Bình Định: Thu ngân sách năm 2021 cao nhất cả nước, vượt hơn 33% dự toán
Theo Cục Thuế Bình Định, thu ngân sách nhà nước trên địa bàn năm 2021 ước đạt hơn 12.343 tỷ đồng, đạt 133,6% dự toán. Năm 2021 cũng là năm cục thuế thay đổi phương thức quản lý thuế, thích ứng với dịch bệnh Covid-19, góp phần tăng thu về ngân sách.
Theo báo cáo của Cục Thuế Bình Định, trong tổng số thu hơn 12 nghìn tỷ đồng, nếu loại trừ tiền sử dụng đất, ước thu ngân sách được 7.087,6 tỷ đồng, đạt 119,3% dự toán; tăng 6,2% so với cùng kỳ.
Nếu loại trừ 3 khoản thu tiền sử dụng đất, cổ tức, lợi nhuận được chia và xổ số kiến thiết, ước thu được 6.917 tỷ đồng, đạt 119% dự toán, tăng 5,8% so với cùng kỳ; trong đó khu vực công thương nghiệp ngoài quốc doanh ước thu được 2.598 tỷ đồng, đạt 113% dự toán, tăng 8,9% so với cùng kỳ.
Phân tích kỹ các khoản thu trên địa bàn tỉnh cho thấy, có đến 12/16 khoản thu hoàn thành vượt dự toán, đặc biệt, thu từ khu vực doanh nghiệp trung ương ước đạt 159,6%; doanh nghiệp đầu tư nước ngoài ước đạt 116%; từ công thương nghiệp ngoài quốc doanh ước đạt 113%; thuế thu nhập cá nhân ước đạt 103,2% và tiền thuê đất ước đạt 243,9%.
Còn lại, vẫn có 4/16 khoản thu chưa hoàn thành dự toán. Trong đó, do sức mua thị trường sụt giảm, doanh nghiệp gặp khó khăn khiến cho thuế bảo vệ môi trường ước đạt 89,3%; lệ phí trước bạ ước đạt 91,1%; thu tiền cấp quyền khai thác khoáng sản ước đạt 95,7% và sự chuyển dịch nguồn thu làm cho khu vực doanh nghiệp địa phương ước đạt 76,9%.
Như vậy có thể thấy, thu ngân sách nhà nước (NSNN) trên địa bàn tỉnh khá bền vững, các khoản thu từ khu vực doanh nghiệp đều đạt và vượt dự toán. Thu ngân sách trên địa bàn đã hoàn thành chỉ tiêu được HĐND tỉnh giao và chỉ tiêu phấn đấu tăng thu ngân sách của UBND tỉnh giao.
Sở dĩ, có được kết quả nêu trên là do Cục Thuế Bình Định đã có nhiều sáng kiến trong thực hiện công tác quản lý thu thuế trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp.
Cục thuế tỉnh đã thay đổi phương thức quản lý phù hợp, thích ứng vừa đảm bảo huy động kịp thời nguồn thu vào ngân sách, vừa hỗ trợ doanh nghiệp chấp hành nghiêm pháp luật thuế.
Cục Thuế Bình Định lựa chọn phương thức hỗ trợ doanh nghiệp tự sửa sai và nâng cao tính tự giác chấp hành pháp luật thuế, với việc triển khai thực hiện đồng bộ các giải pháp: hỗ trợ, cảnh báo, công khai và đối thoại trên nền tảng ứng dụng mạnh mẽ công nghệ thông tin.
Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý thu thuế cũng được Cục coi là một trong những nhiệm vụ trọng tâm. Đến nay, tất cả các thủ tục hành chính thuế trên địa bàn đều thực hiện theo phương thức điện tử.
100% doanh nghiệp đang hoạt động thực hiện khai thuế/hoàn thuế điện tử; 98,7% doanh nghiệp đang hoạt động thực hiện nộp thuế điện tử; 86% doanh nghiệp đủ điều kiện đã đăng ký áp dụng hóa đơn điện tử. Cục Thuế Bình Định là một trong 6 địa phương chính thức triển khai áp dụng hóa đơn điện tử theo quy định mới.
Theo ông Nguyễn Đẩu - Cục trưởng Cục Thuế Bình Định, bên cạnh nỗ lực hỗ trợ doanh nghiệp vượt qua khó khăn, phục hồi kinh tế để quay trở lại đóng góp số thu ngân sách, đơn vị đã chủ động cơ cấu lại nguồn thu, tập trung khai thác các nguồn thu không bị ảnh hưởng bởi đại dịch, còn tiềm năng, dư địa tăng thu và mới phát sinh như nguồn thu từ kinh doanh số, thương mại điện tử.
Từ tháng 7/2021 đến nay, Cục Thuế Bình Định đã phối hợp các ngân hàng thương mại thu thập sao kê của gần 400 tài khoản, đến nay đã có kết quả hơn 300 bảng sao kê giao dịch với tổng số giao dịch phát sinh là 1.293 tỷ đồng; dự kiến số thuế thu được từ hoạt động kinh doanh số, thương mại điện tử là 22 tỷ đồng...
Năm 2022, dự toán tổng thu NSNN được Bộ Tài chính giao trong năm 2022 đối với Cục Thuế Bình Định là 10.200 tỷ đồng. Để tiếp tục hoàn thành nhiệm vụ được giao, Cục Thuế Bình Định tiếp tục tăng cường số hóa công tác quản lý thuế doanh nghiệp và hộ kinh doanh; thúc đẩy phương thức công khai trong quản lý thuế theo phương châm quản lý mở; triển khai kịp thời các chính sách mới đến người nộp thuế.