0915 15 67 76 [email protected]
Thứ hai, 28/08/2023 17:10 (GMT+7)

Việc “xanh hóa” giao thông tại Hà Nội đang đi theo hướng tích cực (Bài 3)

Đến năm 2030, Hà Nội phải thực hiện được mục tiêu đạt 45% giao thông công cộng, đi cùng với đó là gia tăng tỷ trọng các phương tiện giao thông sử dụng điện.

Việc “xanh hóa” giao thông tại Hà Nội đang đi theo hướng tích cực (Bài 3) - Ảnh 1
Việc “xanh hóa” giao thông tại Hà Nội đang đi theo hướng tích cực (Bài 3) - Ảnh 2

Theo số liệu thống kê, năm 2022, số lượng phương tiện giao thông tại TP.Hà Nội tiếp tục giữ mức tăng 4-5%/năm, với tổng số hơn 7,78 triệu phương tiện giao thông trên địa bàn Thành phố. Trong đó, có hơn 1 triệu ô tô và hơn 6,5 triệu xe máy, chưa kể khoảng 1,2 triệu phương tiện từ các tỉnh, thành phố khác tham gia giao thông tại TP.Hà Nội. Đi kèm với tình trạng ùn tắc giao thông, ô nhiễm không khí từ khi thải phương tiện cũng ngày càng nghiêm trọng, đe dọa tới môi trường, sức khỏe của người dân Thủ đô.

Theo dữ liệu của Tổ chức Y tế thế giới WHO, từ năm 2008 đến nay, TP.Hà Nội liên tục nằm trong trong nhóm 500 thành phố có nồng độ bụi mịn trung bình năm cao nhất thế giới. Phương tiện giao thông cá nhân chiếm tỉ trọng lớn là một trong những nguyên nhân chính dẫn tới ô nhiễm không khí, phát thải CO2, ô nhiễm bụi mịn PM2.5.

Chương trình hành động về chuyển đổi năng lượng xanh, giảm phát thải khí carbon và khí metan của ngành giao thông vận tải (GTVT) được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 876/QĐ-TTg ngày 22/7/2022. Mục tiêu tổng quát của Chương trình là phát triển hệ thống GTVT xanh, hướng tới phát thải ròng khí nhà kính bằng 0 vào năm 2050.

Việc “xanh hóa” giao thông tại Hà Nội đang đi theo hướng tích cực (Bài 3) - Ảnh 3
Tuyến đường sắt Cát Linh - Hà Đông tại Hà Nội. Ảnh: Huy Tình.

Chương trình coi việc chuyển đổi năng lượng xanh là nhiệm vụ cơ bản và quan trọng nhất trong quá trình thực hiện mục tiêu tăng trưởng xanh, cũng như thực hiện các cam kết của Việt Nam tại Hội nghị lần thứ 26 các Bên tham gia Công ước khung của Liên Hợp quốc về biến đổi khí hậu (COP26). Đồng thời cũng là cơ hội để ngành GTVT có sự phát triển đồng bộ theo hướng hiện đại hóa, bền vững, bắt kịp với xu thế và trình độ phát triển tiên tiến của thế giới.

Thủ tướng Chính phủ cũng yêu cầu việc thực hiện chuyển đổi năng lượng xanh của ngành GTVT cần xây dựng lộ trình hợp lý, phù hợp với khả năng huy động nguồn lực, đảm bảo tính khả thi, hiệu quả và bền vững trong thực hiện thông qua các chương trình, kế hoạch hành động cụ thể.

Đối với TP.Hà Nội, Chương trình đã đề ra lộ trình cụ thể: Giai đoạn 2025 - 2030, toàn bộ xe buýt được đầu tư mới, hoặc thay thế xe cũ phải sử dụng năng lượng xanh; thị phần của vận tải công cộng tại Hà Nội phải đạt từ 45 - 50%. Đến năm 2030, tỷ lệ phương tiện sử dụng điện, năng lượng xanh đạt tối thiểu 50%; 100% xe taxi thay thế, đầu tư mới sử dụng điện, năng lượng xanh. Đến năm 2050, 100% xe buýt, xe taxi sử dụng điện, năng lượng xanh.

Việc “xanh hóa” giao thông tại Hà Nội đang đi theo hướng tích cực (Bài 3) - Ảnh 4

Trao đổi với Tạp chí điện tử Kinh tế Môi trường về vấn đề phát triển giao thông xanh tại TP.Hà Nội, Tiến sĩ Trần Khắc Tâm, Ủy viên Ban chấp hành VCCI cho rằng, đây là tầm nhìn mà Hà Nội đã đề ra kế hoạch từ khá lâu. Đến nay, các hành động được thực hiện mạnh mẽ hơn, cụ thể hơn. Đó là việc xuất hiện các tuyến đường sắt đô thị, gia tăng các phương tiện công cộng và mạng lưới kết nối, xe buýt nhiên liệu sạch, xe buýt điện, taxi điện… Thậm chí, mới đây, tại Hà Nội đã có bản đồ xe đạp để phục vụ người dân. Điều này thể hiện cho sự quyết tâm của chính quyền thủ đô trong việc “xanh hóa” giao thông.

“Chúng ta đã thấy Hà Nội quyết liệt như thế nào trong việc xử lý xe cũ nát, xe hết niên hạn, xe xả khói thải quá ngưỡng ra môi trường. Đó là những việc làm thiết thực để hướng đến Hà Nội xanh. Mỗi lần đến Hà Nội tôi rất ấn tượng với phố đi bộ, với những chiếc xích lô chạy khắp các tuyến phố hay những chiêc xe buýt điện. Tôi đã đi thử xe buýt điện và cảm thấy vô cùng hiện đại và thân thiện với môi trường”, TS Trần Khắc Tâm bày tỏ.

Việc “xanh hóa” giao thông tại Hà Nội đang đi theo hướng tích cực (Bài 3) - Ảnh 5
Đồ họa: Hải An.

Cùng quan điểm, TS. Hoàng Dương Tùng - Chủ tịch Mạng lưới không khí sạch Việt Nam, nguyên Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Môi trường nhấn mạnh, đối với TP.Hà Nội nói riêng và cả nước nói chung, việc xanh hóa phương tiện giao thông sẽ là hướng đi tất yếu của ngành GTVT. "Một số nghiên cứu cho thấy rằng, việc chuyển đổi sử dụng năng lượng xanh là việc bắt buộc để làm giảm khí nhà kính và đạt Net Zero 2050. Đây là xu hướng không thể đảo ngược được ở tất cả các nước.

Nhiều nước trên thế giới đã có cam kết mạnh mẽ trong việc đối phó với biến đổi khí hậu, ví dụ như hạn chế xe sản xuất mới chạy bằng nhiên liệu hóa thạch, hay thay đổi sử dụng nhiên liệu hóa thạch bằng các nhiên liệu sạch (ví dụ như khí CNG). Một số quốc gia còn có kế hoạch vào năm 2030, 2050 các phương tiện sẽ chạy hoàn toàn bằng điện.", TS. Hoàng Dương Tùng chia sẻ.

Theo Chủ tịch Mạng lưới không khí sạch Việt Nam, trong Quyết định số 876/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ: Phê duyệt Chương trình hành động về chuyển đổi năng lượng xanh, giảm phát thải khí carbon và khí metan của ngành GTVT, đã thể hiện nhiều mục tiêu được giới chuyên gia đánh giá rất cao. Các lộ trình cũng như giải pháp được thể hiện trong Quyết định này rất rõ ràng. Ví dụ, đến năm 2025 chúng ta cần làm gì? Đến năm 2030 chúng ta cần làm gì? Lộ trình chuyển đổi sang sử dụng xe điện được quy định ra sao? Tăng cường giao thông công cộng như thế nào? Đối với các phương tiện giao thông cũng vậy, Quyết định 876 không chỉ đưa ra quy định dành cho các phương tiện dưới mặt đất mà còn cả các phương tiện giao thông đường thủy, đường sông và đường hàng không…

Việc “xanh hóa” giao thông tại Hà Nội đang đi theo hướng tích cực (Bài 3) - Ảnh 6
Đồ họa: Hải An.

"Vai trò của các địa phương cũng được thể hiện rõ. Cụ thể, đến năm 2030, Hà Nội phải đạt 45% giao thông công cộng, đi cùng với đó là gia tăng tỷ trọng các phương tiện giao thông sử dụng điện. Song song với đó, Quyết định 876 đã nêu ra nhiều biện pháp cụ thể, đồng hành cùng các địa phương trong việc thực hiện quyết định này.

Quyết định 876 được đánh giá là một trong những chương trình quan trọng nhất của ngành GTVT trong việc xanh hóa phương tiện. Nó cũng thể hiện hành động mạnh mẽ của Chính phủ trong việc thực hiện cam kết Net Zero 2050. Quyết định 876 cũng phù hợp với điều kiện cũng như nguồn lực nội tại của chúng ta, do đó các lộ trình và mục tiêu được đưa ra là tương đối hợp lý nhưng không dễ thực hiện.

Để đạt được các mục tiêu đề ra tại Quyết định 876, chúng ta cần quán triệt hơn và có những biện pháp cụ thể hơn, cương quyết hơn trong thời gian tới. Cương quyết ở đây là từ các cấp lãnh đạo, các cấp chính quyền, cương quyết thể hiện trong việc đồng bộ, quyết tâm thực hiện. Đặc biệt, sự phối hợp đồng bộ giữa các bộ ngành và các địa phương cũng là yếu tố then chối. Bởi lẽ, vấn đề này không chỉ liên quan đến Bộ Giao thông Vận tải, mà còn liên quan đến Bộ Tài nguyên và Môi cũng như các địa phương trong cả nước.

Bên cạnh đó, cần có những chính sách hết sức cụ thể để khuyến khích giao thông công cộng, khuyến khích sử dụng phương tiện chạy bằng điện như các nước khác đang làm; hoàn thiện cơ sở hạ tầng cần thiết để việc sử dụng phương tiện xanh được dễ dàng, thuận tiện", ông Tùng phân tích.

TS.Hoàng Dương Tùng đánh giá, việc "xanh hóa" phương tiện giao thông tại TP.Hà Nội mặc dù đối diện với rất nhiều khó khăn nhưng sđã và đang diễn ra theo chiều hướng tích cực. Ví dụ như hệ thống xe buýt điện, xe đạp công cộng, tuy còn hạn chế về số lượng nhưng lại chiếm được thiện cảm của nhiều người. Tuy nhiên, để đạt được mục tiêu trong Quyết định 876 đề ra, TP. Hà Nội cần nỗ lực nhiều hơn nữa.

Cần ưu tiên phát triển hệ thống vận tải công cộng đô thị, khuyến khích sự tham gia của khu vực tư nhân, xây dựng và hoàn thiện thể chế, chính sách phát triển kết cấu hạ tầng giao thông xanh, xây dựng và tổ chức thực hiện các giải pháp để khuyến khích các loại phương tiện sử dụng năng lượng sạch, tiết kiệm, hiệu quả và công nghệ thân thiện với môi trường.

Để làm được điều đó, giải pháp đặt ra là chuyển đổi sử dụng phương tiện giao thông cá nhân sang sử dụng phương tiện giao thông công cộng, nâng cao thị phần vận tải hành khách công cộng tại các đô thị. Mở rộng, phát triển giao thông phi cơ giới, phát triển hạ tầng cung cấp năng lượng xanh cho phương tiện giao thông vận tải, phát triển kết cấu hạ tầng giao thông xanh, phát thải carbon thấp.

"Làm thế nào để đẩy nhanh quá trình xanh hóa phương tiện? Theo tôi, quan trọng nhất vẫn là chính sách. Chúng ta đã có nhiều chính sách nhằm khuyến khích xanh hóa phương tiện, nhưng cần cụ thể hơn nữa. Ví dụ như xây dựng hạ tầng thì khuyến khích như thế nào để các nhà đầu tư tham gia? Trợ giá như thế nào cho người dân khi họ mua và xử dụng xe điện?...Tôi thấy ở nước ngoài khi ra vào sân bay thì xe chạy điện được ưu tiên còn xe chạy xăng thì không. Những chính sách kinh tế, xây dựng hạ tầng cho phát triển giao thông xanh tôi nghĩ cần phải cụ thể hơn nữa.

Bên cạnh việc chuyển đổi giao thông xanh cũng phải xây dựng hệ thống giao thông phi cơ giới. Ví dụ như đường đi bộ, đường đi xe đạp… Ở nhiều thành phố lớn trên thế giới họ đã lập những vùng phát thải thấp, tức là chỉ có phương tiện phát thải thấp mới được đi vào trong đó.

Vấn đề ở đây là chúng ta phải cụ thể hóa các chính sách chứ không thể nói chung chung và triển khai đại khái được, như vậy sẽ rất khó để thực hiện. Việc xanh hóa phương tiện giao thông là xu thế tất yếu, do đó chúng ta càng triển khai nhanh thì càng tốt cho môi trường và sức khỏe của người dân bấy nhiêu", TS.Hoàng Dương Tùng phân tích thêm.

Việc “xanh hóa” giao thông tại Hà Nội đang đi theo hướng tích cực (Bài 3) - Ảnh 7

Tại TP.Hà Nội những năm gần đây, việc phát triển giao thông xanh được xem là yếu tố quan trọng trong việc xây dựng và phát triển đô thị bền vững. Đặc biệt, thành phố đã đề ra chương trình và lộ trình cụ thể cho việc phát triển giao thông xanh trong giai đoạn 2025-2030, với việc sẽ đầu tư mới toàn bộ xe buýt công cộng, hoặc thay thế xe cũ phải sử dụng năng lượng xanh.

TP.Hà Nội cũng ban hành Nghị quyết số 07 ưu tiên phát triển hệ thống vận tải công cộng khối lớn, hướng tới phát triển giao thông xanh bền vững. Thời điểm này, hệ thống vận tải công cộng cũng có những chuyển đổi tích cực. Trên 2000 phương tiện xe buýt hiện nay đã đưa vào sử dụng những phương tiện nhiên liệu sạch, nhiên liệu xanh. Gần 140 xe sử dụng CNG và 130 xe buýt điện. Tỷ lệ xe sử dụng nhiên liệu sạch chiếm khoảng 13% tổng số phương tiện tại Hà Nội.

Tuyến đường sắt đô thị số 2A được đưa vào vận hành từ tháng 11/2021, là loại hình giao thông không phát xả, là bước đi ban đầu để hướng tới hệ thống vận tải công cộng đa phương thức, phát triển bền vững, với nòng cốt là đường sắt đô thị với hệ thống xe buýt có tỉ lệ cao sử dụng nhiêu liệu sạch.

TP.Hà Nội cũng đang chủ trương phát triển những loại hình khác như xe đạp công cộng. Xe đạp công cộng đang được xem xét với mục tiêu triển khai một hệ thống để người dân đô thị sử dụng để kết nối với hệ thống giao thông công cộng chung ở khu vực nội thành. Bổ sung thêm một loại hình giao thông xanh nữa ngoài xe buýt, đường sắt để người dân có nhiều lựa chọn.

Việc “xanh hóa” giao thông tại Hà Nội đang đi theo hướng tích cực (Bài 3) - Ảnh 8
Những chiếc xe buýt điện đang góp phần giúp Thủ đô "xanh hơn". Ảnh Huy Tình.

Phát triển đô thị xanh, giao thông xanh là định hướng mang tính chiến lược, cần có sự quan tâm vào cuộc đồng bộ của các cấp chính quyền, các tổ chức chính trị - xã hội từ Trung ương tới địa phương và toàn thể cộng đồng.

Để phát triển giao thông theo đúng định hướng, TP.Hà Nội cần tăng thêm nhiều ưu đãi để thúc đẩy các doanh nghiệp kinh doanh vận tải hướng tới sử dụng xe buýt chạy bằng khí thiên nhiên, điện. Coi yếu tố xanh là một trong những tiêu chí bắt buộc trong việc cạnh tranh quyền khai thác các tuyến vận tải công cộng. Đồng thời, đưa ra các biện pháp hạn chế xe cá nhân lưu thông để hướng người dân đến với dịch vụ vận tải công cộng, vừa bảo đảm hiệu quả kinh tế, hướng đến mục tiêu mà Chính phủ đề ra tại Quyết định 876.

Nội dung: Hoàng Hải

Ảnh: Huy Tình

Đồ họa: Hải An

Bạn đang đọc bài viết Việc “xanh hóa” giao thông tại Hà Nội đang đi theo hướng tích cực (Bài 3). Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0915 15 67 76 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Tin mới

Ra mắt Hệ thống AR/VR Làng gốm Bát Tràng
Ngày 16/4/2024, ra mắt Hệ thống AR/VR Làng gốm Bát Tràng tại địa chỉ URL: http://gombattrang.fairs.vn/. Hệ thống này trong khuôn khổ Dự án “Xây dựng Hệ thống AR/VR Làng gốm Bát Tràng” được các bên khởi động từ ngày 7/8/2023