0915 15 67 76 [email protected]
Thứ tư, 02/11/2022 09:47 (GMT+7)

Xuất khẩu nông sản sang Trung Quốc: “Cơ hội” đã có, cần thay đổi để thích nghi

Trung Quốc luôn là thị trường hấp dẫn cho các nước xuất khẩu. Đặc biệt với nông sản Việt Nam, đây là thị trường tiêu thụ lớn nhất và tiềm năng nhất.

Nông sản Việt xuất qua Trung Quốc nhiều nhất
Nông sản Việt xuất qua Trung Quốc nhiều nhất

Nông sản Việt xuất qua Trung Quốc nhiều nhất

Cuối tháng 10, bà Nguyễn Thị Anh Thư, Giám đốc Công ty TNHH thủy sản và thương mại tổng hợp Thành Nhơn (TP.HCM), hồ hởi khoe: “Tôi vừa ký kết một hợp đồng xuất khẩu chính ngạch mặt hàng tôm hùm sống sang Hồng Kông với số lượng không hạn chế, bình quân mỗi tuần 4 - 5 tấn, giá bán 41,5 USD/kg. Đây là tin rất vui cho doanh nghiệp (DN) xuất khẩu chính ngạch trong bối cảnh dịch bệnh vẫn còn đang diễn biến phức tạp. Trước đó, DN Trung Quốc cũng đã ký kết hợp đồng lên đến 2.000 tấn xuất khẩu trong cả năm 2023. Việc Trung Quốc tăng cường nhập khẩu đã giúp cho giá tôm hùm thu mua trong nước dần hồi phục”. Hiện nay 90% sản lượng tôm hùm Việt Nam được thị trường Trung Quốc tiêu thụ, chính vì vậy giá bán cũng như đầu ra đều phụ thuộc vào thị trường tỉ dân này.

Thị trường Trung Quốc có tác động lớn đến giá cả và sản lượng nhiều mặt hàng nông sản của Việt Nam cũng như nhiều nước trong khu vực. Từ mặt hàng sản lượng lớn như cà phê, hồ tiêu, gạo, thủy sản… đến những loại nông sản đặc thù như trái cau, lông vịt… cũng đều được Trung Quốc thu mua. “Bếp ăn” của thế giới này giúp nhiều mặt hàng nông sản của Việt Nam gia tăng giá trị cũng như khối lượng xuất khẩu.

Ông Bạch Khánh Nhựt, Phó chủ tịch Hiệp hội Điều Việt Nam (Vinacas), nhớ lại: “Trước đây thị trường Trung Quốc khá dễ tính, họ tiêu thụ hơn 40% hạt điều vỡ, hạt lép, xấu, và gần như không đòi hỏi một tiêu chuẩn kiểm định nào. Từ vài năm gần đây, hàng rào tiêu chuẩn của Trung Quốc ngày càng khắt khe, các DN Việt Nam muốn xuất khẩu sang thị trường này phải đáp ứng được các điều kiện. Tuy nhiên, cũng chính vì vậy mà mặt hàng điều chất lượng cao mới thâm nhập được Trung Quốc, kim ngạch cũng tăng dần lên. Hiện nay thị phần xuất khẩu hạt điều lớn nhất của Việt Nam vẫn thuộc về Mỹ, nhưng Trung Quốc đã nhanh chóng vượt lên giành lấy vị trí thứ hai của châu Âu, và không còn kém Mỹ bao nhiêu”.

Tại cửa khẩu các tỉnh biên giới phía bắc, mỗi ngày đều có hàng trăm xe container, xe đông lạnh vận chuyển trái cây, nông sản xuất khẩu sang Trung Quốc. Ông Đặng Phúc Nguyên, Tổng thư ký Hiệp hội Rau quả Việt Nam, nhận định: “Trung Quốc là thị trường tiêu thụ trái cây lớn nhất của Việt Nam từ trước đến nay, tăng trưởng kim ngạch xuất khẩu đều phụ thuộc thị trường này. Đơn cử như năm nay Trung Quốc siết chặt biện pháp phòng ngừa dịch Covid-19, kim ngạch xuất khẩu trái cây lập tức sụt giảm. Dù nỗ lực mở rộng thị trường sang các khu vực khác như Trung Đông, Úc hay châu Âu, nhưng thực tế không bù đắp, thay thế nổi thị trường Trung Quốc”.

Câu chuyện tăng giá, rớt giá của các mặt hàng thanh long, chuối, xoài, dưa hấu… hầu hết đều phụ thuộc vào tình hình tiêu thụ của Trung Quốc. Thậm chí như thịt heo, mặt hàng chưa được xuất khẩu chính ngạch sang Trung Quốc, vẫn đang trông chờ biện pháp nới lỏng cửa khẩu mậu biên để giúp người chăn nuôi thoát cảnh thua lỗ vì giá thấp. Có thể thấy mối quan hệ giữa nông sản của Việt Nam và “bếp ăn” Trung Quốc đang ngày càng trở nên gắn bó mật thiết.

Mới đây, quả sầu riêng Việt Nam đã chính thức được xuất khẩu chính ngạch vào thị trường Trung Quốc sau hơn 4 năm đàm phán và đáp ứng các tiêu chuẩn kỹ thuật, chất lượng của Tổng cục Hải quan Trung Quốc. Điều này không chỉ là niềm vui đối với ngành nông nghiệp Việt Nam, mà còn tạo động lực cho các doanh nghiệp tìm kiếm cơ hội ở thị trường lớn nhất thế giới này.

Thay đổi để thích ứng

Theo Cục Bảo vệ thực vật (Bộ NNPTNT), khi xuất khẩu nông sản, trái cây sang Trung Quốc, các đơn vị xuất khẩu phải tuân thủ các luật, quy định và tiêu chuẩn liên quan đến vệ sinh an toàn thực phẩm, trái cây không nhiễm các chất thuộc kiểm dịch thực vật mà nước bạn quy định.

Ngoài ra, theo quy định, tất cả vùng trồng cũng như cơ sở đóng gói trái cây xuất khẩu sang Trung Quốc phải được đăng ký với Bộ NNPTNT, được Bộ và Tổng cục Hải quan Trung Quốc phê duyệt.

Những lô hàng từ các vườn trồng, cơ sở đóng gói không đăng ký sẽ không được xuất khẩu vào Trung Quốc. Trong trường hợp phát hiện lô hàng không phù hợp với tiêu chuẩn an toàn thực phẩm quốc gia của Trung Quốc, lô hàng sẽ bị từ chối nhập khẩu hoặc tiêu hủy.

Trái cây xuất khẩu sang Trung Quốc không nhiễm các chất thuộc kiểm dịch thực vật mà nước bạn quy định
Trái cây xuất khẩu sang Trung Quốc không nhiễm các chất thuộc kiểm dịch thực vật mà nước bạn quy định

Theo Cục Bảo vệ thực vật, thị trường Trung Quốc đã thay đổi rất nhiều, đòi hỏi nông dân, doanh nghiệp, nhà quản lý nước ta cũng phải thay đổi. Từ thói quen, tập quán canh tác phải thay đổi theo hướng tổ chức lại sản xuất, gắn với chuẩn hóa quy trình sản xuất.

Trái cây Việt Nam phải có mã số vùng trồng, mã số cơ sở đóng gói, truy xuất nguồn gốc để đảm bảo quản lý chất lượng sản phẩm từ gốc.

Phân tích về các yếu tố quan trọng đòi hỏi trái cây Việt Nam xuất sang Trung Quốc phải đáp ứng, Phó Cục trưởng Cục Trồng trọt (Bộ NNPTNT) Lê Thanh Tùng cho biết, thứ nhất là hàng rào kỹ thuật, tức là sản phẩm xuất khẩu phải vượt qua được các tiêu chuẩn của quốc gia nhập khẩu yêu cầu như: GlobalGAP (thực hành sản xuất nông nghiệp tốt theo tiêu chuẩn toàn cầu), tiêu chuẩn hữu cơ hoặc yêu cầu riêng của nước

Thứ hai là hàng rào kiểm dịch, tức sản phẩm phải đảm bảo không có những dịch hại đối với quả tươi hoặc vượt qua hàng rào y tế, vệ sinh an toàn thực phẩm với sản phẩm chế biến. Thứ ba là hàng rào thuế quan.

Là người trực tiếp xuất khẩu chuối sang Trung Quốc, ông Võ Quan Huy - Giám đốc Công ty TNHH Huy Long An đưa ra nhận định: Trung Quốc đang phát triển nhanh, nhu cầu tiêu dùng ngày càng nâng cao và sớm muộn gì sẽ không thua kém châu Âu, Bắc Mỹ. Nếu chúng ta không thay đổi sẽ không thể nào đáp ứng tiêu chuẩn khắt khe đó. Ví dụ, bây giờ muốn xuất chuối đi Trung Quốc mà không có mã vạch vùng trồng, mã đóng gói, nhà máy xử lý… thì không thể nào làm được.

Câu chuyện ách tắc hàng nông sản xuất khẩu trên vùng biên giới là minh chứng cho điều đó, nhất là khi Trung Quốc áp dụng chính sách Zero Covid-19. Để giải quyết bài toán này, chắc chắn chúng ta phải thay đổi trước, hàng hóa phải xử lý đảm bảo tiêu chuẩn. Bên cạnh đó, người nông dân muốn bán được giá, ổn định tiêu thụ thì phải nghĩ đến việc đáp ứng tiêu chuẩn toàn cầu. Bởi ngoài bán hàng cho thị trường Trung Quốc, chúng ta còn phấn đấu xuất khẩu đi nhiều thị trường khác trên toàn cầu...

"Chánh Thu đã có hơn 20 năm xuất khẩu sang Trung Quốc, từ trái chôm chôm tới nhãn. Chúng tôi có nhiều bài học kinh nghiệm trong giao thương mua bán như thế nào với bạn hàng Trung Quốc. Khi mình làm ăn uy tín, đảm bảo chất lượng, thì luôn được khách hàng thanh toán 100% ngay sau khi hàng xuất xưởng".

Bà Ngô Tường Vy - Phó Giám đốc Công ty TNHH Xuất nhập khẩu Trái cây Chánh Thu, Bến Tre

Phạm Anh 

Bạn đang đọc bài viết Xuất khẩu nông sản sang Trung Quốc: “Cơ hội” đã có, cần thay đổi để thích nghi. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0915 15 67 76 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Giá xăng dầu quay đầu giảm 320 đồng/lít
Theo quyết định của liên Bộ Công Thương - Tài chính, từ 15h ngày 25/4, giá xăng E5 giảm 310 đồng/lít, giá bán là 23.910 đồng/lít. Giá xăng RON 95 giảm 320 đồng/lít, giá bán là 24.910 đồng/lít.
HoSE lên tiếng sau sự cố nghẽn lệnh
Sở Giao dịch Chứng khoán TP.HCM (HoSE) cho biết, hiện đang phối hợp với nhà cung cấp dịch vụ hỗ trợ vận hành hệ thống để kiểm tra, xác định nguyên nhân.

Tin mới

Ra mắt Hệ thống AR/VR Làng gốm Bát Tràng
Ngày 16/4/2024, ra mắt Hệ thống AR/VR Làng gốm Bát Tràng tại địa chỉ URL: http://gombattrang.fairs.vn/. Hệ thống này trong khuôn khổ Dự án “Xây dựng Hệ thống AR/VR Làng gốm Bát Tràng” được các bên khởi động từ ngày 7/8/2023