0981 389 194 ts.dautuvakinhdoanh@gmail.com
Thứ sáu, 17/07/2020 08:38 (GMT+7)

Kinh tế biển Việt Nam: Tiềm năng và thách thức

Cùng với những lợi thế và tiềm năng là những thách thức mà Việt Nam phải đối mặt để phát triển kinh tế biển bền vững.

Tiềm năng phát triển kinh tế biển

Vùng biển Việt Nam có diện tích rộng, gấp hơn 3 lần diện tích đất liền, đường bờ biển dài trên 3.260 km, có lợi thế rất lớn trong phát triển kinh tế biển và giao lưu, hội nhập kinh tế quốc tế. Nhiều nghiên cứu cho thấy, biển Việt Nam chứa đựng những tiềm năng phát triển kinh tế to lớn.

Với vị trí phân bố đặc thù, Việt Nam sở hữu hệ thống đảo có lợi thế rất lớn về phát triển kinh tế biển, đảo. Ảnh minh họa

Tiềm năng nổi bật của kinh tế biển Việt Nam là nguồn tài nguyên dầu khí, trữ lượng ước tính khoảng 3,0-4,5 tỉ m3 quy dầu quy đổi, chủ yếu là khí (chiếm trên 50%) và tập trung chủ yếu ở thềm lục địa. Trữ lượng tài nguyên dầu khí đã phát hiện vào khoảng 1,365 tỉ m3 quy dầu, chiếm 30-35% tổng trữ lượng và tiềm năng dầu khí dự báo của Việt Nam, trong đó khí thiên nhiên chiếm trên một nửa.
Không chỉ sở hữu trữ lượng dầu phong phú, Việt Nam còn có tiềm năng lớn về giao thông đường thủy. Nhiều vũng vịnh tương đối sâu và kín, thuận lợi cho việc xây dựng các cảng nước sâu và cho việc trú ngụ của tàu thuyền.

Với bờ biển dài cùng hàng ngàn hòn đảo lớn nhỏ và hàng trăm bãi tắm cát trắng trải dài từ Bắc vào Nam, Việt Nam có điều kiện vô cùng thuận lợi để phát triển du lịch biển, đảo. Có những bãi biển, vịnh đẹp nổi tiếng thế giới như Hạ Long, Nha Trang, Ðà Nẵng được Tạp chí Forbes bầu chọn là 1 trong 6 bãi tắm quyến rũ nhất hành tinh…

Ðặc biệt, Việt Nam sở hữu nhiều khu vực ven biển có rừng ngập mặn (rừng ngập mặn Cà Mau, rừng ngập mặn cần Giờ…) cùng nhiều làng nghề, lễ hội độc đáo nên tạo điều kiện rất tốt cho phát triển du lịch.

Ngư dân Phú Yên đánh bắt cá ngừ đại dương. Ảnh: TTXVN)

Ngoài những tiềm năng về tài nguyên - môi trường, biển Việt Nam còn có khoảng 3.000 hòn đảo lớn nhỏ, trong đó có 2.773 đảo ven bờ với tổng diện tích tự nhiên khoảng 1.720 km2, 02 quần đảo xa bờ là Hoàng Sa, Trường Sa (gồm hơn 200 đảo) và các đối tượng địa lý (187 đảo).

Trong số 3.000 hòn đảo chỉ có 03 đảo rộng trên 100 km2 là Phú Quốc (558 km2), Cái Bầu (194 km2) và Cát Bà (160 km2); còn lại là các đảo nhỏ. Hệ thống đảo Việt Nam có vai trò to lớn trong sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội cả nước nói chung và phát triển kinh tế biển nói riêng. Với vị trí phân bố đặc thù, hệ thống đảo có lợi thế rất lớn về phát triển kinh tế biển, đảo. Ðây được coi là ưu thế nổi bật, đặc thù của hệ thống đảo mà các vùng khác không có được.

Những “nốt trầm” trong chiến lược phát triển kinh tế biển

Suốt 2 thập kỷ qua, Kinh tế biển đã được chọn là một trong năm mũi nhọn trọng tâm phát triển nền kinh tế Việt Nam. Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội trong các giai đoạn đều khẳng định cần phát triển mạnh kinh tế biển, song hành với phát triển nhanh một số khu kinh tế, khu công nghiệp ven biển, ưu tiên phát triển các ngành công nghiệp năng lượng, đóng tàu, xi măng, chế biến thuỷ sản chất lượng cao…

Cùng với đó là đẩy nhanh tốc độ đô thị hoá, tạo thành các trung tâm kinh tế biển mạnh, tạo thế tiến ra biển, gắn với phát triển đa dạng các ngành dịch vụ, nhất là các ngành có giá trị gia tăng cao như dịch vụ xuất, nhập khẩu, du lịch, dịch vụ nghề cá, dịch vụ dầu khí, vận tải… Phát triển cảng biển, dịch vụ cảng và vận tải biển, sông - biển; phát triển các đội tàu, công nghiệp đóng mới và sửa chữa tàu biển cũng được ưu tiên.

Một bãi biển ở Bình Thuận ngập trong rác thải. Ảnh: Lekima Hùng

Không thể phủ nhận những giá trị mà các chiến lược phát triển kinh tế biển này mang lại. Nhưng cùng với đó là không ít các vấn đề về tăng trưởng nóng, các dự án thua lỗ, kém hiệu quả, thiếu bền vững.

Cụ thể, theo đánh giá của Bộ Tài nguyên và Môi trường, việc khai thác, sử dụng nguồn tài nguyên biển và ven biển ở nhiều nơi còn lãng phí. Việc phát triển kinh tế đi đôi với bảo vệ tài nguyên biển, bảo tồn môi trường sinh thái biển và vùng bờ còn nhiều hạn chế.

Khai thác tiềm năng nguồn lợi thủy sản chưa hiệu quả cao, thiếu bền vững, chưa kiểm soát được hạn mức cấp phép khai thác hải sản cho từng vùng biển dẫn đến tình trạng khai thác cạn kiệt dần hải sản ở vùng ven bờ. Các hệ sinh thái ven bờ biển (rừng ngập mặn, vùng triều, rạn san hô...) có xu hướng suy giảm nghiêm trọng do tác động của hoạt động kinh tế, xây dựng.

Tình trạng ô nhiễm môi trường nước biển ven bờ, vùng cửa sông, vũng, vịnh do hoạt động kinh tế và đời sống xảy ra ở nhiều nơi chưa giải quyết được. Việc thực hiện các giải pháp ứng phó với biến đổi khí hậu, nước biển dâng chưa đồng bộ, hiệu quả hạn chế.

Một số ngành kinh tế biển được xác định ưu tiên tạo bước đột phá nhưng phát triển chậm, chưa tương xứng với điều kiện tiềm năng. Kinh tế cảng biển phát triển còn chậm và thiếu hiệu quả. Vận tải biển mức độ hiện đại hóa và sức cạnh tranh thấp, nhất là vận tải viễn dương. Ðội tàu biển phần lớn là tàu đã cũ, chủ yếu hoạt động trên các tuyến gần.

Cơ cấu đội tàu chưa hợp lý, dư thừa tàu chở hàng bách hóa, hàng rời, thiếu tàu container, tàu chuyên dụng. Khối lượng hàng hóa vận chuyển đường biển từ năm 2007 đến 2016 chỉ tăng bình quân ở mức 3,6%/năm.

Năng lực đóng và sửa chữa tàu biển nâng lên chậm, hiện có hơn 120 nhà máy đóng, sửa chữa tàu, năng lực đóng mới tàu biển đạt khoảng 1 triệu DWT/năm. Ðáng lưu ý, chủ trương chính sách phát triển thủy sản, tạo động lực cho ngư dân đóng tàu đánh bắt xa bờ qua các chương trình vay vốn, đóng tàu gây ra khoản nợ xấu rất lớn, lên đến 33% trên tổng số 10.500 tỉ đồng cho vay đóng tàu…

Khai thác và chế biến dầu khí gặp khó khăn trong điều kiện chịu tác động của giá dầu thế giới giảm sút những năm gần đây, cùng với sản lượng khai thác sụt giảm (do trữ lượng đã được tìm thấy giảm) và những vấn đề an ninh trên Biển Ðông nên phát triển chưa mạnh theo yêu cầu đề ra. Kết cấu hạ tầng biển còn chưa đồng bộ, thiếu cơ sở hạ tầng lớn, hiện đại đáp ứng yêu cầu phát triển nhanh các trung tâm kinh tế biển mạnh. Hệ thống cảng biển được xây dựng mở rộng nhanh nhưng còn thiếu đồng bộ với nâng cấp hạ tầng giao thông kết nối thuận tiện cảng và đường bộ quốc gia, với các trung tâm kinh tế trong nội địa.

Ngay như khai thác hải sản và nuôi trồng thuỷ sản nước lợ, vốn được xem là lĩnh vực kinh tế đặc trưng của biển, đảo đóng góp đáng kể vào tổng giá trị thuỷ sản xuất khẩu, tạo việc làm cho người dân, nhưng hoạt động khai thác đánh bắt xa bờ quy mô còn nhỏ lẻ. Trình độ và hoạt động khai thác tài nguyên, các lợi thế của biển và hải đảo vẫn đang ở tình trạng lạc hậu so với khu vực.

Nói cách khác, Việt Nam tuy là một quốc gia biển, song đến nay vẫn chưa phải là quốc gia mạnh về biển.

Giải mã hạn chế trong phát triển kinh tế biển Việt Nam

Theo PGS.TS Nguyễn Chu Hồi, thành viên Ban chỉ đạo Diễn đàn Ðại dương toàn cầu (GOF), nguyên Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Biển và Hải đảo Việt Nam, khó khăn, hạn chế lớn nhất trong phát triển kinh tế biển hiện nay là công tác quản lý Nhà nước đối với các lĩnh vực kinh tế biển ở nước ta còn yếu, quy hoạch không gian biển còn rời rạc, hệ thống pháp lý liên quan chưa hoàn chỉnh.

Mặt khác, tình hình khai thác, sử dụng biển đảo chưa hiệu quả, thiếu bền vững, đặc biệt là thói quen ưu tiên khai thác tài nguyên biển ở dạng vật chất, không tái tạo; các giá trị chức năng, phi vật chất và có khả năng tái tạo của các hệ thống tài nguyên biển còn ít được chú trọng.

6 nhóm giải pháp quan trọng để triển khai Nghị quyết 36-NQ/TW về Chiến lược biển Việt Nam trong 5 năm tới.

Ðáng lo ngại, môi trường biển tiếp tục biến đổi theo chiều hướng xấu và tiếp tục bị “đầu độc” liên quan tới các hoạt động phát triển kinh tế-xã hội. Ngày càng có nhiều chất thải không qua xử lý từ các lưu vực sông và vùng ven đổ ra biển, khiến môi trường tiếp tục bị ô nhiễm, đa dạng sinh học biển và nguồn lợi hải sản giảm sút, các hệ sinh thái biển quan trọng bị suy thoái.

Ngoài ra, Việt Nam cũng đang chịu tác động nặng nề của tình trạng biến đổi khí hậu và nước biển dâng, trước hết là vùng ven biển và các đảo nhỏ.

Hiện nay, phát triển ngành du lịch biển bền vững được coi là “chìa khóa vàng” phát triển kinh tế biển bền vững. PGS.TS Nguyễn Chu Hồi tin tưởng rằng, du lịch biển và kinh tế đảo, nếu phát triển đúng hướng, hiệu quả và bền vững sẽ thúc đẩy phát triển các ngành kinh tế biển khác.

Nghị quyết số 08-NQ/TW cũng nói rõ, đến hết năm 2020, Việt Nam thu hút được 17 - 20 triệu lượt khách du lịch quốc tế, 82 triệu lượt khách du lịch nội địa; đóng góp trên 10% GDP, tổng thu từ khách du lịch đạt 35 tỉ USD. Phấn đấu đến năm 2030, hệ thống sản phẩm du lịch biển được ưu tiên phát triển mạnh: Có khả năng cạnh tranh trong khu vực về nghỉ dưỡng biển, tham quan thắng cảnh biển, hệ sinh thái biển. Khai thác hệ thống đảo ven bờ phục vụ phát triển du lịch. Du lịch thực sự là ngành kinh tế mũi nhọn, thúc đẩy mạnh mẽ sự phát triển của các ngành, lĩnh vực khác. Việt Nam thuộc nhóm các nước có ngành du lịch phát triển hàng đầu khu vực Ðông Nam Á.

Theo Tạp chí Kinh tế Môi trường

Bạn đang đọc bài viết Kinh tế biển Việt Nam: Tiềm năng và thách thức. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0981 389 194 Hoặc email: ts.dautuvakinhdoanh@gmail.com

Cùng chuyên mục

Tin mới