Bốn nhà đầu tư đề xuất được làm đường Vành đai 4- Vùng Thủ đô Hà Nội là ai?
Dự án Đầu tư xây dựng tuyến đường Vành đai 4 - Vùng Thủ đô được chia làm 7 đoạn và có tổng chiều dài là 98km. Hiện có 4 nhà đầu tư đề xuất được thực hiện dự án.
Mới đây, Bí thư Thành ủy Hà Nội Đinh Tiến Dũng vừa ký ban hành Nghị quyết số 07 của Ban Chấp hành Đảng bộ Thành phố Hà Nội về chủ trương triển khai dự án Đầu tư xây dựng tuyến đường Vành đai 4 - Vùng Thủ đô.
Sau khi Thành ủy Hà Nội ban hành Nghị quyết về thực hiện đường Vành đai 4, UBND Thành phố và các sở ngành liên quan đã triển khai các bước tiếp theo.
Theo báo cáo tổng thể tuyến đường vừa được Sở GTVT Hà Nội trình UBND thành phố, tuyến đường Vành đai 4 được chia làm 7 đoạn và có tổng chiều dài là 98km.
Trong đó, đoạn trên địa bàn Hà Nội dài 54km; trên địa bàn Hưng Yên dài 23km; đoạn trên địa bàn Bắc Ninh 21km; điểm đầu dự án là đoạn nút giao với cao tốc Nội Bài - Lào Cai, điểm cuối đoạn giao cao tốc Nội Bài - Hạ Long. Tuyến có một đoạn đi trùng với QL18 và cao tốc Nội Bài - Hạ Long. Tuyến đường có mặt cắt ngang rộng 120 mét (bao gồm cả quỹ đất dự trữ và sử dụng cho hạ tầng kỹ thuật).
Về vốn đầu tư, Sở GTVT Hà Nội cho biết, qua rà soát tính toán sơ bộ để đầu tư toàn tuyến Vành đai 4, phương án 1 sẽ có tổng mức đầu tư khoảng 105.000 tỷ đồng và theo phương án 2 cần tổng vốn khoảng 135.000 tỷ đồng.
Theo Sở GTVT Hà Nội, từ thiết kế dự án do Bộ GTVT lập và các điều chỉnh về sau, hiện tuyến đường Vành đai 4 đã có 4 nhà đầu tư đề xuất được thực hiện dự án theo từng phân đoạn.
Cụ thể, CTCP Tập đoàn T&T đề xuất đầu tư 2 đoạn, gồm từ cao tốc Nội Bài - Lào Cai đến QL32 và từ QL32 đến cao tốc Pháp Vân - Cầu Giẽ, tổng mức đầu tư được lập trước đây cho 2 đoạn này là 16.200 tỷ đồng; Liên danh CTCP Đầu tư xây dựng công trình giao thông Phương Thành – CTCP Đầu tư phát triển hạ tầng Nguyên Minh đề xuất làm đoạn từ cao tốc Pháp Vân - Cầu Giẽ đến cao tốc Hà Nội - Hải Phòng, bao gồm cả cầu Mễ Sở, tổng kinh phí 9.800 tỷ đồng; CTCP Tập đoàn Hoành Sơn đề xuất xây cầu Hồng Hà (Đông Anh) và đường dẫn 2 đầu cầu, tổng kinh phí là 8.800 tỷ.
Được biết, tiền thân CTCP Tập đoàn T&T (T&T Group) là Công ty TNHH T&T, được thành lập vào tháng 11/1993, với ngành nghề chính là kinh doanh và sản xuất các sản phẩm điện tử, điện máy cho các hãng lớn như Panasonic, National, Toshiba và Mitsubishi.
Đến nay, CTCP Tập đoàn T&T đã trở thành một tập đoàn kinh tế đa ngành tại Việt Nam với hơn 60 công ty con, công ty thành viên, công ty liên doanh, liên kết hoạt động đa lĩnh vực, đa ngành nghề gồm: chứng khoán, quản lý quỹ, bảo hiểm, ngân hàng, bất động sản, công nghiệp sản xuất, bán lẻ hàng tiêu dùng, phát triển nông nghiệp, khai thác khoáng sản, xây dựng hạ tầng, năng lượng tái tạo, dệt may công nghiệp,…
Doanh nghiệp gắn với tên tuổi của “Bầu Hiển” tức doanh nhân Đỗ Quang Hiển, Chủ tịch Hội đồng Quản trị kiêm Tổng giám đốc T&T Group. Hiện, quy mô tổng tài sản của Tập đoàn này đã lên tới trên 15.000 tỷ đồng.
Đối với mảng hạ tầng, T&T Group đã ký thỏa thuận hợp tác với Tập đoàn Bouygues triển khai 2 dự án gồm: Dự án đường sắt đô thị số 3 (đường sắt đôi) nối trung tâm TP. Hà Nội với thị xã Sơn Tây, được đầu tư theo hình thức hợp đồng xây dựng - chuyển giao (BT). Tuyến đường này có tổng chiều dài 31,1 km, tổng giá trị đầu tư khoảng 1,4 tỷ Euro. Thứ hai là nâng cấp, mở rộng, vận hành và bảo trì Sân vận động Hàng Đẫy (Hà Nội) với tổng giá trị đầu tư 250 triệu Euro.
Bên cạnh đó, còn nhiều dự án hạ tầng quy mô lớn khác mà T&T Group bắt tay với đối tác nước ngoài như hợp tác với Tập đoàn Hitachi Zosen (Nhật Bản) đầu tư các dự án đốt rác phát điện tại Hà Nội trị giá 200 triệu USD; hợp tác với Tập đoàn Boskalis (Hà Lan) trong lĩnh vực cảng biển. T&T Group cũng hợp tác với nhà đầu tư Hàn Quốc đưa dự án thu hồi khí gas bãi chôn lấp rác Nam Sơn (Sóc Sơn, Hà Nội) để phát điện…
Về Liên danh CTCP Đầu tư xây dựng công trình giao thông Phương Thành – CTCP Đầu tư phát triển hạ tầng Nguyên Minh, đây là 2 đơn vị nhà đầu tư thường xuyên hợp tác tham gia đấu thầu các dự án giao thông quy mô lớn, là cái tên đáng nể trong lĩnh vực xây dựng và đầu tư vào các dự án giao thông.
CTCP Đầu tư xây dựng công trình giao thông Phương Thành (Phương Thành Tranconsin) mang đậm dấu ấn của doanh nhân Phạm Văn Khôi (SN 1967) - Chủ tịch HĐQT, Tổng giám đốc kiêm Người đại diện theo pháp luật Công ty.
Theo dữ liệu của Nhadautu.vn, tính trong giai đoạn 2016-2019, doanh thu của Phương Thành Tranconsin tăng liên tục trong 3 năm đầu, đạt đỉnh 1.739,9 tỷ đồng năm 2018, trước khi giảm mạnh hơn 50% về 847,7 tỷ đồng năm 2019. Tương tự, lãi sau thuế ở mức cao nhất 265,3 tỷ đồng năm 2019 rồi giảm mạnh về 38,5 tỷ đồng năm 2019.
Tại ngày 31/12/2019, tổng tài sản của Phương Thành Tranconsin là 1.896,5 tỷ đồng, vốn chủ sở hữu là 961,4 tỷ đồng. Tỷ lệ nợ/ vốn chủ sở hữu là 0,97, là tỷ lệ khá an toàn so sánh với mặt bằng chung các doanh nghiệp xây dựng hạ tầng.
CTCP Đầu tư phát triển hạ tầng Nguyên Minh chính là đơn vị thành viên của Phương Thành Tranconsin, năm 2019, doanh nghiệp này lãi hơn 10 tỷ đồng.
Hiện nay, Liên danh CTCP đầu tư xây dựng công trình giao thông Phương Thành – CTCP đầu tư phát triển hạ tầng Nguyên Minh đang đề xuất xây dựng cầu Mễ Sở qua Sông Hồng dài 13,8km, vốn đầu tư 4.881 tỷ đồng.
Về CTCP Tập đoàn Hoành Sơn, đây là một doanh nghiệp kinh doanh đa lĩnh vực tại Hà Tĩnh, gắn với tên tuổi của ông Phạm Hoành Sơn, Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng Giám đốc Công ty. Nhiều năm nay, doanh nghiệp này thu hút sự chú ý khi liên tục đầu tư các dự án quy mô nghìn tỷ tại Hà Tĩnh.
Được biết, Tập đoàn Hoành Sơn là chủ đầu tư dự án Nhà máy điện mặt trời tại xã Cẩm Hòa, huyện Cẩm Xuyên, khởi công từ tháng 1/2019 phát điện thương mại vào tháng 6/2019.
Dự án có tổng mức đầu tư 1.458 tỷ đồng, trên diện tích xây dựng 60ha, bao gồm 153.000 mô - đun loại đa tinh thể, công suất 50 MWp. Dự án có mục tiêu phát điện cung cấp bổ sung nguồn điện tại chỗ cho tỉnh Hà Tĩnh và các tỉnh lân cận, đáp ứng nhu cầu tăng trưởng sử dụng điện khoảng 10%/năm của tỉnh.
Đáng chú ý, Tập đoàn Hoành Sơn đã quyết định đầu tư dự án nhà máy bia Hà Nội - Nghệ Tĩnh tại Cụm công nghiệp Cổng Khánh 2 - phường Đậu Liêu, thị xã Hồng Lĩnh.
Dự kiến, nhà máy có công suất 50 triệu lít/năm, được xây dựng trên diện tích 30 ha với tổng vốn đầu tư gần 1.120 tỷ đồng, giải quyết việc làm cho khoảng 200 lao động. Hiện nay, Công ty đang triển khai san lấp mặt bằng, hoàn thiện các thủ tục liên quan để khởi công dự án. Theo lãnh đạo thị xã Hồng Lĩnh, dự án đi vào hoạt động sẽ tạo ra động lực mạnh mẽ cho sự phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.
Hoành Sơn còn đầu tư dự án trung tâm thương mại Trần Phú, có tổng mức đầu tư là 220 tỷ. Quy mô dự án gồm tòa nhà trung tâm thương mại, dịch vụ, văn phòng cho thuê, khách sạn tiêu chuẩn 4 sao và tòa nhà 18 tầng, có địa chỉ tại 116 đường Trần Phú, thành phố Hà Tĩnh.
Trước đó, vào tháng 10/2016, Hoành Sơn đã khởi công xây dựng cảng tổng hợp quốc tế, thuộc Cảng Vũng Áng, có tổng mức đầu tư 1.489 tỷ đồng, được xây dựng trên diện tích 16,1 ha, gồm một cầu cảng có thể tiếp nhận tàu chở hàng có trọng tải 50.000DWT, cùng hệ thống kho bãi và khu dịch vụ hậu cảng với công suất khai thác dự kiến 2.300.000 tấn/năm.
Ngoài ra, Tập đoàn Hoành Sơn còn là cổ đông lớn của CTCP Đầu tư và Phát triển Vũng Áng (nắm 92%), công ty triển khai dự án cung cấp nước Khu kinh tế Vũng Áng, với tổng mức đầu tư 4.500 tỉ đồng, là dự án trọng điểm của Hà Tĩnh.