0915 15 67 76 [email protected]
Thứ ba, 11/10/2022 09:00 (GMT+7)

Nông sản xuất khẩu cần gia tăng sức mạnh từ liên kết chuỗi

Liên kết chuỗi sản xuất nông sản xuất khẩu đã và đang thực sự mang lại nhiều lợi ích cho doanh nghiệp và người sản xuất. Đồng thời, người tiêu dùng cũng được hưởng lợi thông qua việc được tiếp cận các nông sản an toàn với giá cả cạnh tranh.

Mô hình liên kết chuỗi trồng rau hữu cơ ở Lâm Đồng.
Mô hình liên kết chuỗi trồng rau hữu cơ ở Lâm Đồng.

Liên kết vượt qua thách thức

Báo cáo của Hội làm vườn Việt Nam tại Diễn đàn thúc đẩy liên kết chuỗi giá trị nông sản, tận dụng lợi thế và cơ hội từ các FTA vừa tổ chức tại TP.Hồ Chí Minh cho biết: Những năm gần đây, ngành nông nghiệp Việt Nam phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức. Đặc biệt, trong 2 năm trở lại đây, đại dịch Covid-19, xung đột Nga - Ukraine, chính sách Zero-Covid của Trung Quốc ảnh hưởng không nhỏ đến chuỗi sản xuất và cung ứng tiêu thụ nông sản.

Trong bối cảnh đó, các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới như Hiệp định thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA), Hiệp định đối tác toàn diện khu vực (RCEP)… đã tạo điều kiện để thu hút đầu tư vào nông nghiệp và mở rộng thị trường xuất khẩu cho hàng hoá, nông sản.

Xu hướng liên kết giữa người sản xuất và doanh nghiệp phân phối đem lại hiệu quả rõ rệt.
Xu hướng liên kết giữa người sản xuất và doanh nghiệp phân phối đem lại hiệu quả rõ rệt.

Ông Nguyễn Duy Lượng, Phó Chủ tịch Hội làm vườn Việt Nam cho biết, chúng ta đang đứng trước cơ hội rất lớn nhưng để tận dụng được các cơ hội thương mại và đầu tư đó, các nông trại doanh nghiệp, HTX nông nghiệp phải đáp ứng các yêu cầu về nguồn gốc xuất xứ, tiêu chuẩn chất lượng và an toàn thực phẩm. Mặt khác, mở cửa thị trường cũng đồng nghĩa nông sản trong nước phải chịu áp lực cạnh tranh trực tiếp với nông sản nước ngoài nhập khẩu ngay tại thị trường nội địa.

Theo ông Lượng, để nâng cao chất lượng nông sản và vượt qua các rào cản kỹ thuật của thị trường nhập khẩu cũng như giữ được thị phần trong nước, các đơn vị sản xuất, kinh doanh nông sản phải đẩy mạnh liên kết chuỗi giá trị, áp dụng KHKT vào sản xuất, hoàn thiện hạ tầng và xây dựng hệ thống quản lý sản xuất, tạo ra sản phẩm chất lượng, an toàn, có giá trị gia tăng cao.

Xu hướng liên kết ngày càng chặt chẽ

Hiện cả nước có 56 tỉnh, thành đã ban hành chính sách khuyến khích liên kết sản xuất, tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp và hình thành 4.028 hợp tác xã nông nghiệp tham gia liên kết với 1.867 doanh nghiệp trong sản xuất, thu hoạch, chế biến và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp. Các địa phương có nhiều chương trình dự án, phát triển ngành nông nghiệp có bước chuyển biến rõ rệt. Đến nay, đã hình thành nhiều mô hình liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị và kết nối tiêu thụ sản phẩm với sự tham gia của doanh nghiệp, hợp tác xã và người nông dân trong tất cả các ngành hàng nông, lâm, thủy sản.

Hiện có khoảng 586.585 hộ nông dân tham gia liên kết chuỗi.
Hiện có khoảng 586.585 hộ nông dân tham gia liên kết chuỗi.

Theo Phó cục trưởng Cục Trồng trọt Lê Thanh Tùng cho biết, cả nước hiện có khoảng 18.760 HTX nông nghiệp, 81 Liên hiệp HTX, với tổng số khoảng 3,23 triệu thành viên. Tổng số lao động thường xuyên trong các HTX nông nghiệp là khoảng 550 ngàn người. Cán bộ quản lý HTX nông nghiệp là gần 51 ngàn người. Đã có 4.339 HTX nông nghiệp đảm nhận bao tiêu nông sản, bằng 24,5% tổng số HTX (tỷ lệ này trước năm 2015 chỉ là 5-7%).

Có tác nhân tham gia các chuỗi liên kết-chế biến-tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp, gồm 271 tổ chức khoa học, 586.585 hộ nông dân, 4.028 hợp tác xã nông nghiệp và 1.867 doanh nghiệp. Các hình thức liên kết chủ yếu là liên kết tiêu thụ sản phẩm qua hợp đồng, liên kết có hỗ trợ đầu tư và tiêu thụ sản phẩm, liên kết theo chuỗi giá trị khép kín hoặc liên kết dọc giữa doanh nghiệp và hợp tác xã, nông hộ; liên kết ngang giữa doanh nghiệp.

Theo ông Tùng, mặc dù số lượng HTX đảm nhận bao tiêu sản phẩm và số lượng các chuỗi liên kết có xu hướng tăng trong những năm gần đây, nhưng chưa có liên kết nào tạo nên thương hiệu.

Thực tế cho thấy giữa doanh nghiệp và người nông dân vẫn thường xảy ra tình trạng “bội tín” lẫn nhau. Do đó, cần cải thiện mối quan hệ giữa nông dân và doanh nghiệp, liên kết vùng phải thực sự bền vững cho cả hai chủ thể trong quá trình sản xuất và tiêu thụ hàng nông sản. Việc liên kết chuỗi chỉ thật sự hiệu quả khi hai bên cam kết chia sẻ lợi ích, cùng hợp tác để tăng giá trị nông sản.

Thay đổi nhận thức của người dân về liên kết sản xuất và tiêu thụ nông sản. Người dân phải tự nhận thức được trách nhiệm và quyền lợi của mình trong vấn đề liên kết. “Nhiều người thắc mắc nếu nông dân tham gia liên kết thì được gì? Câu trả lời đơn giản là để bán được hàng”, ông Tùng chia sẻ.

Giải pháp hiệu quả nhất để nâng cao chất lượng sản phẩm là giữ ổn định, bền vững về nguồn nguyên liệu, tham gia chuỗi logictics. Khi thực hiện tốt liên kết sản xuất sẽ nâng cao chất lượng nông sản xuất khẩu, tăng hiệu quả kinh tế. Hàng hoá chất lượng cao sẽ thu hẹp sự cạnh tranh. Đặc biệt, sẽ tạo nên giá trị văn hoá của sản phẩm.

Ngân Khánh 

Bạn đang đọc bài viết Nông sản xuất khẩu cần gia tăng sức mạnh từ liên kết chuỗi. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0915 15 67 76 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Tin mới

Ra mắt Hệ thống AR/VR Làng gốm Bát Tràng
Ngày 16/4/2024, ra mắt Hệ thống AR/VR Làng gốm Bát Tràng tại địa chỉ URL: http://gombattrang.fairs.vn/. Hệ thống này trong khuôn khổ Dự án “Xây dựng Hệ thống AR/VR Làng gốm Bát Tràng” được các bên khởi động từ ngày 7/8/2023