Nhiều địa phương hưởng lợi khi Cần Thơ mở rộng sân bay lên 10.000ha
Với mục tiêu đưa Cần Thơ trở thành trung tâm kinh tế của vùng ĐBSCL, ngoài xây dựng đồng bộ hệ thống hạ tầng, sân bay quốc tế Cần Thơ hiện tại sẽ được mở rộng với quy mô 10.000 ha, phục vụ mục tiêu phát triển kinh tế nông nghiệp và du lịch của vùng.
Tại Nghị quyết 59 về xây dựng và phát triển thành phố Cần Thơ đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 của Bộ Chính trị, Cần Thơ sẽ trở thành thành phố trung tâm vùng. Mục tiêu đến năm 2030, Cần Thơ là thành phố sinh thái, văn minh, hiện đại, mang đậm bản sắc sông nước vùng Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL). Cụ thể, Cần Thơ sẽ trở thành trung tâm của vùng về dịch vụ thương mại, du lịch, logistics, công nghiệp chế biến, nông nghiệp, ứng dụng công nghệ cao, giáo dục và đào tạo, y tế chuyên sâu… góp phần mạnh mẽ vào sự phát triển theo định hướng xanh, bền vững.
Trong nhiệm vụ xây dựng và phát triển Cần Thơ, việc xây dựng sân bay quốc tế rộng 10.000ha được đáng giá sẽ giúp Cần Thơ và các tỉnh ĐBSCL phát huy tối đa tiềm năng phát triển nông nghiệp, du lịch của vùng.
Theo quy hoạch xây dựng sân bay quốc tế rộng 10.000ha, dự án sẽ dành một quỹ đất rộng khoảng 2.000ha để xây dựng Trung tâm Liên kết, sản xuất, chế biến và phân phối sản phẩm nông nghiệp của vùng ĐBSCL. Trong đó, ưu tiên xây dựng hệ thống logistics hàng không, cảng sông và hệ thống kho trung tâm để bảo quản các sản phẩm nông nghiệp của ĐBSCL. Nhiệm vụ quy hoạch cũng phải tính đến bài toán phát triển đô thị mang đặc thù của thành phố ven sông, thích ứng biến đổi khí hậu, có kiến trúc đặc trưng, khai thác tạo điểm nhấn du lịch.
Cũng theo quy hoạch, giai đoạn 2021-2030, xây dựng thêm một nhà ga hành khách, khu hàng không dân dụng và mở rộng sân đỗ máy bay để đạt công suất 7 triệu hành khách/năm. Giai đoạn 2030-2050, xây dựng mới thêm một khu hàng không dân dụng và một đường hạ cất cánh, công suất 15 triệu hành khách/năm.
Theo Nghị quyết 59, bên cạnh các tuyến giao thông đường bộ, cần nghiên cứu phương án đầu tư tuyến đường sắt kết nối TP. HCM và Cần Thơ, thêm một phương thức kết nối với thành phố sân bay một cách nhanh chóng… Được đánh giá như vai trò đầu tàu, dự án thành phố sân bay Cần Thơ hứa hẹn sẽ mang đến những đột phá về kinh tế xuất khẩu và du lịch cho ĐBSCL khi đi vào hoạt động.
Theo các chuyên gia kinh tế, việc Cần Thơ trở thành trung tâm của vùng và xây dựng sân bay quốc tế rộng 10.000 ha không chỉ giúp địa phương này có được những bước phát triển vượt bậc mà các tỉnh lân cận như Hậu Giang, Vĩnh Long, An Giang, Sóc Trăng, Kiên Giang và Đồng Tháp cũng được hưởng lợi rất lớn vê thu hút đầu tư, logictisc và du lịch...
3 lợi ích lớn mà các chuyên gia kinh tế chỉ ra dối với các địa phương lân cận Cần Thơ đó là các tỉnh này đóng vai trò cửa ngõ tiếp cận thành phố sân bay. Do đó, hệ thống hạ tầng sẽ được ưu tiên hoàn thiện nhằm đáp ứng kịp tốc độ phát triển, tránh tình trạng vì hạn chế kết nối giao thông gây cản trở bứt phá về kinh tế. Hiện nay, hàng loạt dự án cao tốc theo trục ngang và dọc đi qua tất cả các tỉnh miền Tây, dẫn về đầu mối trung tâm là Cần Thơ như Cao tốc TP. HCM – Cần Thơ; Cần Thơ - Cà Mau; Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng.
Nhằm đón sóng phát triển của hạ tầng khu vực ĐBSCL, nhiều nhà đầu tư đã đổ bộ về các tỉnh thành lân cận Cần Thơ. Cụ thể như, trong 2 năm 2021-2022, Hậu Giang đã đón sóng đầu tư mạnh mẽ, bước đầu nguồn vốn đầu tư vào nâng cấp hạ tầng đô thị, định hướng phát triển kinh tế nông nghiệp phục vụ xuất khẩu. Về thu hút đầu tư trong nước, toàn tỉnh có 420 dự án đầu tư với tổng mức đầu tư gần 160.000 tỷ đồng. Về đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI), đến nay có 24 dự án FDI, với tổng số vốn đăng ký 617,411 triệu USD.
Tại Đồng Tháp, trong 6 tháng đầu năm 2022, trên địa bàn tỉnh có 390 doanh nghiệp thành lập mới, (tăng 28,3% so với cùng kỳ), với tổng vốn đăng ký trên 3.000 tỷ đồng. Ngoài ra, trong 6 tháng đầu năm, ngành du lịch Đồng Tháp đã có bước khởi sắc trở lại, thu hút 2 triệu lượt khách, tăng 78,57% so với cùng kỳ năm 2021; doanh thu du lịch đạt cao với 800 tỷ đồng, tăng 124,72% so với cùng kỳ năm 2021.
Thanh Vũ - Thư Anh