0981 389 194 ts.dautuvakinhdoanh@gmail.com
Thứ sáu, 29/09/2023 15:19 (GMT+7)

Cận cảnh những khu vực bờ biển Quảng Ninh xuất hiện đất đá thải mỏ (Bài 2)

Một số dự án, vùng đất ven biển, bãi tắm ven biển tại Quảng Ninh có dấu vết của đất đá thải mỏ có chứa than, xít, bùn đen.

LỜI TÒA SOẠN

Hiện Bộ Tài nguyên và Môi trường đã và đang tiến hành lấy ý kiến rộng rãi về Dự thảo luật Địa chất và Khoáng sản.

Trong phần Sự cần thiết ban hành Luật Địa chất và Khoáng sản có nêu: Sau 13 năm thực hiện, nhiều quy định của Luật đã bộc lộ những bất cập, không còn phù hợp với thực tiễn, khó khăn khi thực hiện gồm một số vấn đề như: Khai thác khoáng sản làm vật liệu xây dựng nhất là cát, sỏi lòng sông, đất đá bóc tầng phủ, đất đá thải làm vật liệu xây dựng thông thường để phục vụ cho các dự án quan trọng quốc gia hoặc dự án đầu tư công.

Cùng với đó, trong thời gian qua, Tòa soạn tiếp nhận nhiều ý kiến của cử tri và nhân dân tỉnh Quảng Ninh lo lắng về vấn đề tác động đến môi trường xoay quanh hiện tượng sử dụng đất đá thải mỏ làm vật liệu san lấp một số dự án, công trình ven biển.

Tạp chí Kinh tế Môi trường là cơ quan ngôn luận của Hội Kinh tế Môi trường Việt Nam, với vai trò, chức năng, nhiệm vụ của Hội thì các vấn đề liên quan tới phát triển bền vững, bảo vệ môi trường, kinh tế môi trường luôn được các chuyên gia đầu ngành trong Hội đặc biệt quan tâm thông qua cơ quan ngôn luận của Hội. Trước đó, thông qua các hoạt động về tuyên truyền, hội thảo, diễn đàn, tọa đàm, Hội Kinh tế Môi trường Việt Nam đã lên tiếng phản ánh nhiều sự việc lớn như: Vấn đề khai thác tại mỏ sắt Thạch Khê, Hà Tĩnh; Vấn đề khai thác, chế biến về bô xít tại khu vực Tây Nguyên và tham gia góp ý phản biện vào nhiều dự thảo luật của các bộ ban ngành... Các vấn đề sau đó được Đảng và Chính phủ ghi nhận, đánh giá rất tích cực và thiết thực, thông qua các kiến nghị của Hội, nhiều vấn đề quan trọng được tháo gỡ và phổ biến một cách rộng rãi...

Tiếp nối những hoạt động đó, Hội Kinh tế Môi trường Việt Nam sẽ có nhiều ý kiến đóng góp vào Dự thảo Luật Địa chất và Khoáng sản trong thời gian tới. Và tiền đề cho các hoạt động tiếp theo, trong khuôn khổ tuyến bài viết về vấn đề này, Tạp chí Kinh tế Môi trường xin gửi tới Quý bạn đọc một số thông tin ghi nhận tại những địa điểm ven biển có xuất hiện đất đá thải mỏ tại địa bàn Quảng Ninh.

Đồng thời, tuyến bài cũng sẽ đưa những chia sẻ, kiến nghị, đề xuất và một số giải pháp của các nhà khoa học, các chuyên gia trong lĩnh vực kinh tế môi trường để sử dụng hiệu quả đất đá thải mỏ nhằm phát triển Quảng Ninh một cách bền vững như mong muốn của Đảng và Chính phủ đang thực hiện trên khắp đất nước.

Và đặc biệt hơn, tuyến bài này cũng nhằm mục đích góp ý một phần nào về Dự thảo Luật Địa chất và Khoáng sản đang được Bộ Tài Nguyên và Môi trường lấy ý kiến rộng rãi.

Được biết, tính đến thời điểm hiện nay, trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh đã có 4 trường hợp được Bộ TN&MT đồng ý cho khai thác thu hồi đất đá thải mỏ, với tổng khối lượng khoảng 12,4 triệu m3, cụ thể: Bãi thải vỉa 14 cánh tây của Công ty cổ phần than Núi Béo (0,8 triệu m3); Bãi thải Tây Khe Sim - Tây Lộ Trí của Tổng Công ty Đông Bắc (3,5 triệu m3); Bãi thải Suối Lại của Tập đoàn Công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam (3,5 triệu m3); Bãi thải Nam Tràng Bạch của Tổng Công ty Đông Bắc (4,6 triệu m3). Khối lượng này đã và đang được khai thác sử dụng hiệu quả phục vụ các công trình xây dựng trên địa bàn.

Theo tính toán của cơ quan chức năng, trung bình mỗi năm lượng đất đá bóc xúc, đổ thải của các đơn vị ngành than đạt trên 150 triệu m3, trên tổng diện tích bãi thải khoảng 4.000 ha.

Trong quá trình khai thác than lộ thiên, tính riêng TKV đã bóc xúc, đổ đất đá thải ra các bãi thải trên 1 tỷ m3. Đến thời điểm này, phần lớn các bãi thải đạt cốt cao 200-300 m, trữ lượng huy động khoảng 1,2 tỷ m3.

Việc phát sinh khối lượng đất đá thải lớn hàng năm dẫn đến áp lực về diện tích đổ thải, ảnh hưởng đến chất lượng môi trường, tiềm ẩn nguy cơ sạt lở trong mùa mưa bão.

Trong khi đó, trung bình mỗi năm, tỉnh Quảng Ninh cần khoảng 130 triệu m3 đất đá làm vật liệu phục vụ san lấp mặt bằng. Dự kiến đến năm 2030, nhu cầu vật liệu san lấp các dự án trên địa bàn tỉnh đăng ký khoảng hơn 1 tỷ m3. Thực tế hiện nay, nhiều dự án, công trình trọng điểm triển khai trên địa bàn tỉnh đang thiếu nguồn vật liệu phục vụ san lấp mặt bằng.

Dưới đây là một số hình ảnh mà Nhóm Phóng viên Tạp chí Điện tử Kinh tế Môi trường đã ghi nhận được có sự xuất hiện của việc sử dụng đất đá thải mỏ tại một sự dự án, khu vực ven biển của tỉnh Quảng Ninh:

tm-img-alt
Khu Đô thị Ao Tiên thuộc xã Hạ Long huyện Vân Đồn nằm giáp biển, nhìn ra Vịnh Bái Tử Long.
tm-img-alt
Tại đây, nhiều đống đất đá thải mỏ nằm chất đống có chứa các cục than nhỏ.
tm-img-alt
Khu Đô thị Dragon City với diện tích lớn đang tiến hành san lấp mặt bằng giai đoạn 2.
tm-img-alt
Nhiều đống đá thải mỏ vẫn chưa được san mặt bằng ở giai đoạn 2 của dự án.
tm-img-alt
Khu đô thị Hà Khánh thuộc phường Hà Khánh, TP.Hạ Long cũng ghi nhận đất đá thải mỏ được sử dụng để san nền.
tm-img-alt
Khi mưa xuống, nước từ Khu đô thị Hà Khánh chảy trực tiếp ra vùng biển phía trước.
tm-img-alt
Cụm Công nghiệp Cẩm Thịnh thuộc phường Cẩm Thịnh, TP.Cẩm Phả được xây dựng trên bãi thải của một bãi than và đi vào hoạt động từ năm 2019.
tm-img-alt
Tại khu vực kênh thoát nước, một số lá cây vẫn lưu dấu của bùn đen của trận mưa ngập trước đó.
tm-img-alt
Còn tại bãi tắm của Khu đô thị Phương Đông (thị trấn Cái Rồng, huyện Vân Đồn) cũng ghi nhận lớp bùn đen dọc bãi.
tm-img-alt
Phần cát đen lộ ra khi người dân đào Sá sùng từ bãi tắm.
tm-img-alt
Bãi tắm Cột 8 thuộc phường Hồng Hà, TP.Hạ Long cũng bị người dân phản ánh có màu nước đục và chất lượng nước không đảm bảo. Bãi tắm công cộng này mới được đầu tư xây dựng và đi vào phục vụ người dân ngày 30/4/2021.
tm-img-alt
Nhiều người dân lo lắng khi sử dụng đất đá thải mỏ để san nền các dự án bãi tắm trong thời gian vừa qua.

(Còn nữa...)

Bạn đang đọc bài viết Cận cảnh những khu vực bờ biển Quảng Ninh xuất hiện đất đá thải mỏ (Bài 2). Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0981 389 194 Hoặc email: ts.dautuvakinhdoanh@gmail.com

Cùng chuyên mục

Tin mới