều thành tựu to lớn.

Trên biển, chủ quyền quốc gia được giữ vững, an ninh cơ bản được đảm bảo; Đã xây dựng được thế trận quốc phòng toàn dân gắn với thế trận an ninh nhân dân. Nhiều lực lượng tiến thẳng lên hiện đại, trở thành nòng cốt bảo vệ chủ quyền, an ninh, bảo đảm trật tự và thực thi pháp luật trên biển, bảo đảm an toàn cho người dân và các hoạt động kinh tế trên biển, khu vực ven biển.

Công tác đối ngoại, hợp tác quốc tế về biển, đảo được triển khai chủ động, toàn diện; Giữ gìn môi trường hòa bình, ổn định, góp phần quan trọng vào việc bảo vệ chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ và quyền lợi chính đáng của quốc gia, dân tộc, nâng cao vị thế đất nước; Mở rộng, phát triển quan hệ hữu nghị, hợp tác và tin cậy chính trị với các nước láng giềng, các đối tác lớn, quan trọng; Chủ động, tích cực giải quyết và xử lý các tranh chấp, bất đồng trên biển. Hợp tác quốc tế được triển khai tích cực ở các cấp, các ngành với nhiều đối tác, đa dạng về hình thức và trải rộng trên các lĩnh vực, góp phần nâng cao năng lực quản lý, khai thác, sử dụng biển, bảo vệ môi trường và phòng chống thiên tai.

Các vùng biển, các địa phương có biển đã trở thành khu vực phát triển năng động, thu hút nguồn lực đầu tư trong nước và nước ngoài, tạo động lực phát triển, mở cửa, hội nhập quốc tế, với mức đóng góp vào GDP cả nước luôn đạt trên 60% trong giai đoạn 2007-2017. Kinh tế thuần biển tiếp tục tăng trưởng, chú trọng đến các ngành, lĩnh vực kinh tế mũi nhọn. Phát triển các khu kinh tế, khu công nghiệp gắn với hình thành chuỗi đô thị ven biển. Trong thời gian ngắn, đã tập trung đầu tư, nâng cấp cơ sở hạ tầng, kết nối giao thương trong nước và quốc tế. Đời sống văn hóa, xã hội, việc làm, thu nhập của người dân ven biển, các vùng biển và các đảo được nâng lên rõ rệt.

Trên cơ sở báo cáo tổng kết thực hiện Nghị quyết số 09-NQ/TW, Hội nghị lần thứ tám Ban chấp hành Trung ương Đảng khóa XII đã thông qua Nghị quyết số 36-NQ/TW ngày 22/10/2018 về Chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 với mục tiêu đến năm 2030: “Đưa Việt Nam trở thành quốc gia biển mạnh; Đạt cơ bản các tiêu chí về phát triển bền vững kinh tế biển; Hình thành văn hoá sinh thái biển; Chủ động thích ứng với biến đổi khí hậu, nước biển dâng; Ngăn chặn xu thế ô nhiễm, suy thoái môi trường biển, tình trạng sạt lở bờ biển và biển xâm thực; Phục hồi và bảo tồn các hệ sinh thái biển quan trọng. Những thành tựu khoa học mới, tiên tiến, hiện đại trở thành nhân tố trực tiếp thúc đẩy phát triển bền vững kinh tế biển”.

Hiện nay, toàn hệ thống chính trị và cả nước đang tập trung triển khai thực hiện Chiến lược này. Điều này có ý nghĩa cực kỳ to lớn, nhất là trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19 đang làm thay đổi thế giới và tình hình Biển Đông có nhiều diễn biến phức tạp, khó lường.

tm-img-alt
tm-img-alt

Hiện nay, biển và hải đảo Việt Nam đang đứng trước mối đe dọa nghiêm trọng từ ô nhiễm rác thải nhựa đại dương. Ông có thể chia sẻ cụ thể hơn về điều này? Để bảo vệ môi trường biển và hải đảo, chúng ta đã có những hành động cụ thể nào, thưa ông?

- Theo một số nghiên cứu quốc tế hiện nay, Việt Nam đứng thứ tư trên thế giới và là một trong năm nước ở châu Á xả lượng lớn rác thải nhựa ra đại dương. Cùng với quá trình phát triển kinh tế xã hội của đất nước, vấn đề ô nhiễm môi trường do rác thải nhựa đại dương ngày càng gia tăng và những tác động có hại của nó đến môi trường, hệ sinh thái, kinh tế xã hội có thể nhận thấy rõ. Việt Nam đã có những cam kết chính trị mạnh mẽ và nhiều hoạt động thiết thực trong quản lý, giảm rác thải nhựa, trong đó có rác thải nhựa đại dương.

Tại các cuộc họp, hội nghị cấp cao các nước, trên nhiều diễn đàn khu vực và quốc tế, Việt Nam đã thể hiện quan điểm; Đề xuất các sáng kiến; Tham gia các cơ chế hợp tác toàn cầu, khu vực; Đưa ra những tuyên bố, cam kết chung tay cùng các nước giải quyết vấn nạn rác thải nhựa đại dương.

Việt Nam tăng cường nhiều hoạt động giảm thiểu rác thải nhựa trên biển. (Ảnh minh họa: Internet)

Để thực hiện những cam kết chính trị của Việt Nam, với vai trò là Ủy viên không thường trực Hội đồng Bảo an Liên Hợp quốc (UNSC) nhiệm kỳ 2020- 2021, Việt Nam cần khẳng định tư duy lãnh đạo; Vị thế và vai trò của Việt Nam trên trường quốc tế; Là thành viên tích cực, đối tác tin cậy và có trách nhiệm, đóng góp nhiều hơn nữa vào các nỗ lực chung của cộng đồng quốc tế trong việc đảm bảo hòa bình, an ninh cho phát triển bền vững, đặc biệt là vấn đề rác thải nhựa đại dương đang ngày càng thu hút sự quan tâm toàn cầu.

Đặc biệt, tại Hội nghị Thượng đỉnh G7 mở rộng tổ chức tại Canada năm 2018, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc hoan nghênh sáng kiến của Canada, về ngăn ngừa xả rác thải nhựa ra đại dương. Việt Nam khẳng định sẵn sàng hợp tác với Canada và quốc tế triển khai sáng kiến này. Cuối tháng 6/2019, tại Thái Lan, Việt Nam cùng các nước ASEAN đã ra tuyên bố hành động chống rác thải nhựa ra đại dương.

Có thể kể ra đây, một số mốc quan trọng về nỗ lực của chúng ta trong công cuộc phòng chống rác nhựa nói chung và rác nhựa đại dương nói riêng. Nghị quyết số 36-NQ/TW ngày 22/10/2018 của Hội nghị lần thứ tám Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII về Chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 đã đặt mục tiêu “Ngăn ngừa, kiểm soát và giảm đáng kể ô nhiễm môi trường biển; Tiên phong trong khu vực về giảm thiểu chất thải nhựa đại dương”.

Ngày 9/6/2019, Thủ tướng Chính phủ phát động phong trào chống rác thải nhựa trên toàn quốc. Ngày 11/9/2019, Bộ Tài nguyên và Môi trường và các thành viên của Liên minh tái chế Bao bì Việt Nam đã ký kết thỏa thuận hợp tác nhằm thúc đẩy giảm thiểu, thu gom, tái chế chất thải tại Việt Nam. Ngày 4/12/2019, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Quyết định ban hành Kế hoạch hành động quốc gia về quản lý rác thải nhựa đại dương đến năm 2030, với các chiến lược và hoạt động thiết thực và ngày 20/8/2020 ban hành Chỉ thị số 33/CT-TTg về tăng cường quản lý, tái sử dụng, tái chế, xử lý và giảm thiểu chất thải nhựa.

Ngày 7/11/2020, Quốc hội đã chính thức thông qua dự thảo Luật Bảo vệ môi trường (sửa đổi), với những quy định cụ thể về quản lý chất thải rắn nói chung, quản lý chất thải nhựa nói riêng. Ngày 23/12/2020, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã phối hợp khởi động Chương trình Đối tác Hành động Quốc gia về nhựa và rác thải nhựa Đại dương tại Việt Nam để cụ thể hóa các nội dung trong Quyết định số 1746/QĐ-TTg.

Việt Nam tăng cường nhiều hoạt động giảm thiểu rác thải nhựa trên biển. (Ảnh minh họa: Internet)

Được biết mới đây, Tổng cục trưởng vừa trở thành thành viên Ban chấp hành Hội Kinh tế Môi trường nhiệm kỳ V (2020-2025). Theo ông, Hội Kinh tế Môi trường Việt Nam nên chú trọng vào những hoạt động trọng tâm nào trong năm 2021 để góp phần vào sự phát triển bền vững của đất nước?

- Hội Kinh tế Môi trường Việt Nam ngày càng khẳng định vai trò quan trọng của một tổ chức thành viên của Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam. Trong năm 2021 theo tôi, Hội nên chú trọng vào những hoạt động trọng tâm sau để góp phần vào sự phát triển bền vững của đất nước:

Một là, tập hợp lực lượng hội viên, phát triển mối quan hệ hợp tác với các doanh nghiệp, doanh nhân quan tâm đến lĩnh vực môi trường song hành với phát triển bền vững kinh tế. Tiếp tục tập hợp, củng cố đội ngũ những người hoạt động trong Hội tâm huyết ở Trung ương và địa phương, tăng cường mở rộng thêm về đối tượng tham gia từ các nhà quản lý, nghiên cứu, giảng dạy đến những cán bộ nghỉ hưu,...

Đội ngũ chuyên gia không chỉ đòi hỏi năng lực giỏi về chuyên môn mà quan trọng hơn cần phải có bản lĩnh chính trị vững vàng, làm việc công tâm, công bằng, đóng góp những ý kiến khách quan theo hướng xây dựng đối với các dự án có ảnh hưởng đến môi trường để kiến nghị lên các cơ quan có thẩm quyền nhằm đưa ra những sự điều chỉnh, bổ sung chính sách, pháp luật, cũng như các giải pháp phù hợp, loại trừ khả năng xảy ra tiêu cực; Phối hợp và liên kết vùng giữa các hội địa phương. Các hoạt động của Hội cần đi sát với yêu cầu từng vùng miền, trên cơ sở tìm hiểu kỹ điều kiện của từng nơi, phải chuyển giao được những công nghệ phù hợp, thiết thực, tư vấn hiệu quả góp phần vào sự phát triển của từng địa phương.

Hai là, tăng cường phối hợp chặt chẽ với các Bộ, ngành, địa phương đặc biệt với Bộ Tài nguyên và Môi trường, trong đó có Tổng cục Biển và Hải đảo Việt Nam về chương trình phối hợp thực hiện nhiệm vụ trong lĩnh vực tài nguyên và môi trường, nhằm nâng cao hiệu quả trong công tác quản lý, sử dụng hợp lý tài nguyên, bảo vệ môi trường và ứng phó với biến đổi khí hậu. Đây vừa là cơ hội để tăng cường và nâng cao hiệu quả hoạt động tư vấn, phản biện và giám định xã hội; Truyền thông và phổ biến kiến thức của Hội trong các lĩnh vực thuộc ngành tài nguyên và môi trường, vừa là dịp để các nhà khoa học của Hội tham gia hỗ trợ về kỹ thuật và pháp lý cho các hoạt động của Bộ Tài nguyên và Môi trường.

Ba là, tổ chức các hội nghị chuyên đề về cơ chế hợp tác đa phương, về tình hình biển Đông, tình hình ASEAN và các kết quả hội nghị cấp cao ASEAN nhằm kịp thời cung cấp thông tin chính thức về tình hình trong nước và quốc tế cho cán bộ, đảng viên, trí thức. Tiếp tục phát huy những thành quả đã đạt được từ nhiệm kỳ trước và nâng cao trình độ chuyên môn nghiệp vụ của lực lượng trí thức, các nhà nghiên cứu về khoa học và công nghệ; Đẩy mạnh hợp tác với các hội trong và ngoài Hội, thu hút trí thức người Việt Nam ở nước ngoài tham gia nhiều hơn vào các hoạt động.

Trân trọng cảm ơn ông!

Vương Liễu (Thực hiện)

Theo Tạp chí Kinh tế Môi trường

Bạn đang đọc bài viết Việt Nam đặt mục tiêu trở thành quốc gia mạnh và giàu từ biển. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0915 15 67 76 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Tin mới

Ra mắt Hệ thống AR/VR Làng gốm Bát Tràng
Ngày 16/4/2024, ra mắt Hệ thống AR/VR Làng gốm Bát Tràng tại địa chỉ URL: http://gombattrang.fairs.vn/. Hệ thống này trong khuôn khổ Dự án “Xây dựng Hệ thống AR/VR Làng gốm Bát Tràng” được các bên khởi động từ ngày 7/8/2023