Loạt dự án giao thông trọng điểm ở TP.HCM "về đích" trong năm 2021
Chịu ảnh hưởng nghiêm trọng từ dịch COVID-19, tuy nhiên TP.HCM vẫn hoàn thành nhiều dự án giao thông quan trọng trong năm 2021.
Dự án cầu Bưng mới
Đầu tháng 12/2021, TP.HCM đã cho thông xe một nhánh cầu thuộc dự án cầu Bưng mới sau 4 năm triển khai. Công trình nằm trên đường Lê Trọng Tấn, bắc qua kênh Tham Lương nối hai quận Bình Tân và Tân Phú.
Đây là một trong hai nhánh cầu thuộc dự án cầu Bưng mới, tổng chiều dài 207m, rộng 11m. Ngoài phần cầu, công trình làm đường dẫn dài 348m, rộng 35m và xây hệ thống thoát nước, chiếu sáng, cây xanh...
Dự án cầu Bưng mới khởi công từ năm 2017, vốn đầu tư 515 tỷ đồng, sau đó hai lần tạm ngưng do vướng mặt bằng và dịch Covid-19.
Đường Nguyễn Hữu Cảnh
Vào tháng 4/2021, tại cửa ngõ phía Đông TP.HCM, tuyến đường Nguyễn Hữu Cảnh nối quận 1 và quận Bình Thạnh cũng được đưa vào khai thác sau 18 tháng thi công.
Tuyến đường huyết mạch này hoàn thành giúp giải quyết tình trạng ngập úng, kẹt xe cho khu vực.
Công trình được đầu tư 473 tỷ đồng, sửa chữa, nâng cấp toàn tuyến dài hơn 3 km từ giao lộ Tôn Đức Thắng đến cầu Sài Gòn. Trong đó, đoạn từ trước tòa nhà The Manor đến cầu vượt Nguyễn Hữu Cảnh dài hơn một km, mặt đường lún nặng được nâng cao từ 50cm đến 1,2m và xây hệ thống thoát nước.
Gần 2km còn lại từ cầu Thủ Thiêm đến giao lộ Tôn Đức Thắng chỉ cải tạo mặt đường. Công trình cũng hoàn thiện vỉa hè hai bên và bổ sung hệ thống chiếu sáng, cây xanh...
Đường Nguyễn Hữu Cảnh trước đó bắt đầu khai thác từ năm 2002, sau đó bị lún, thường xuyên ngập nặng và nhiều đoạn hư hỏng. Năm 2007, TP.HCM từng chi hơn 141 tỷ đồng để sửa chữa, nhưng nhiều năm sau đường luôn ngập nặng, từng bị xem là "rốn ngập" của thành phố.
Cầu Phước Lộc
Tháng 1/2021, tại cửa ngõ phía Nam TP.HCM, cầu Phước Lộc trên đường Đào Sư Tích, bắc qua rạch Cây Khô nối xã Phước Kiển với Phước Lộc, huyện Nhà Bè cũng được đưa vào sử dụng hồi đầu năm.
Cầu dài 390m, rộng hơn 10m cho hai làn xe cùng hơn 320m đường dẫn ở hai đầu cầu. Dự án thay thế cầu cũ nhỏ hẹp, xuống cấp, giúp người dân đi lại, vận chuyển hàng hoá thuận tiện.
Cầu Phước Lộc là một trong dự án kéo dài nhiều năm ở TP.HCM. Công trình được triển khai từ giữa năm 2012 với tổng vốn 405 tỷ đồng. Ban đầu, dự án được lên kế hoạch hoàn thành sau 17 tháng, nhưng sau một năm phải dừng thi công do vướng mặt bằng. Từ giữa năm 2020, công trình được đẩy nhanh thi công, hoàn thành sau hơn 6 tháng sau khi huyện Nhà Bè bàn giao toàn bộ mặt bằng.
Dự án hoàn thành đã giúp tháo điểm nghẽn giao thông ở cửa ngõ phía Nam, hướng lưu thông từ huyện Cần Guộc (Long An) vào TP.HCM được dễ dàng hơn.
Mở rộng đường Bùi Đình Túy
Đầu tháng 5/2021, Dự án mở rộng đường Bùi Đình Túy đã chính thức hoàn thành. Công trình thi công từ hẻm 304 đến đường Phan Văn Trị, dài 225m đi qua ba phường 12, 14 và 24, quận Bình Thạnh
Dự án chủ yếu tốn kinh phí giải phóng mặt bằng cho khoảng 70 hộ dân bị ảnh hưởng, với hơn 160 tỷ đồng. Tuy kinh phí không nhiều như một số công trình lớn khác, nhưng dự án giảm ùn tắc nghiêm trọng kéo dài nhiều năm ở khu vực.
Ông Phan Ngọc Anh Huy, Trưởng ban bồi thường giải phóng mặt bằng quận Bình Thạnh, cho biết trước đây, đoạn đường trên chỉ rộng chừng 4-5m, tạo "nút thắt cổ chai" khiến dòng xe đi qua thường xuyên tắc nghẽn không chỉ giờ cao điểm. Hiện, bề rộng đường mở rộng lên 12m, lề đường mỗi bên 2m, giúp giao thông thông thoáng hơn và kinh doanh, buôn bán của người dân được thuận lợi.
Ngoài những dự án trên, theo Giám đốc Sở Giao thông Vận tải TP.HCM - Trần Quang Lâm, từ đầu năm đến nay, thành phố đã đưa vào khai thác 5 công trình giao thông khác tại huyện Củ Chi, gồm: nâng cấp đường Phạm Văn Cội và xây các cầu Cây Da, Chuối Nước, Rạch Kè, Rạch Kinh. Các công trình hoàn thành góp phần giảm ùn tắc, ô nhiễm, tai nạn ở khu vực.
Trước Tết Nguyên đán, ngành giao thông TP.HCM dự kiến thông xe kỹ thuật dự án sửa chữa, nâng cấp đường Đặng Thúc Vịnh, huyện Hóc Môn, vốn đầu tư gần 700 tỷ đồng. Đồng thời, dự án cải tạo, nâng cấp đường băng, đường lăn sân bay Tân Sơn Nhất do Bộ Giao thông Vận tải làm chủ đầu tư, tổng vốn hơn 2.000 tỷ đồng cũng đang "chạy nước rút" để hoàn thành, đưa vào khai thác trước Tết.