Chuyên gia TS Võ Trí Thành nhận định: Đà Nẵng chỉ nói về du lịch, bất động sản là chưa đủ?
Viện trưởng Viện Nghiên cứu chiến lược thương hiệu và cạnh tranh TS. Võ Trí Thành nhận định, Đà Nẵng chỉ nói về du lịch, bất động sản là chưa đủ vì bản thân Đà Nẵng, Quảng Nam có rất nhiều nhân tố để phát triển.
Đà Nẵng đang được gọi với tên “thành phố đáng sống”, có được những thành tựu này là nhờ thành phố đã đề ra đường lối chính sách đúng đắn, phù hợp với tình hình địa phương.
Tuy nhiên, theo các chuyên gia, thành phố vẫn chưa đạt đến “thành phố đáng sống” để thu hút nguồn nhân lực, chuyên gia chất lượng cao. Do đó, Đà Nẵng phải có những biện pháp cụ thể hơn trong thời gian tới, để xứng tầm với danh xưng hiện nay.
Viện trưởng Viện Nghiên cứu chiến lược thương hiệu và cạnh tranh TS. Võ Trí Thành nhận định, Đà Nẵng chỉ nói về du lịch, bất động sản là chưa đủ vì bản thân Đà Nẵng, Quảng Nam có rất nhiều nhân tố để phát triển.
Vì lẽ đó, Đà Nẵng là 1 trong những cực tăng trưởng quan trọng của Việt Nam trong thời gian tới. Với chiến lược phát triển Việt Nam theo hướng cho các địa phương thể chế, cơ chế vượt trội để cạnh tranh, phát triển. Đà Nẵng được chọn để phát triển theo cơ chế vượt trội.
Tại thời điểm hiện tại, Đà Nẵng mới chỉ được coi là thành phố đáng ngắm, đáng đến còn chưa đạt đến thành phố đáng sống, đến để làm việc đủ để thu hút nhân lực, chuyên gia chất lượng cao TS. Thành nhận định.
Song song đó, các công trình chất lượng cao của Đà Nẵng hiện chỉ đếm được một vài dự án, chưa xứng tầm với quy hoạch, vai trò của Đà Nẵng thời gian tới. Đà Nẵng phải đô thị hoá theo hướng xanh, thông minh, sáng tạo, cần có đột phá, điểm nhấn.
“Cùng với TP.HCM, Đà Nẵng được chọn là 2 địa điểm xây dựng trung tâm tài chính, nên bên cạnh rủi ro cần kiểm soát là đột phá, thể chế đột phá. Các nhà đầu tư hiện hữu đã sẵn sàng từ 5-10 tỷ USD để đầu tư vào Đà Nẵng. Đây đều là những đối tác lớn, chất lượng, sẵn sàng xây dựng Đà Nẵng theo cơ chế cạnh tranh được với Singapore, Dubai, trở thành thành phố đáng sống của các chuyên gia, lao động kỹ năng cao, thu nhập tốt”, Viện trưởng Viện Nghiên cứu chiến lược thương hiệu và cạnh tranh đánh giá.
Hiện nay, Đà Nẵng đang theo hướng phát triển bất động sản, nghỉ dưỡng, do đó rất cần lưu ý tới các yếu tố như tính cạnh tranh quốc tế, phải nhanh và có cách mở cửa phù hợp; tiếp theo là pháp lý cho Luật Nhà ở đáp ứng mong mỏi, niềm tin của nhà đầu tư.
Về vấn đề kết nối Đà Nẵng, Quảng Nam với các tỉnh thành khác cũng như quốc tế, ông Thành cũng dự đoán năm sau chắc chắn sẽ có những đột phá trong hạ tầng cho 2 khu vực này. Nguyên nhân là hiện, Chính phủ, Quốc hội đang xây dựng Chương trình phục hồi phát triển kinh tế.
Viện trưởng Viện nghiên cứu Bất động sản Nguyễn Đức Lập cho hay, sau khi tình hình dịch COVID-19 được kiểm soát thì ông tin tưởng rằng nhiều khả năng thị trường bất động sản “sẽ có sự khởi sắc, bức phá”.
Cùng với đó, TP. Đà Nẵng cũng đang triển khai cụ thể các quy hoạch, trong đó có quy hoạch 1/2.000 trên cơ sở điều chỉnh quy hoạch chung TP. Đà Nẵng vừa được phê duyệt. Nhờ vậy, các công trình hạ tầng, giao thông được khởi động trở lại, sẽ kéo theo thị trường bất động sản phát triển.
Thực tế, thị trường bất động sản Đà Nẵng, Quảng Nam giai đoạn vừa qua gặp khó khăn, đóng băng, giao dịch thấp. Tuy nhiên, điều này đã khiến phân khúc đất nền một số khu vực Đà Nẵng, trong đó có các vùng ven có mức điều chỉnh giá trị hợp lý.
Bên cạnh đó, Đà Nẵng cần những cú hích về hạ tầng là yếu tố thuận lợi cho sự phát triển Đà Nẵng, Quảng Nam giai đoạn tới. Nhưng trong tầm nhìn chung về quy hoạch thì Đà Nẵng, Quảng Nam phải có tầm nhìn chung, cụ thể như nâng cao chất lượng hạ tầng, khai thác hiệu quả tài nguyên đất đai.
Đồng thời, Đà Nẵng cần phát triển đi vào chiều sâu, tạo ra các giá trị gia tăng vì đất đai là hạn hẹp. Từ đó, thị trường bất động sản Đà Nẵng và Quảng Nam sẽ tạo nên sức bật hiệu quả hơn sau dịch COVID-19, mạnh mẽ hơn cho giai đoạn sắp tới.
Theo khảo sát của công ty DKRA Vietnam, trong 9 tháng năm 2021, dù chịu ảnh hưởng kép từ đà suy giảm cuối năm 2020 và dịch bệnh COVID-19, diễn biến thị trường bất động sản Đà Nẵng và Quảng Nam tuy có khởi sắc nhẹ ở một số phân khúc nhưng nhìn chung vẫn ở trong giai đoạn trầm lắng. Thậm chí, phân khúc bất động sản nghỉ dưỡng gần như chững lại.
Về thị trường Condotel, 9 tháng năm nay, Đà Nẵng không ghi nhận nguồn cung mới mở bán. Thị trường condotel tại Đà Nẵng vẫn như ngủ đông kể từ khi dịch COVID-19 bùng phát. Trước đó, vào năm 2019, thị trường condotel tại Đà Nẵng chịu một cú sốc do một số dự án "tên tuổi" vỡ cam kết lợi nhuận với nhà đầu tư.
Về phân khúc căn hộ, trong 9 tháng 2021 toàn thị trường Đà Nẵng có 5 dự án mở bán trong đó có 2 dự án mới và 3 dự án giai đoạn tiếp, cung cấp cho thị trường khoảng 404 căn, gấp 2,3 lần cùng kỳ năm 2020. Tỷ lệ tiêu thụ đạt khoảng 70% (282 căn), gấp 4,3 lần cùng kỳ năm trước.
Ở Quảng Nam, phân khúc này không phát sinh nguồn cung – tiêu thụ mới trong 9 tháng năm 2021. Đây cũng là một trong những đặc thù và hạn chế của thị trường Quảng Nam.
Bên cạnh đó, phân khúc nhà phố/biệt thự ở Đà Nẵng trong 9 tháng chỉ có 2 dự án mở bán, cung cấp ra thị trường khoảng 106 căn. Tỷ lệ tiêu thụ đạt khoảng 88% (93 căn).
Riêng ở Quảng Nam, phân khúc này trong 9 tháng năm 2021 có 5 dự án mở bán, cung cấp ra thị trường khoảng 197 căn. Tỷ lệ tiêu thụ đạt khoảng 85% (168 căn)…