0981 389 194 ts.dautuvakinhdoanh@gmail.com
Thứ tư, 10/08/2022 10:06 (GMT+7)

Xuất khẩu chính ngạch: 'Thuốc đặc trị' ùn ứ nông sản

Thay vì xuất khẩu theo con đường tiểu ngạch, doanh nghiệp Việt cần tích cực đẩy mạnh theo hình thức chính ngạch, đáp ứng các quy định về thuế, phí, vệ sinh an toàn thực phẩm, truy xuất nguồn gốc, bao bì, nhãn mác...

“Căn bệnh cố hữu”...

Nhiều năm qua, Trung Quốc được xem là thị trường tiêu thụ nông sản lớn của nước ta. Tuy nhiên, có một thực tế là việc xuất khẩu qua các cửa khẩu phụ, lối mở vẫn là thói quen của người dân, doanh nghiệp. Câu chuyện ùn ứ hàng xuất khẩu, nhất là nông, hải sản, ở các cửa khẩu biên giới phía bắc đã thành câu chuyện đến hẹn lại lên, khiến cho điệp khúc buồn "biết rồi, khổ quá, nói mãi" của người nông dân "một nắng hai sương" cứ lặp lại như một vòng luẩn quẩn. Có người còn ví von rằng đây là căn bệnh cố hữu mà không thể có thuốc đặc trị.

Xuất khẩu chính ngạch: 'Thuốc đặc trị' ùn ứ nông sản
Nông sản ùn ứ tại cửa khẩu, đặc biệt vào thời điểm chính vụ gây thiệt hại lớn cho người dân, doanh nghiệp.

Còn nhớ thời điểm tháng 3/2022, tình trạng ùn ứ xuất hiện trở lại ở các cửa khẩu biên giới phía Bắc. Mặc dù cơ quan chức năng đã nỗ lực với nhiều phương án thông quan nhưng do thời điểm vào chính vụ nên lượng xe lên cửa khẩu vẫn gia tăng.

Chỉ ra căn nguyên của việc ùn ứ hàng hóa nông sản ở các cửa khẩu, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Lê Minh Hoan từng chia sẻ, đó chính là do tư duy sản xuất nông nghiệp mới chỉ chú ý đến việc tạo ra sản lượng mà chưa có tư duy kinh tế, "mù mờ" đầu cung và cầu, không đi vào quỹ đạo, đôi khi giống như đi buôn chuyến nhiều hơn là hợp tác bài bản, kết nối cung cầu…

"Tôi phát hiện hạn chế của chúng ta nằm ở 3 chỗ: Nông dân tư duy mùa vụ, mùa nào tính mùa đó; doanh nghiệp tư duy thương vụ, thương vụ nào tính thương vụ đó; còn chính quyền tư duy nhiệm kỳ. Chúng ta nghĩ ngắn quá cho nên cứ thấp thỏm từng mùa vụ, như đánh bài may rủi, rồi khi gặp vấn đề lại trách thị trường khó tính, để ùn ứ; "tiên trách kỷ, hậu trách nhân", nhiều khi chính chúng ta phải xem lại mình trước", Bộ trưởng Lê Minh Hoan nhận định.

... đã có “thuốc đặc trị”

Để giải bài toán ùn tắc nông sản, có nhiều đáp án được giới chuyên gia đưa ra, trong đó tập trung vào phương án đẩy mạnh xuất khẩu hàng hóa theo con đường chính ngạch - con đường bền vững nhất cho doanh nghiệp nước ta. Hơn nữa, Trung Quốc hiện không còn là thị trường “dễ tính” có gì mua nấy mà đã có sự chọn lọc chất lượng sản phẩm, vì vậy xuất khẩu chính ngạch càng khẳng định được lợi thế của mình.

Xuất khẩu chính ngạch: 'Thuốc đặc trị' ùn ứ nông sản
Xuất khẩu chính ngạch khẳng định lợi thế về chất lượng sản phẩm hàng hóa so với hình thức tiểu ngạch.

Trong cuốn Cẩm nang hướng dẫn xuất khẩu rau quả chính ngạch sang thị trường Trung Quốc - Bộ Công thương, xuất khẩu chính ngạch chính là tuân thủ toàn bộ quy định của Trung Quốc đối với hàng nhập khẩu, trong đó có các quy định về thuế, phí cũng như chất lượng, vệ sinh an toàn thực phẩm, truy xuất nguồn gốc, bao bì, nhãn mác...

Do đáp ứng được toàn bộ tiêu chuẩn của Trung Quốc nên hàng xuất khẩu chính ngạch có thể vào Trung Quốc qua tất cả các cảng biển, cảng hàng không quốc tế, cửa khẩu quốc tế, cửa khẩu chính trên biên giới đất liền mà không phải ùn ứ chờ đợi ở một vài cửa khẩu phụ, lối mở dành cho trao đổi cư dân như Tân Thanh (Lạng Sơn) hay cầu phao tạm tại Km3+4 Móng Cái (Quảng Ninh).

Trái cây xuất khẩu chính ngạch là các loại trái cây đã được chính thức cho phép nhập khẩu vào Trung Quốc, sẵn sàng đáp ứng các tiêu chuẩn về chất lượng, truy xuất nguồn gốc, mã số vùng trồng, mã số cơ sở đóng gói, an toàn vệ sinh thực phẩm và các quy định khác của cơ quan chức năng.

Xuất khẩu chính ngạch cũng tỏ rõ ưu thế so với xuất khẩu tiểu ngạch như: Hàng hóa có nguồn gốc, chứng từ rõ ràng, được kiểm nghiệm an toàn thực phẩm và đảm bảo truy xuất nguồn gốc nên thông quan nhanh; Khi có biến động thị trường hoặc chịu tác động bởi các sự kiện không lường trước được trong quá trình giao hàng, các bên sẽ cùng thỏa thuận theo điều khoản hợp đồng, các trường hợp ép giá sẽ bị hạn chế;

Việc giao hàng thực hiện theo tập quán quốc tế nên phân chia rõ trách nhiệm, rủi ro cho bên mua và bên bán; việc chậm trễ hoặc ách tắc giao hàng cũng được giảm thiểu; Quá trình thanh toán được đảm bảo thông qua các phương thức thanh toán quốc tế phổ biến; Thuận lợi trong quá trình thực hiện thủ tục xuất nhập khẩu, hoàn thuế giá trị gia tăng;...

Thậm chí trong những thời điểm khó khăn nhất xuất khẩu chính ngạch vẫn lưu thông bình thường, trong khi xuất khẩu tiểu ngạch tiềm ẩn rất nhiều rủi ro. Xuất khẩu chính ngạch ổn định hơn và chính là động lực để thúc đẩy sản xuất sản phẩm có chất lượng, nâng cao giá trị sản phẩm.

Ngoài ra, chúng ta cũng phải nhìn nhận rằng việc chuyển mạnh từ tiểu ngạch sang chính ngạch vẫn còn nhiều khó khăn như tập quán sản xuất, xuất khẩu, chất lượng hàng hoá, thói quen mua bán của cư dân biên giới... Từ chủ yếu xuất khẩu tiểu ngạch không thể chuyển ngay thành 100% chính ngạch. Tuy nhiên nếu có lộ trình và kế hoạch căn cơ, rõ ràng với sự vào cuộc quyết liệt của các Bộ, ngành liên quan, tin rằng việc hướng đến hoàn toàn xuất khẩu nông sản chính ngạch sẽ không còn là câu chuyện của tương lai xa.

Thanh Tùng

Bạn đang đọc bài viết Xuất khẩu chính ngạch: 'Thuốc đặc trị' ùn ứ nông sản. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0981 389 194 Hoặc email: ts.dautuvakinhdoanh@gmail.com

Cùng chuyên mục

Tin mới