Ninh Thuận từng bước phấn đấu trở thành Trung tâm năng lượng của cả nước
Xây dựng Ninh Thuận thành Trung tâm năng lượng, năng lượng tái tạo của cả nước đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 là nhiệm vụ chính trị trọng tâm, nhằm góp phần thực hiện tốt nhất nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.
Đến năm 2025 nâng tổng công suất tăng thêm khoảng 3.000 MW
UBND tỉnh Ninh Thuận đã ban hành Kế hoạch số 2874/KH-UBND về việc hành động thực hiện Nghị quyết số 20-NQ/TU ngày 25/01/2022 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh khóa XIV về xây dựng Ninh Thuận thành Trung tâm năng lượng, năng lượng tái tạo của cả nước đến năm 2025, định hướng đến năm 2030.
Theo đó, mục tiêu chung của kế hoạch là tạo sự thống nhất trong nhận thức và hành động của các cấp, các ngành trong triển khai thực hiện Nghị quyết số 20-NQ/TU ngày 25/01/2022 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh khóa XIV về xây dựng Ninh Thuận thành Trung tâm năng lượng, năng lượng tái tạo của cả nước đến năm 2025, định hướng đến năm 2030. Xác định đây là nhiệm vụ chính trị trọng tâm, thường xuyên trong quá trình tổ chức chỉ đạo, điều hành của từng ngành, địa phương, nhằm góp phần thực hiện tốt nhất nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.
Đồng thời, bảo đảm phát triển năng lượng phù hợp với tiềm năng, lợi thế của tỉnh, đầu tư đồng bộ với hạ tầng truyền tải, cung cấp nguồn năng lượng ổn định có chất lượng cao với giá cả hợp lý để phát triển kinh tế - xã hội tỉnh nhanh và bền vững, đảm bảo an ninh năng lượng và bảo vệ môi trường sinh thái. Khai thác và sử dụng hiệu quả nguồn tài nguyên năng lượng trên địa bàn, ưu tiên phát triển các ngành năng lượng tái tạo, năng lượng mới, thực hiện tiết kiệm và sử dụng điện an toàn và hiệu quả.
Mục tiêu cụ thể đến năm 2025 nâng tổng công suất tăng thêm khoảng 3.000 MW để đạt công suất tích lũy 6.500 MW (điện mặt trời 3.440 MW, điện gió trên bờ và gần bờ 1.200 MW, thủy điện 360 MW, điện khí LNG 1.500 MW); sản lượng điện sản xuất đạt gần 11,2 tỷ kWh; Cơ bản thành Trung tâm năng lượng, năng lượng tái tạo của cả nước. Đóng góp 22% GRDP và 29% tổng thu ngân sách của tỉnh. Hạ tầng năng lượng phát triển đồng bộ, hiện đại, có khả năng kết nối cao với hệ thống lưới điện khu vực, quốc gia, phù hợp với định hướng quy hoạch điện VIII và đáp ứng hiệu quả mục tiêu phát triển kinh tế-xã hội của tỉnh. Định hướng đến năm 2030: tổng công suất các nhà máy điện tăng thêm khoảng 5.300 MW, nâng quy mô công suất nguồn điện toàn tỉnh đạt 11.800 MW; giải quyết 7,3% nhu cầu việc làm trong 4 ngành kinh tế trọng điểm của tỉnh.
Để đạt được những mục tiêu đã đề ra trong kế hoạch, tỉnh Ninh Thuận sẽ đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động, phổ biến sâu rộng bằng nhiều hình thức phù hợp để nâng cao nhận thức của cán bộ, Nhân dân trong tỉnh về ý nghĩa và tầm quan trọng Ninh Thuận thành Trung tâm năng lượng, năng lượng tái tạo của cả nước, là sự nghiệp chung, vừa là lợi ích, vừa là nghĩa vụ của toàn xã hội, để người dân ủng hộ tham gia đóng góp và chia sẻ trách nhiệm với nhà nước trong đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội, bảo đảm tính nhất quán và đồng thuận cao trong thực hiện các chủ trương, quyết sách lớn về phát triển năng lượng, năng lượng tái tạo trên địa bàn tỉnh Ninh Thuận.
Bên cạnh đó, tỉnh cũng sẽ tham mưu kiến nghị Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Bộ Công Thương sớm ban hành cơ chế chính sách giá điện và cơ chế lựa chọn nhà đầu tư thực hiện dự án năng lượng tái tạo làm cơ sở kêu gọi đầu tư và phát triển các dự án trên địa bàn tỉnh; Tăng cường thu hút, huy động, sử dụng hiệu quả các nguồn lực đầu tư phát triển cơ sở vật chất, hạ tầng kỹ thuật; Phát triển hệ thống tiêu thụ năng lượng tại chỗ và hạ tầng truyền tải kết nối khu vực giải tỏa công suất; nâng cao nội lực ngành công nghiệp chế tạo, dịch vụ phục vụ ngành năng lượng; Đẩy mạnh phát triển khoa học – công nghệ cho ngành năng lượng và khuyến khích kinh tế tư nhân tham gia xã hội hóa phát triển năng lượng.
Tiềm năng lớn để bứt phá
Trong những năm qua, Trong hơn 3 năm thực hiện Nghị quyết số 115/NQ-CP ngày 31/8/2018 của Chính phủ về thực hiện một số cơ chế, chính sách đặc thù hỗ trợ tỉnh Ninh Thuận phát triển kinh tế- xã hội, ổn định sản xuất, đời sống nhân dân giai đoạn 2018 - 2023, quy mô Trung tâm năng lượng tái tạo ở Ninh Thuận đã phát triển nhanh chóng.
Từ chỗ chỉ có một số nhà máy thủy điện nhỏ có đóng góp không đáng kể cho GRDP của tỉnh, đến nay (cuối 2021) Trung tâm năng lượng tái tạo ở Ninh Thuận đã đạt tổng công suất lắp đặt 3.475 MW, thuộc nhóm đứng đầu cả nước.
Hầu hết các dự án năng lượng tái tạo trên địa bàn tỉnh Ninh Thuận là đầu tư của các thành phần kinh tế tư nhân, đóng góp tích cực trong việc đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia và cũng là một trong ba trụ cột kinh tế (cùng với du lịch và nông nghiệp) đưa Ninh Thuận vào nhóm 5 địa phương có tốc độ tăng trưởng kinh tế cao nhất cả nước trong 5 năm qua.
Theo UBND tỉnh Ninh Thuận, Ninh Thuận có gần 25 dự án năng lượng tái tạo, năng lượng sạch đã được Thủ tướng, Bộ Công thương phê duyệt bổ sung quy hoạch phát triển điện lực (được phê duyệt Danh mục nguồn và có phương án đấu nối lưới) đảm bảo đủ điều kiện triển khai đưa vào vận hành giai đoạn 2022-2025.
Về điện mặt trời, tỉnh Ninh Thuận có 9 dự án điện mặt trời nối lưới với tổng công suất 750 MW. Bao gồm, Dự án Nhà máy điện mặt trời Thiên Tân 1.2, (công suất 40 MW); Dự án Nhà máy điện mặt trời Thiên Tân 1.3 (công suất 34 MW); Dự án Nhà máy điện mặt trời Thiên Tân 1.4 (công suất 80 MW); Dự án Nhà máy điện mặt trời Phước Hữu 2 (công suất 184 MW); Dự án Nhà máy điện mặt trời Phước Trung (công suất 40 MW); Dự án Điện mặt trời Phước Thái 2, (công suất 80 MW); Dự án Điện mặt trời Phước Thái 3 (công suất 40 MW); Dự án Điện mặt trời Thiên Tân 2.1 (công suất 60 MW) và Dự án Điện mặt trời Thiên Tân 2.2 (công suất 192 MW) .
Về điện gió, Ninh Thuận có 5 dự án điện gió trên bờ đủ điều kiện triển khai với tổng công suất 215 MW. Đó là các dự án: Dự án Nhà máy điện gió Habaram (công suất 93 MW); Dự án Công trình Phong điện Việt Nam Power số 1 (công suất 30 MW); Dự án Nhà máy điện gió Đầm Nại 3 (công suất 39,4 MW), Dự án Nhà máy điện gió Đầm Nại 4 (công suất 27,6MW); Dự án Nhà máy điện gió Công Hải 1 giai đoạn 2 (công suất 25 MW) và Dự án Nhà máy điện gió Phước Hữu (công suất 50 MW)
Ngoài ra, tỉnh Ninh Thuận còn có 6 dự án điện gió trên bờ đang chờ quy hoạch điện VIII bổ sung danh mục nguồn và lưới điện; tổng công suất 406MW.
Xét về tiềm năng và triển vọng phát triển, Ninh Thuận có nhiều cơ hội để bứt phá. Theo đó, năm lĩnh vực quan trọng được Ninh Thuận lựa chọn làm mũi nhọn đột phá là năng lượng tái tạo và năng lượng sạch; du lịch; công nghiệp chế biến, chế tạo gắn với cảng biển và logistics; nông nghiệp công nghệ cao; xây dựng và kinh doanh bất động sản… Với 5 trụ cột tăng trưởng kinh tế này, kỳ vọng Ninh Thuận sẽ tạo nên những giá trị đặc biệt cho địa phương này.
Với những tiềm năng, lợi thế khác biệt, độc đáo từ thiên nhiên, con người, truyền thống văn hóa, lịch sử của địa phương và trên nền tảng chính trị, kinh tế - xã hội của đất nước ổn định, thuận lợi, hội nhập quốc tế sâu rộng, Thủ tướng Phạm Minh Chính cho rằng, Ninh Thuận đang đứng trước những cơ hội phát triển mới, đầy triển vọng.
Thủ tướng Phạm Minh Chính chỉ đạo Ninh Thuận cần đa dạng hóa, huy động tối đa, hiệu quả các nguồn lực xã hội, cơ cấu lại nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng. Đẩy mạnh, quyết liệt hơn nữa trong đầu tư, phát triển kết cấu hạ tầng, nhất là các dự án hạ tầng chiến lược, hạ tầng về y tế, văn hóa, giáo dục, giao thông, hạ tầng thích ứng biến đổi khí hậu, hạ tầng số...
Đặc biệt, tỉnh cần thúc đẩy ứng dụng khoa học, công nghệ; tạo động lực phát triển mới. Phát triển kinh tế nông nghiệp gắn với ứng dụng công nghệ cao, thích ứng biến đổi khí hậu và xây dựng nông thôn mới. Phát triển công nghiệp gắn với thương mại, dịch vụ, du lịch và đô thị. Phát huy lợi thế, đưa Ninh Thuận trở thành một trung tâm năng lượng tái tạo lớn của khu vực duyên hải Nam Trung Bộ và cả nước.
Lan Anh