Cần Thơ phấn đấu trở thành thành phố phát triển của Châu Á năm 2050
Theo quy hoạch chung TP. Cần Thơ tầm nhìn đến năm 2050, Cần Thơ sẽ trở thành thành phố sinh thái, văn minh, hiện đại mang đậm bản sắc sông nước vùng ÐBSCL và thuộc nhóm các thành phố phát triển Châu Á…
Chiều 10/6, Ban Thường vụ Thành ủy Cần Thơ đã tổ chức buổi họp lấy ý kiến về việc thực hiện nhiệm vụ Quy hoạch tổng thể Ðồ án điều chỉnh quy hoạch chung của TP. Cần Thơ đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050.
Tại buổi họp lấy ý kiến về việc thực hiện nhiệm vụ Quy hoạch tổng thể Ðồ án điều chỉnh quy hoạch chung của TP. Cần Thơ đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050, lãnh đạo TP. Cần Thơ xác định, để có thể theo kịp với bối cảnh kinh tế - xã hội , quá trình phát triển thành phố và những quy định pháp luật hiện nay, việc đề xuất lập điều chỉnh quy hoạch được đánh giá là hoàn toàn hợp lý.
Theo ban Thường vụ Thành ủy Cần Thơ thông tin, trên thực tế, nếu thực hiện điều chỉnh quy hoạch sẽ giúp địa phương định hình lại bộ khung, xây dựng chiến lược phát triển để khẳng định hơn nữa vai trò, vị trí, chức năng của TP. Cần Thơ trong sự phát triển của vùng đồng bằng sông Cửu Long (ÐBSCL).
Đồng thời, phát huy kế thừa những điểm mạnh của quy hoạch chung cũ, điều chỉnh những giải pháp nhằm đạt được những định hướng đã đề ra trong quy hoạch chung cũ nhưng trước kia chưa được thực hiện.
Tuy nhiên, lãnh đạo thành phố cũng cần cân nhắc, tránh làm hạn chế xáo trộn quy hoạch tới mức tối đa…
Tại cuộc họp chiều ngày 10/6, đại diện Ban Cán sự Ðảng UBND TP. Cần Thơ đã trình bày Tờ trình số 21-TTr/BCSÐ ngày 1/6/2022 của Ban Cán sự Ðảng ủy UBND thành phố về nhiệm vụ Quy hoạch tổng thể Ðồ án điều chỉnh quy hoạch chung của TP. Cần Thơ đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050.
Theo đó, mục tiêu quan trọng nhất trong việc lập điều chỉnh quy hoạch là phấn đấu đến năm 2030, Cần Thơ sẽ trở thành TP sinh thái, văn minh, hiện đại mang đậm bản sắc văn hóa sông nước vùng ÐBSCL. Là khu vực trung tâm của vùng về dịch vụ thương mại, du lịch, logistics, công nghiệp chế biến hiện đại, nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, giáo dục và đào tạo, y tế chuyên sâu, khoa học công nghệ, văn hóa, thể thao; là đô thị hạt nhân vùng ÐBSCL; đời sống vật chất và tinh thần của người dân đạt mức cao.
Về tầm nhìn xa đến năm 2050, Cần Thơ mong muốn sẽ có bước đột phá hơn, trở thành thành phố sinh thái, văn minh, hiện đại mang đậm bản sắc sông nước vùng ÐBSCL và thuộc nhóm các thành phố phát triển Châu Á…
Phạm vi, quy mô lập quy hoạch sẽ bao gồm toàn bộ địa giới hành chính thành phố Cần Thơ, với tổng diện tích khoảng 1.440,4 km2.
Về quy mô dân số, TP. Cần Thơ được dự báo đến năm 2030 có khoảng 1,375 triệu người; đến năm 2045 là khoảng 1,7 triệu người và đến năm 2050 khoảng từ 1,8-1,9 triệu người.
Về quy mô đất đai và hạ tầng kỹ thuật, UBND TP. Cần Thơ có kế hoạch phát triển theo hướng giảm diện tích đất nông nghiệp, tăng diện tích phi nông nghiệp.
Cụ thể, quy mô đất đai và hạ tầng kỹ thuật có đất xây dựng đô thị bình quân khoảng 150-200m2/người; đất dân dụng các khu đô thị bình quân khoảng 80-90m2/người; mật độ đường 4,5- 6,5km/km2; tiêu chuẩn cấp nước đô thị loại I khoảng 150-180 lít /người/ngày, ngoại thành 60-80 lít/người/ngày; công nghiệp 40m³/ha/ngày cho 60% tổng diện tích; cấp điện sinh hoạt dân dụng đô thị khoảng 1.100-2.100 Kwh/người/năm…
Theo ý kiến của nhiều chuyên gia tại buổi làm việc, trước mắt, tỉnh cần xem xét và thực hiện những nội dung quan trọng như sau: Xem xét giảm diện tích trồng lúa xuống, song song đó sẽ tăng diện tích trồng cây ăn trái lên so với trước; xem xét làm hầm chui để giải quyết ách tắc giao thông nút giao đường Mậu Thân - đường 3/2; quy hoạch hệ thống xe buýt đưa đón học sinh khu vực trung tâm thành phố.
Quy hoạch phát triển các khu đô thị mới nhưng nhất định phải giữ, bảo tồn và phát triển đô thị lịch sử tại quận Ninh Kiều. Bên cạnh đó, nghiên cứu bổ sung xây dựng hồ điều tiết nước cho thành phố; quy hoạch phù hợp vùng điều tiết không khí “lá phổi xanh” cho thành phố; quy hoạch Ninh Kiều thành đô thị truyền thống, phát triển thương mại dịch vụ thì cần quy hoạch xây dựng đường giao thông trên không; tính toán quy hoạch kết nối cảng ga đường sắt, ga hàng không và cảng Cái Cui...
Phát biểu kết luận cuộc họp, ông Phạm Văn Hiểu, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy, Chủ tịch hội đồng nhân dân TP Cần Thơ đã yêu cầu Sở Xây dựng (cơ quan tổ chức lập Ðồ án điều chỉnh Quy hoạch chung TP) phải tiếp thu tối đa các ý kiến phát biểu góp ý của các Ủy viên BTV Thành ủy tại cuộc họp để bổ sung vào Ðồ án.
Đồng thời lưu ý, xây dựng Ðồ án điều chỉnh Quy hoạch chung phải bám sát với các Nghị quyết về xây dựng và phát triển TP. Cần Thơ giai đoạn mới và Nghị quyết số 13 về xây dựng và phát triển vùng ÐBSCL do Trung ương vừa ban hành; phải bảo đảm sự liên kết vùng; dự báo các chỉ số, nhất là về dân số phải tiệm cận tối đa sự chính xác.
Đặc biệt, Ðồ án điều chỉnh Quy hoạch chung của thành phố phải hướng đến thành phố văn minh, hạ tầng kỹ thuật phải hiện đại; phải có chiến lược bảo vệ môi trường.
“Ðồ án điều chỉnh Quy hoạch chung của thành phố phải bảo đảm không gian phát triển kinh tế - xã hội và bảo đảm môi trường sống của con người…”, ông Hiểu nói.
Huỳnh Mai