Giá hồ tiêu tăng ảo và câu chuyện tỉnh táo trong kinh doanh
Chủ tịch Hiệp hội Hồ tiêu Việt Nam (VPA) cho biết người dân thấy giá hồ tiêu tăng nên găm hàng và hạn chế bán ra để chờ giá tăng hơn nữa. Tuy nhiên đây chỉ là giá tăng ảo, bà con không được hưởng lợi
Chủ tịch Hiệp hội Hồ tiêu Việt Nam cho biết có ba nguyên nhân chính dẫn đến giá tiêu tăng mạnh trong thời gian qua.
Đầu tiên, tại Trung Quốc lệnh giãn cách xã hội đã nới lỏng dần do đó nhu cầu hồ tiêu đang dần phục hồi trở lại.
Nguyên nhân thứ hai, thời điểm sau Tết, một số doanh nghiệp kí hợp đồng bán tiêu giao trong thời điểm tháng 5, do đó hiện tại nguồn cung bị thiếu tạm thời.
Cuối cùng, Chủ tịch Hiệp hội cho biết người dân thấy giá tăng nên găm hàng và hạn chế bán ra để chờ giá tăng hơn nữa. Điều này khiến nguồn cung ở các doanh nghiệp vốn đã thấp nay còn khan hiếm hơn.
Người dân trồng tiêu đang lao đao vì giá. |
Thực chất tình hình giá hồ tiêu tăng ảo được ông Nguyễn Tấn Hiên Phó TGĐ Công ty Cổ phần TM DV XNK Trân Châu, đồng thời là Phó Chủ tịch Hiệp hội Hồ tiêu Việt Nam (VPA) lý giải là do thị trường đang nhiễu loạn thông tin về đầu nguyên liệu.
Theo đó, một số đại lí đang găm trữ hàng đẩy giá lên cao để kiếm lời bằng cách tung tin đồn rằng giá tiêu có thể tăng lên tới 70.000 – 80.000 đồng/kg do nhu cầu nhập khẩu ở các thị trường đang tăng mạnh. Điều này dẫn đến người nông dân không muốn bán ra do chờ giá cao hơn nữa, khiến các doanh nghiệp xuất khẩu gặp khó khăn trong việc mua hàng.
Theo Phó Chủ tịch hiệp hội Hồ tiêu Việt Nam, “giá tăng cao nhưng bà con không được hưởng lợi do khách hàng ở nước ngoài chỉ muốn mua ở giá cũ, còn giá mới họ không chấp nhận”.
Người nông dân giữ tiêu đợi giá giờ phải bán lại |
Phó Chủ tịch Hiệp hội Hồ tiêu Việt Nam nhận định hành động tung tin đồn thất thiệt này trực tiếp “giết” hoạt động xuất khẩu tiêu của doanh nghiệp trong nước trong khi gần như đầu ra duy nhất của tiêu Việt Nam là xuất khẩu.
Ông Hiên cho biết thời điểm giá tiêu chỉ khoảng 38.000 – 42.000 đồng/kg, thương lái Trung Quốc mua rất nhiều vì giá rẻ. Tuy nhiên, sau khi giá tiêu tăng phi mã họ lại bán ngược trở lại Việt Nam để thu lời. “Trong bối cảnh giá tiêu tăng vọt, họ bán ngược trở lại vào thị trường Việt Nam đối với những lô hàng còn nằm ở biên giới. Thậm chí, một số lô hàng đã xuất sang Trung Quốc nhưng chưa kịp tiêu thụ, các thương nhân chở ngược về Việt Nam để bán”, ông Hiên nói.
Theo Tạp chí Thương hiệu và Sản phẩm