0981 389 194 ts.dautuvakinhdoanh@gmail.com
Thứ hai, 12/10/2020 15:37 (GMT+7)

Thái Nguyên: Phấn đấu 100% diện tích chè áp dụng tiêu chuẩn GAP

Thái Nguyên đặt mục tiêu đến năm 2030, diện tích chè của toàn tỉnh đạt 24.000 ha; trong đó, 100% diện tích chè sản xuất tập trung được áp dụng tiêu chuẩn GAP, hữu cơ.

Thái Nguyên: Phấn đấu 100% diện tích chè áp dụng tiêu chuẩn GAP
Thái Nguyên phấn đấu 100% diện tích chè áp dụng tiêu chuẩn GAP

Theo thống kê của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Thái Nguyên, hiện toàn tỉnh có trên 22.300 ha trồng chè và là tỉnh có diện tích chè phát triển lớn nhất cả nước với năng suất chè búp tươi đạt trên 118 tạ/ha, sản lượng chè búp tươi hơn 240.000 tấn/năm.

Cây chè trở thành cây kinh tế chủ lực, đem lại giá trị kinh tế lớn cho địa phương, giá trị sản phẩm thu được trên 1 ha bình quân khoảng 300-500 triệu đồng/ha, tại các vùng chè đặc sản có thể đạt từ 500-800 triệu đồng/ha.

Các sản phẩm chè Thái Nguyên đã được khẳng định trên thị trường trong nước, có triển vọng mở rộng ra thị trường thế giới. Sản xuất chè đã góp phần tích cực vào xóa đói, giảm nghèo, làm giàu, xây dựng nông thôn mới, phát triển nền sản xuất nông nghiệp hàng hóa bền vững ở địa phương và là phần thu nhập chủ yếu, quan trọng của trên 91.000 hộ làm chè trên địa bàn tỉnh.

Từ năm 2010 đến nay, tỉnh Thái Nguyên đã đẩy mạnh chuyển đổi cơ cấu giống chè theo hướng trồng mới, trồng thay thế, cải tạo lại những nương chè trung du, già cỗi, năng suất, chất lượng thấp bằng các giống chè mới có năng suất, chất lượng cao phục vụ chế biến chè xanh cao cấp, đặc sản.

Đến năm 2020, diện tích chè giống mới đạt trên 18.200 ha, chiếm 80% diện tích chè toàn tỉnh.

Cùng với chuyển đổi cơ cấu giống, Thái Nguyên đã chú trọng đẩy mạnh ứng dụng tiến bộ khoa học, công nghệ trong sản xuất, chế biến chè an toàn, chất lượng.

Hầu hết diện tích chè của tỉnh được sản xuất theo hướng áp dụng quy trình sản xuất chè an toàn, hữu cơ. Hiện Thái Nguyên đã có gần 20 % diện tích chè cho sản phẩm được chứng nhận VietGAP, GlobalGAP, UTZ Certified, sản xuất theo hướng hữu cơ.

Các hộ trồng chè đều ứng dụng thành thạo quy trình canh tác chè an toàn, chất lượng, tăng sử dụng phân bón hữu cơ, chế phẩm và thuốc trừ sâu sinh học, phát triển mạnh tưới chủ động, tưới tiết kiệm.

Thái Nguyên: Phấn đấu 100% diện tích chè áp dụng tiêu chuẩn GAP
Thái Nguyên tập trung phát triển sản phẩm OCOP và đã có 24 sản phẩm OCOP từ chè

Hiện sản lượng chè chế biến các loại của tỉnh đạt gần 48.000 tấn; trong đó, chủ yếu là sản phẩm chè xanh truyền thống, chế biến theo quy mô nông hộ, ứng dụng cơ giới hóa trong tất cả các khâu, có những mô hình chế biến chè ứng dụng công nghệ tự động hóa, công nghệ cao, đa dạng hóa sản phẩm, chế biến thành phẩm, có bao bì nhãn mác.

Trong hơn 1 năm qua, Thái Nguyên tập trung phát triển sản phẩm OCOP và đã có 24 sản phẩm OCOP từ chè, xếp hạng từ 3 đến 4 sao. Nhờ vậy, chất lượng, an toàn thực phẩm trong sản xuất, chế biến chè ở Thái Nguyên được nâng cao rõ rệt.

Cùng với những nhiệm vụ, giải pháp nhằm nâng cao chất lượng sản phẩm chè, Thái Nguyên đặc biệt chú trọng xây dựng thương hiệu, xúc tiến thương mại, tiêu thụ chè Thái Nguyên, phát triển hiệu quả nhãn hiệu tập thể “chè Thái Nguyên”.

Thái Nguyên đặt mục tiêu đến 2025, trồng thêm 7.000ha chè. Theo đó, 5 năm tới, diện tích chè của tỉnh dự kiến đạt 23 nghìn ha. Trong đó có 80% diện tích chè sản xuất tập trung được áp dụng theo tiêu chuẩn GAP, hữu cơ.

Năm 2030, diện tích chè của toàn tỉnh đạt 24.000 ha; trong đó, 100% diện tích chè sản xuất tập trung được áp dụng tiêu chuẩn GAP, hữu cơ, 80% trở lên diện tích chè ứng dụng công nghệ tưới chủ động, tiết kiệm nước; 100% sản phẩm chè do các doanh nghiệp, hợp tác xã hoặc liên kết doanh nghiệp, hợp tác xã với nông hộ, sản xuất theo tiêu chuẩn an toàn có thương hiệu riêng.

Cùng với duy trì, nâng cao chất lượng các sản phẩm chè xanh truyền thống, Thái Nguyên tập trung đẩy mạnh thu hút doanh nghiệp đầu tư chế biến đa dạng hóa các sản phẩm chè và các sản phẩm có nguồn gốc từ chè như các loại đồ uống, bánh, kẹo, mỹ phẩm, thực phẩm chức năng... đáp ứng nhu cầu người tiêu dùng trong và ngoài nước.

Thái Nguyên tiếp tục chuyển đổi cơ cấu giống, xây dựng vùng sản xuất nguyên liệu chè búp tươi an toàn, chất lượng cao, phát triển phong phú các loại sản phẩm chè nhằm nâng cao giá trị gia tăng, hiệu quả sản xuất chè.

Với những mục tiêu đề ra theo lộ trình như trên sẽ giúp ngành Nông nghiệp có những định hướng phù hợp với xu hướng và từng thời điểm trong việc tiêu thụ sản phẩm; quản lý chất lượng và thương hiệu chè; liên kết theo chuỗi giá trị để mở rộng thị trường tiêu thụ; phát triển chè với văn hóa, du lịch trải nghiệm, thực hiện hiệu quả chính sách thu hút đầu tư và hỗ trợ từ nguồn ngân sách cho phát triển chè.

Theo Tạp chí Thương hiệu và Sản phẩm

Bạn đang đọc bài viết Thái Nguyên: Phấn đấu 100% diện tích chè áp dụng tiêu chuẩn GAP. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0981 389 194 Hoặc email: ts.dautuvakinhdoanh@gmail.com

Cùng chuyên mục

Hơn 100 doanh nghiệp tham gia triển lãm Thang máy Quốc tế 2024
Triển lãm Thang máy Quốc tế Việt Nam 2024 diễn ra từ ngày 14-16/11 với nhiều hoạt động hoạt động như: Lễ khai mạc; phiên bình chọn sản phẩm xuất sắc; thảo luận mở trong “Hội nghị kết nối sản phẩm và công nghệ thang máy”…
Doanh nghiệp rất khó để tiếp cận các nguồn vốn xanh
Đại biểu Quốc hội cho biết, thực tiễn thì còn rất nhiều doanh nghiệp ở các lĩnh vực cần chuyển từ nâu sang xanh trong bối cảnh chịu ảnh hưởng lớn của thiên tai và biến đổi khí hậu thì lại có rất ít thông tin và rất khó để tiếp cận các nguồn vốn xanh.

Tin mới