OCOP tạo 'đòn bẩy' cho thương hiệu nông sản
Lào Cai là địa phương có nhiều nông sản đặc trưng. Nông sản Lào Cai bước đầu tạo được chỗ đứng trên thị trường trong nước và xuất khẩu. Có được thành công này là nhờ đẩy mạnh Chương trình OCOP trong đó tập trung vào phát triển thương hiệu nông sản.
Nông sản ‘lên hương’
Ông Chu Hoàng Nguyện, Chi cục trưởng Chi cục Phát triển nông thôn Lào Cai cho biết: Tham gia chuỗi sản xuất sản phẩm OCOP, tư duy nhận thức của nông dân đã dần thay đổi, mạnh dạn tiếp cận khoa học công nghệ, nhất là công nghệ số, thương mại điện tử trong sản xuất và tiêu thụ sản phẩm. Bên cạnh đó, nhiều chính sách hỗ trợ, phát triển sản phẩm OCOP đã trở thành bệ phóng cho nông sản ngày càng đạt chất lượng cao hơn, bắt nhịp với xu thế thương mại hóa toàn cầu.
Sau gần 3 năm triển khai, Chương trình “Mỗi xã một sản phẩm” đã tạo động lực thúc đẩy kinh tế nông thôn vùng cao Lào Cai phát triển mạnh mẽ. Toàn tỉnh hiện có 123 sản phẩm OCOP đạt tiêu chuẩn 3 sao đến 4 sao; có 71 doanh nghiệp, hợp tác xã với 266 sản phẩm đã gắn tem truy xuất nguồn gốc QR-Code, 60 doanh nghiệp, hợp tác xã tham gia tương tác, giới thiệu quảng bá nông sản trên hệ thống thương mại điện tử.
Đến nay, những sản phẩm nông sản đã được phát triển theo chuỗi giá trị hàng hóa, nâng cao thu nhập cho người dân, đặc biệt, góp phần xây dựng nông thôn mới, giảm nghèo bền vững. Đặc biệt, với một số huyện vùng cao có thế mạnh về nông nghiệp, chương trình OCOP đã tiếp thêm nguồn lực để thúc đẩy sản xuất phát triển.
Mường Khương, một trong những địa phương có tiềm năng phát triển nông nghiệp và đã hình thành các vùng chuyên canh rõ nét. Khi tham gia Chương trình OCOP đã tạo luồng sinh khí mới, khơi dậy tiềm năng nông nghiệp vốn có. Huyện hiện có 13 sản phẩm được công nhận là sản phẩm OCOP cấp tỉnh, trong đó có một số sản phẩm đã xây dựng được thương hiệu, có chỉ dẫn địa lý, được cấp quyền sử dụng nhãn hiệu.
Ông Lê Thanh Hoa, Trưởng Phòng NN&PTNT huyện Mường Khương cho rằng, một số nông sản của Mường Khương ngày càng khẳng định giá trị, như gạo Séng cù, tương ớt Mường Khương, chè Tuyết Shan; dứa, chuối… Chương trình OCOP đã mở cánh cửa cho nông sản Mường Khương hội nhập với thị trường nông sản trong cả nước.
Không riêng Mường Khương, Chương trình OCOP đã lan tỏa hầu hết các địa phương, tạo động lực phát triển các vùng sản xuất gắn với cây, con chủ lực, thế mạnh của các ngành, nghề truyền thống, đặc sản địa phương. Đơn cử như huyện Bảo Yên, việc phát triển sản phẩm OCOP cũng dựa trên tiềm năng, thế mạnh của nông nghiệp địa phương.
Đến nay, huyện Bảo Yên đã có 11 sản phẩm OCOP cấp tỉnh, trong đó mật ong Thanh Xuân, chè xanh Ô long Đại Hưng, tinh dầu quế Bảo Yên… không chỉ góp phần nâng tầm giá trị sản phẩm, mà còn mang lại thu nhập cao hơn cho nông dân, doanh nghiệp tham gia trong chuỗi giá trị từ cung cấp nguyên liệu, chế biến đến tiêu thụ sản phẩm.
Hầu hết khi tham gia chương trình OCOP, các chủ thể hướng đến sản xuất ra các sản phẩm có chất lượng, đạt tiêu chuẩn theo quy định. Các tổ chức, cá nhân tham gia OCOP đều mong muốn sản phẩm làm ra được nâng tầm, khẳng định thương hiệu và có chỗ đứng vững chắc trên thị trường.
Hỗ trợ liên kết và xây dựng thương hiệu
Theo ông Vương Tiến Sỹ, Chi cục trưởng Chi cục quản lý chất lượng nông - lâm sản và thủy sản tỉnh Lào Cai, xây dựng thương hiệu cho các sản phẩm nông nghiệp của tỉnh là một trong những hướng đi trọng tâm, mang lại hiệu quả, giúp nâng cao giá trị sản phẩm, tăng sức cạnh tranh trên thị trường; đồng thời góp phần làm thay đổi nhận thức của người dân, doanh nghiệp từ sản xuất nhỏ lẻ sang theo hướng tập trung, nhất là đã thực hiện chủ trương mỗi địa phương có một sản phẩm đặc thù.
Thời gian qua, trên địa bàn tỉnh Lào Cai đã hình thành các mô hình liên kết kinh tế, hợp tác xã nông nghiệp, phát triển vùng chuyên canh, sản xuất hàng hóa tập trung gắn với ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất. Theo đó, các cơ sở sản xuất dịch vụ OCOP đã xây dựng được chuỗi liên kết với hộ gia đình để thu mua nguyên liệu phục vụ sản xuất.
Bên cạnh đó, để nối dài cánh tay đưa các sản phẩm OCOP vươn xa thị trường, tỉnh xác định đòn bẩy quan trọng là quảng bá, giới thiệu sản phẩm tại các hội chợ, triển lãm, xúc tiến thương mại. Do vậy, ngành nông nghiệp và các địa phương đã tích cực định hướng cho các chủ thể sản xuất tham gia quảng bá, giới thiệu sản phẩm OCOP tại 14 hội chợ triển lãm trong nước và quốc tế.
Lào Cai cũng đưa ra nhiều chính sách hỗ trợ xây dựng thương hiệu nông sản. Theo thống kê của Sở Khoa học và Công nghệ, toàn tỉnh hiện có 72 sản phẩm, nhóm sản phẩm nông nghiệp được công nhận nhãn hiệu tập thể, nhãn hiệu hàng hóa, chỉ dẫn địa lý, điển hình là gạo Séng cù Mường Khương, Bát Xát; cá nước lạnh Sa Pa, rau an toàn Sa Pa; mận Bắc Hà; trứng vịt Sín Chéng, Si Ma Cai; thịt trâu sấy, lợn đen bản địa, gạo nếp Thẩm Dương, Văn Bàn; chuối, dứa, quế, các sản phẩm chè, hồng không hạt…
Lồng ghép hiệu quả các chính sách hỗ trợ từ OCOP nhằm đẩy mạnh xây dựng thương hiệu nông sản là giải phapr để Lào Cai nâng cao giá trị các nông sản đặc trưng. Từ đó, nông sản Lào Cai ngày càng có tính thương mại và cạnh tranh cao.
Trọng Đạt