Quảng Ninh: Bảo tồn và phát huy hiệu quả giá trị đa dạng sinh học biển đảo
Thời gian qua, tỉnh Quảng Ninh đã từng bước khôi phục, bảo vệ các hệ sinh thái gắn với các quy hoạch các ngành khác một cách phù hợp, góp phần định hướng phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.
Ngay từ năm 2018, Quảng Ninh đã lập, ban hành Quy hoạch bảo tồn đa dạng sinh học tỉnh Quảng Ninh đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030, với mục tiêu bảo tồn các hệ sinh thái tự nhiên quan trọng, các loài, nguồn gen nguy cấp, quý, hiếm.
Sau gần 3 năm triển khai, các khu bảo tồn thiên nhiên được tiếp tục bảo vệ tốt, đa dạng sinh học và giá trị đa dạng sinh học tại các khu bảo tồn, di sản thiên nhiên thế giới vịnh Hạ Long tiếp tục được nghiên cứu, làm rõ, góp phần quan trọng vào sự phát triển kinh tế xã hội bền vững của Quảng Ninh.
Quảng Ninh nâng cao hiệu quả bảo tồn và phát huy hiệu quả giá trị đa dạng sinh học biển đảo |
Cùng với đó, công tác bảo tồn, phục hồi, phát huy giá trị các nguồn gen quý, hiếm được xúc tiến triển khai theo từng đề tài, nhiệm vụ nghiên cứu KH&CN, trong đó ưu tiên thực hiện đối với các nguồn gen có giá trị kinh tế và phù hợp với điều kiện KH&CN của tỉnh. Điển hình như: Khu bảo tồn thiên nhiên Ðồng Sơn - Kỳ Thượng, Khu rừng Quốc gia Yên Tử, Vườn Quốc gia Bái Tử Long, vườn cây thuốc Yên Tử đã sưu tầm và bảo tồn được 700 loại dược liệu đại diện của vùng Ðông Bắc. Đồng thời, lưu giữ nhiều bộ gien quý các loại như: ba kích, kim ngân, trà hoa vàng, bộ gien các loại họ nghệ, sa nhân, riềng, gừng…
Bên cạnh đó, công tác bảo vệ và phục hồi các hệ sinh thái được quan tâm, đặc biệt là hệ sinh thái rừng. Theo đó, đến năm 2020, độ che phủ rừng trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh đạt trên 54%. Trong đó, giai đoạn từ năm 2015-2018, toàn tỉnh đã trồng mới được 36.780 ha rừng tập trung, 1.662 ha rừng đặc dụng, khoán bảo vệ rừng là 50.772 ha.
Đối với công tác lập quy hoạch chi tiết các khu bảo tồn biển được tỉnh Quảng Ninh quan tâm triển khai thực hiện, với mục tiêu bảo vệ các hệ sinh thái, các loài sinh vật biển có giá trị kinh tế, khoa học, bảo vệ môi trường gắn với phát triển du lịch sinh thái, duy trì cải thiện sinh kế, quản lý và sử dụng hợp lý nguồn lợi thủy sản. Hiện nay, đang triển khai đề xuất thành lập Khu bảo tồn biển Cô Tô- Đảo Trần và 14 khu bảo vệ nguồn lợi thủy sản bảo vệ các loài thủy sản đặc sản gồm sá sùng, ngán, rươi.
Ban quản lý Vịnh Hạ Long nhân giống cây cọ Hạ Long |
Đồng thời đang triển khai 2 mô hình đồng quản lý nguồn lợi sá sùng tại các xã Minh Châu và Quan Lạn, tại huyện Vân Đồn và bãi Sá Sùng tại xã Đại Bình, tại huyện Đầm Hà. Các mô hình này đã góp phần giải quyết việc làm, nâng cao thu nhập cho khoảng 300 hộ gia đình góp phần tích cực bảo vệ nguồn lợi thuỷ sản.
Đặc biệt, tỉnh Quảng Ninh đang triển khai các thủ tục đề nghị công nhận quần thể di tích và danh thắng Yên Tử trình UNESCO xem xét, công nhận là Di sản thế giới. Việc xây dựng và triển khai thành công các dự án này sẽ góp phần quan trọng vào bảo tồn các hệ sinh thái, loài và cảnh quan môi trường.
Cùng với đó, công tác quản lý cơ sở bảo tồn đa dạng sinh học được tăng cường. Hiện trên địa bàn 63 cơ sở gây nuôi 15 loài với hơn 4.119 cá thể động vật hoang dã nằm trong phụ lục CITES và danh mục động vật rừng nguy cấp quý hiếm và 5 loại động vật thông thường với 1.719 cá thể. Đồng thời, các lực lượng chức năng cấp 12 mã số cơ sở nuôi, trồng động vật rừng, thực vật rừng nguy cấp, quý hiếm nhóm III và động vật, thực vật hoang dã nguy cấp thuộc các phụ lục II và III của CITES. Ngoài ra, đang xem xét, ban hành bộ thủ tục hành chính cấp tỉnh về cấp giấy phép mua, bán, trao, tặng, cho thuê loài nguy cấp, quý, hiếm, ưu tiên bảo vệ.
Đồng thời, Quảng Ninh đã đẩy mạnh việc thực hiện cải tạo hành lang sinh thái ven biển, trong đó tập trung triển khai các dự án cải tạo, phục hồi và trồng mới rừng ngập mặn ven biển. Điển hình như dự án đầu tư bảo vệ và phát triển rừng phòng hộ, đặc dụng ven biển tỉnh Quảng Ninh giai đoạn 2015 - 2020 được phê duyệt với quy mô 1.444 ha (gồm trồng rừng mới là 510 ha; trồng rừng bổ sung cải tạo phục hồi rừng chất lượng kém là 934 ha). Trong đó, đến hết năm 2019, đã trồng được 855,64 ha (trồng mới 143,66 ha và trồng cải tạo, bổ sung, phục hồi rừng chất lượng kém 711,98 ha) đạt 59,25% so với tổng quy mô của dự án.
Theo Tạp chí Thương hiệu và Sản phẩm