0915 15 67 76 [email protected]
Thứ tư, 17/04/2024 08:07 (GMT+7)

Đề xuất doanh nghiệp có thể mua điện tái tạo trực tiếp không qua EVN

Bộ Công Thương đề xuất doanh nghiệp sản xuất có thể mua điện trực tiếp từ các nhà máy năng lượng tái tạo (điện gió, mặt trời) có hoặc không qua Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN).

Bộ Công Thương đang lấy ý kiến dự thảo cơ chế mua bán điện trực tiếp (DDPA). Dự thảo dự kiến trình Chính phủ trước ngày 30/4.

Trong dự thảo này, Bộ Công Thương, các vấn đề cơ bản như phạm vi điều chỉnh, đối tượng áp dụng và các hình thức của cơ chế mua bán điện trực tiếp được xác định rõ ràng, đi cùng với đó là các quy định về hợp đồng, giá, cơ chế thanh toán giữa các bên và đặc biệt là trách nhiệm của các bên tham gia mua bán điện theo cơ chế DPPA.

Riêng đối với hình thức mua bán điện trực tiếp, Bộ Công Thương đề xuất doanh nghiệp sản xuất có thể mua điện trực tiếp từ các nhà máy năng lượng tái tạo (điện gió, mặt trời) có hoặc không qua EVN.

Đề xuất doanh nghiệp có thể mua điện tái tạo trực tiếp không qua EVN - Ảnh 1
Bộ Công Thương đề xuất doanh nghiệp sản xuất có thể mua điện trực tiếp từ các nhà máy năng lượng tái tạo (điện gió, mặt trời) có hoặc không qua Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN).

Cụ thể, các hình thức của cơ chế mua bán điện trực tiếp bao gồm: Mua bán điện trực tiếp giữa đơn vị phát điện và khách hàng sử dụng điện lớn qua đường dây kết nối riêng (không qua lưới điện Quốc gia) hoặc qua lưới điện Quốc gia.

Nếu mua bán điện qua lưới điện Quốc gia thì đơn vị phát điện sẽ ký hợp đồng mua bán điện với EVN (hoặc đơn vị được ủy quyền/phân cấp) và bán toàn bộ điện năng sản xuất lên thị trường điện giao ngay của thị trường bán buôn điện cạnh tranh theo quy định của Bộ Công Thương.

Đối với trường hợp mua điện trực tiếp qua đường dây riêng, tổ chức, cá nhân sẽ không bị giới hạn các điều kiện về công suất, sản lượng, cấp điện áp đấu nối. Hợp đồng mua bán và giá điện sẽ do hai bên tự thỏa thuận.

Với hình thức mua bán điện trực tiếp qua lưới điện quốc gia, bên mua và bán đàm phán, thỏa thuận qua hợp đồng kỳ hạn có giá.

Khách hàng sử dụng điện lớn trong khu công nghiệp, khu kinh tế, khu chế xuất được tham gia cơ chế mua bán điện trực tiếp theo quy định khi đáp ứng đủ các điều kiện như chấm dứt hợp đồng với đơn vị bán lẻ.

Cơ chế DDPA từng nhiều lần được các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài đề nghị Việt Nam sớm thí điểm, bởi họ cho rằng chính sách này sẽ tác động tích cực vào cạnh tranh ngành năng lượng.

Trước đó, khảo sát của Bộ Công Thương cho thấy đang có khoảng 20 doanh nghiệp lớn cũng mong muốn mua điện trực tiếp với tổng nhu cầu là gần 1.000 MW, trong đó nhiều doanh nghiệp có nhu cầu tham gia cơ chế DPPA như Samsung, Nike...

Đa số doanh nghiệp có nhu cầu sử dụng điện lớn với tổng sản lượng điện tiêu thụ bình quân lên đến 1 triệu kWh mỗi tháng, sử dụng cấp điện áp 22kV trở lên. Trong khi đó, có 24 dự án năng lượng tái tạo với công suất 1.773 MW muốn bán điện qua cơ chế DPPA, 17 dự án có công suất 2.836 MW cân nhắc tham gia.

Tại dự thảo lần này, Bộ Công Thương cho biết, sau giai đoạn ban đầu thử nghiệm DDPA giữa hộ dùng điện sản xuất và nguồn năng lượng tái tạo, các dự án nguồn có thể được mở rộng sang thủy điện, sinh khối. Cùng đó, đối tượng khách hàng ngoài sản xuất, chẳng hạn kinh doanh, có thể tham gia cơ chế này theo nhu cầu và tình hình phát triển hệ thống, thị trường điện cạnh tranh tại Việt Nam.

H.A

Bạn đang đọc bài viết Đề xuất doanh nghiệp có thể mua điện tái tạo trực tiếp không qua EVN. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0915 15 67 76 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

An ninh - An toàn thực phẩm hướng đến du lịch xanh bền vững
Ngày 16/7, Tạp chí Thương hiệu và Sản phẩm phối hợp với UBND TP. Sầm Sơn; Văn phòng Điều phối Vệ sinh An toàn thực phẩm Thanh Hóa tổ chức Hội thảo: “An ninh- An toàn thực phẩm hướng đến du lịch xanh bền vững: Chuyển hướng từ nhận thức đến hành động”.

Tin mới