Phú Yên trao chứng nhận cho 9 sản phẩm OCOP
Ngày 19/4, UBND tỉnh Phú Yên đã tổ chức công bố quyết định phê duyệt kết quả đánh giá phân hạng và trao giấy chứng nhận sản phẩm thuộc Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP) đợt 1 năm 2022.
Trong 9 sản phẩm đạt tiêu chuẩn OCOP lần này có 2 sản phẩm đạt 4 sao, 7 sản phẩm 3 sao. Trong đó, Hợp tác xã Nông nghiệp kinh doanh tổng hợp Đồng Din, huyện Phú Hòa có 8 sản phẩm gồm: khóm (trái dứa) Đồng Din, bánh khóm Đồng Din, khóm sấy Đồng Din, giấm khóm Đồng Din, rượu khóm Đồng Din, măng sấy, lá giang sấy, nước rửa chén sinh học Đồng Din) và sản phẩm nước mắm truyền thống Mỹ Quang, của cơ sở chế biến nước mắm của gia đình bà Nguyễn Thị Thúy Hằng, xã An Chấn, huyện Tuy An.
Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP) được triển khai tại Phú Yên từ năm 2019 nhằm khai thác các sản phẩm đặc trưng, dựa trên các yếu tố điều kiện sinh thái, văn hóa, nguồn gen, tri thức và công nghệ địa phương để sản xuất các sản phẩm và dịch vụ du lịch có lợi thế, có khả năng cạnh tranh trên thị trường trong nước và quốc tế, góp phần phát triển kinh tế nông thôn theo hướng phát triển nội sinh và gia tăng giá trị.
Đến nay, Phú Yên có 27 sản phẩm được công nhận là sản phẩm OCOP. Hầu hết là các sản phẩm truyền thống đặc trưng đã khẳng định được thương hiệu, uy tín trên thị trường, đem lại hiệu quả kinh tế khá cao cho các đơn vị, hộ sản xuất kinh doanh. Tuy nhiên, là một tỉnh nông nghiệp, số lượng sản phẩm đạt tiêu chuẩn sản phẩm OCOP của tỉnh đến nay đạt được rất thấp so với các tỉnh khác trong cả nước cũng như khu vực.
Được biết, trong năm 2022, tỉnh Phú Yên đặt mục tiêu có ít nhất 18 sản phẩm được công nhận là sản phẩm OCOP đạt từ 3 sao trở lên. 100% cán bộ quản lý Chương trình OCOP các cấp được đào tạo, tập huấn nâng cao nghiệp vụ...
Toàn bộ chủ thể có sản phẩm tham gia Chương trình OCOP sẽ được đào tạo tập huấn kiến thức chuyên môn về quản lý sản xuất, kinh doanh...
Để từng bước thực hiện các mục tiêu đặt ra, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh sẽ chủ trì, phối hợp với các cơ quan có liên quan điều phối và triển khai toàn diện các nội dung trong Chương trình OCOP.
Đồng thời, tiến hành rà soát từng huyện, thị xã, thành phố để kiểm tra, hướng dẫn việc xác định sản phẩm đăng ký tham gia Chương trình; thường xuyên kiểm tra, giám sát, đánh giá để nắm bắt tình hình trong việc triển khai thực hiện Chương trình OCOP...
Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Phú Yên, để khuyến khích cá nhân, doanh nghiệp phát triển các sản phẩm OCOP Phú Yên đã ban hành nhiều chính sách như hỗ trợ nguồn kinh phí cho việc xây dựng, quản lý và phát triển nhãn hiệu tập thể, nhãn hiệu chứng nhận, bộ nhận diện; mã vạch; tem truy xuất nguồn gốc. Trong thời gian tới, ngành nông nghiệp tỉnh, các địa phương cũng nỗ lực hơn nữa hỗ trợ chủ thể đầu tư; đổi mới phương pháp sản xuất, nâng cao chất lượng sản phẩm; xây dựng các sản phẩm đạt đủ tiêu chí công nhận là sản phẩm OCOP, nâng cao giá trị, quảng bá, phát triển sản phẩm địa phương.
Phú Yên cũng đặt ra mục tiêu đến năm 2025 Phú Yên phát triển được 125 sản phẩm OCOP được công nhận đạt từ 3 sao trở lên; có 20% sản phẩm OCOP đạt 4 sao, 5% sản phẩm OCOP đạt 5 sao, 3% sản phẩm nhóm du lịch, dịch vụ đạt OCOP 3 sao; 40% chủ thể OCOP là hợp tác xã.
Thông qua triển khai Chương trình OCOP, các địa phương tiếp tục xây dựng kế hoạch, đề án, dự án phát triển ngành nghề nông thôn, làng nghề truyền thống, nâng cao chất lượng sản phẩm; đào tạo bồi dưỡng nâng cao trình độ cho cán bộ quản lý, gắn với đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng kỹ thuật ở nông thôn và đầu tư xử lý môi trường làng nghề để bảo đảm phát triển bền vững.
Lê Mai