Bao giờ dự án đường Vành đai 4 'huyết mạch' Hà Nội và các tỉnh khởi động?
Việc xây dựng tuyến đường Vành đai 4 liên vùng Thủ đô, trong đó, khu vực Hà Nội chiếm khoảng 65% chiều dài tuyến với tổng mức đầu tư 135.000 tỷ sẽ giúp TP giải quyết tình trạng tắc nghẽn không mới bởi nó đã tồn tại từ lâu.
Tại Hội nghị lấy ý kiến góp ý Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2021-2025 của TP. Hà Nội, Phó Chủ tịch UBND TP. Hà Nội Nguyễn Trọng Đông yêu cầu việc xây dựng tuyến đường Vành đai 4 đặc biệt quan trọng để kết nối với các tỉnh thành. Hiệu quả kinh tế xã hội sẽ lớn hơn việc đầu tư các tuyến đường trong nội thành rất tốn kém do công tác giải phóng mặt bằng.
Phó Chủ tịch UBND TP. Hà Nội Dương Đức Tuấn yêu cầu rà soát nội dung phát triển vành đai 4 liên vùng Thủ đô, đi qua Hà Nội - Hưng Yên - Bắc Ninh, củng cố đầu tư mạnh về đường sắt đô thị, tìm kiếm nguồn lực đầu tư của nước ngoài và hệ thống các vùng phát triển.
Theo định hướng quy hoạch, tuyến Vành đai 4 đoạn qua Hà Nội dài khoảng 56,5km. Điểm đầu tại Km3 + 695 trên cao tốc Nội Bài - Lào Cai; đi theo hướng Tây - Nam, giao QL2; tiếp tục qua Khu đô thị mới Mê Linh, vượt sông Hồng tại vị trí cầu Hồng Hà; giao với QL32, cắt qua Đại lộ Thăng Long tại Km12 + 600; giao QL6, đi theo hướng Đông - Nam; giao QL1A và cao tốc Pháp Vân - Cầu Giẽ; vượt sông Hồng bằng cầu Mễ Sở; kéo dài đến QL5. Theo phương án cao tốc đi bằng cần nguồn vốn khoảng 105.000 tỷ đồng; theo phương án cao tốc đi trên cầu cạn toàn tuyến khoảng 135.000 tỷ đồng (đã bao gồm 2 cầu lớn vượt sông Hồng). Trong đó, kinh phí bồi thường, hỗ trợ, giải phóng mặt bằng khoảng 25.000 tỷ đồng
Có thể khẳng định, khi Vành đai 4 được đầu tư, hoàn thành, đưa vào khai thác, tình trạng dồn ứ giao thông cục bộ tại một số chốt kiểm soát cửa ngõ Thủ đô, cũng như nhu cầu vận tải trên cả 4 hành lang kinh tế khu vực phía Bắc quá cảnh Hà Nội sẽ được giải quyết triệt để.
Ví dụ như hàng hóa, hành khách từ Lào Cai đi Quảng Ninh, Hải Phòng hay Bắc Giang, Thái Nguyên; Nghệ An, Hà Tĩnh... sẽ không còn phải xuyên tâm qua Hà Nội nữa, dù Thủ đô có phong tỏa các cửa ngõ, Vành đai 3 có tê liệt cũng không tạo nên ảnh hưởng xấu với những luồng lưu thông liên tỉnh, liên vùng vì đã có Vành đai 4 đảm nhận.
Như vậy, tuyến đường này không chỉ khắc phục tình trạng quá tải về giao thông, giúp mở rộng không gian, nguồn lực phát triển, khả năng liên kết, giao thương hàng hóa với các tỉnh lân cận trong vùng Thủ đô, cũng như vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ, mà còn giúp Hà Nội và các tỉnh Hưng Yên, Bắc Ninh, Vĩnh Phúc, Bắc Giang... từng bước hoàn thiện hệ thống giao thông theo quy hoạch.
Thạc sĩ Phan Trường Thành đánh giá, trong những năm qua, mạng lưới kết cấu hạ tầng giao thông khung của Vùng Thủ đô, phục vụ nhu cầu thông thương cả nội vùng và liên vùng, đã đạt được những kết quả quan trọng. Trong đó phải kể đến 7 tuyến cao tốc bao gồm: Hà Nội - Lào Cai; Hòa Lạc - Hòa Bình; Hà Nội - Thái Nguyên; Hà Nội - Hải Phòng; Cầu Giẽ - Ninh Bình; Đại Lộ Thăng Long; Nội Bài - Bắc Ninh.
7 tuyến cao tốc này tạo nên 4 hành lang kinh tế rất quan trọng khu vực phía Bắc là: Lào Cai - Hà Nội - Quảng Ninh; Hà Nội - Hải Phòng - Quảng Ninh, Lạng Sơn - Bắc Giang - Hà Nội; Hà Nội - Thái Nguyên, góp phần thúc đẩy mạnh mẽ sự phát triển của Hà Nội nói riêng và Vùng Thủ đô cũng như khu vực Bắc Bộ nói chung.