Đồng Nai đang thiếu hơn 200 ngàn căn nhà ở xã hội
Bộ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Thanh Nghị vừa có buổi làm việc với UBND tỉnh Đồng Nai về các dự án nhà ở xã hội trên địa bàn tỉnh. Hiện Đồng Nai đang thiếu hơn 200 ngàn căn nhà ở xã hội.
Tại buổi làm việc, Chủ tịch UBND tỉnh Cao Tiến Dũng cho biết, Đồng Nai đang thiếu hơn 200.000 căn nhà ở xã hội, đây chính là món nợ của chính quyền đối với người lao động. Phần lớn người lao động tại Đồng Nai hiện đang sống trong các khu nhà trọ, diện tích từ 12 - 14 m2/phòng, có 4 - 6 người ở. Khi xảy ra dịch Covid-19, người lao động không đi làm việc được, 3 tháng liền phải ở suốt trong nhà trọ chật chội, nguy cơ lây lan dịch rất cao.
Do đó, trong 5 năm tới, tỉnh sẽ tập trung đầu tư nhà ở xã hội để đáp ứng nhu cầu của người lao động.
Theo ông Lê Mạnh Dũng, Phó giám đốc phụ trách Sở Xây dựng, đến nay Đồng Nai đã hoàn thành gần 3,5 ngàn căn nhà ở xã hội, trong đó có 1.581 căn dành cho công nhân. Hiện tỉnh đang triển khai 13 dự án nhà ở xã hội có diện tích hơn 59ha, khi hoàn thành sẽ có gần 8,2 ngàn căn.
Trong khi đó, Đồng Nai hiện có gần 1,2 triệu lao động làm việc trong các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất kinh doanh, riêng các khu công nghiệp có hơn 614.000 người lao động.
Đa số đều là người nhập cư từ các tỉnh miền Trung, miền Bắc. Trong số này hầu hết đều đang ở trọ ven các khu công nghiệp, cụm công nghiệp bởi thu nhập không đủ để mua đất đai, nhà ở. Nhà ở xã hội cho thuê không đáp ứng đủ nhu cầu, nên đa số công nhân phải thuê nhà trọ để ở.
Toàn tỉnh có khoảng 20.000 cơ sở cho thuê nhà trọ tập trung với hơn 150.000 phòng, đáp ứng cho 450.000 người lao động thuê. Các nhà trọ có giá thuê thấp, phù hợp với thu nhập của công nhân nên thu hút được nhiều người thuê dù không đáp ứng được tiêu chuẩn về phòng chống cháy nổ, môi trường, an ninh...
Trên thực tế, hiện nay tại Đồng Nai có nhiều dự án bất động sản. Tuy nhiên các dự án này vẫn chỉ dành cho người có thu nhập tầm trung trở lên, còn lao động tại các nhà máy, xí nghiệp vẫn khó chạm tay tới.
Thời gian qua, Đồng Nai có đưa ra một số mô hình nhà ở xã hội, nhưng quá trình thực hiện gặp một số vướng mắc nên tỉnh đã đề xuất Bộ Xây dựng có hướng dẫn cụ thể để tỉnh triển khai.
Tỉnh Đồng Nai cũng kiến nghị Bộ Xây dựng hỗ trợ giải quyết chuyển đổi 132ha đất thương mại dịch vụ trong khu công nghiệp đang bỏ trống sang đất xây dựng nhà ở xã hội có đường riêng kết nối ra khu đô thị bên ngoài. Mục đích để đáp ứng nhu cầu nhà ở cấp thiết cho người lao động tại các huyện, thành phố.
Ngoài ra, tỉnh đề nghị Bộ Xây dựng tháo gỡ để thực hiện nhanh các vấn đề liên quan đến quy hoạch để tỉnh khai thác các lợi thế về hạ tầng giao thông, tạo đột phá trong phát triển kinh tế; cho di dời nhanh Khu công nghiệp Biên Hòa 1, xây dựng trung tâm hành chính tại đây; phê duyệt nhanh quy hoạch cải tạo cù lao Hiệp Hòa để tạo điểm nhấn cho TP.Biên Hòa; hướng dẫn chi tiết việc xây dựng thành phố thông minh; xử lý các trường hợp doanh nghiệp vi phạm về xây dựng nhà ở do làm trước một số bước.
Theo đánh giá của Bộ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Thanh Nghị, Đồng Nai đã có nhiều cố gắng trong việc quản lý xây dựng trên địa bàn. Tỉnh đã quan tâm phát triển đô thị, nhà ở xã hội cho người thu nhập thấp, nhưng kết quả đạt mới chỉ hơn 10%.
Hiện Đồng Nai còn tồn tại một số hạn chế cần khắc phục là tình trạng xây dựng trái phép trên đất nông nghiệp, phân lô bán nền đất nông nghiệp, quy hoạch chi tiết còn thấp hơn bình quân chung cả nước. Tỉnh quan tâm hơn nữa đến nhà ở xã hội để đẩy nhanh tiến độ các dự án, sớm có sản phẩm bán, cho thuê đối với người thu nhập thấp, nâng cao chất lượng đô thị.
Đồng thời, chú ý đến quy hoạch xây dựng, quy hoạch không gian, quy hoạch nông thôn, khung hạ tầng, không gian cảnh quan để quản lý và phát triển. Đồng Nai cũng là tỉnh được chọn thực hiện thí điểm đô thị thông minh nên cần tập trung để xây dựng, nâng cao đời sống cho người dân trên địa bàn.