Chốt hạn khởi công dự án đường cao tốc Bắc - Nam đoạn qua Bình Định
Dự án xây dựng công trình đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2021 - 2025 có 3/12 dự án thành phần đi qua địa phận tỉnh Bình Định, tổng mức đầu tư hơn 45.600 tỷ đồng.
Ngày 19/2, UBND tỉnh Bình Định cho biết đã giao các sở, ngành trong tỉnh phối hợp triển khai dự án xây dựng công trình đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2021 - 2025 (gọi tắt là Dự án) đoạn qua tỉnh Bình Định.
Theo đó, UBND tỉnh Bình Định giao Sở GTVT chủ trì, phối hợp các đơn vị liên quan đề xuất thành lập Ban Chỉ đạo công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng (GPMB) dự án và tổ chức triển khai thực hiện một số công việc liên quan công tác bồi thường, GPMB để bàn giao 70% diện tích mặt bằng của các gói thầu xây lắp khởi công trước ngày 31/12 và hoàn thành toàn bộ công tác GPMB trong quý 2/2023.
UBND tỉnh cũng giao Sở Tài nguyên và Môi trường, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Sở Xây dựng và UBND các địa phương có tuyến cao tốc đi qua... triển khai các công việc liên quan để phục vụ dự án.
Trước đó, trả lời kiến nghị cử tri tỉnh Bình Định, Bộ GTVT cho hay, ngày 11/1/2022 Bộ quyết định chủ trương đầu tư Dự án xây dựng công trình đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2021 - 2025, trong đó có 3/12 dự án thành phần đi qua địa phận tỉnh Bình Định, tổng mức đầu tư hơn 45.600 tỷ đồng.
Cụ thể, đoạn Quảng Ngãi - Hoài Nhơn có chiều dài 88km, mức đầu tư hơn 20.800 tỷ đồng do Ban QLDA 2 lập báo cáo nghiên cứu khả thi, lập hồ sơ cắm cọc giải phóng mặt bằng.
Đoạn Hoài Nhơn - Quy Nhơn chiều dài 69km, mức đầu tư hơn 12.500 tỷ đồng và đoạn Quy Nhơn - Chí Thạnh chiều dài 62km, mức đầu tư gần 12.300 tỷ đồng. Đơn vị chịu trách nhiệm lập báo cáo nghiên cứu khả thi và hồ sơ cắm cọc giải phóng mặt bằng là Ban QLDA 85, Bộ GTVT.
Ngay sau khi Quốc hội thông qua chủ trương, Bộ GTVT đã trình Chính phủ xem xét thông qua Nghị quyết của Chính phủ triển khai Nghị quyết của Quốc hội. Đồng thời, đã giao nhiệm vụ cho Ban Quản lý dự án khẩn trương triển khai lập báo cáo nghiên cứu khả thi, lập hồ sơ cắm cọc giải phóng mặt bằng để bàn giao cho các địa phương.
Theo kế hoạch, dự kiến Bộ GTVT sẽ bàn giao hồ sơ cắm cọc giải phóng mặt bằng cho các địa phương theo từng giai đoạn (tùy thuộc mức độ phức tạp về kỹ thuật của từng đoạn tuyến), cơ bản hoàn thành trước ngày 30/6/2022 để địa phương thực hiện công tác giải phóng mặt bằng và chủ động trong việc quy hoạch, thực hiện các nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội nhằm phát huy tối đa hiệu quả đầu tư đường cao tốc; triển khai thi công đồng bộ để cơ bản hoàn thành năm 2025 và đưa vào khai thác, vận hành từ năm 2026 theo đúng tiến độ yêu cầu.