0981 389 194 ts.dautuvakinhdoanh@gmail.com
Thứ sáu, 02/06/2023 16:02 (GMT+7)

Phú Yên: Tạm giữ gần 8.500 chai nước uống collagen Rosebeauty không hóa đơn, chứng từ

Mới đây, cơ quan chức năng tỉnh Phú Yên đã tiến hành tạm giữ gần 8.500 chai thực phẩm chức năng nước uống collagen Rosebeauty cùng hàng loạt mặt hàng khác không có hóa đơn, chứng từ theo quy định của pháp luật.

Theo thông tin từ Cục QLTT tỉnh Phú Yên, từ tin báo, bằng các biện pháp nghiệp vụ, trong 2 ngày 30 và 31/5/2023 Đội Quản lý thị trường số 1- Cục Quản lý thị trường tỉnh Phú Yên phối hợp với Công an tỉnh Phú Yên tiến hành dừng và khám 02 phương tiện xe ô tô tải mang biển kiểm soát 29LD-313.18.

Phương tiện do ông Lường Văn Huệ, địa chỉ: Bản Hộc, xã Tà Hộc, huyện Mai Sơn, tỉnh Sơn La trực tiếp điều khiển và xe ô tô biển kiểm soát 49C-084.65 do ông Nguyễn Bá Tư, địa chỉ: Thôn 1, xã Nga Tân, huyện Nga Sơn, tỉnh Thanh Hóa trực tiếp điều khiển.

Kết quả kiểm tra Đoàn kiểm tra phát hiện 05 mặt hàng vi phạm, cụ thể gồm: 111 máy điều hòa đã qua sử dụng các loại (các hiệu: Panasonic; Fujitsu; National; Daikin) do nước ngoài sản xuất; 69 cái Đèn led các loại hiệu Toshiba do nước ngoài sản xuất; 8.480 chai (1.060 hộp) Thực phẩm chức năng (nước uống collagen) hiệu Rosebeauty, loại 50ml/chai; 1.198 chai Dầu gội hiệu Valert Plus, loại 850ml, Formulated in England; 1.098 chai Dầu xả hiệu Valert Plus, loại 850ml, Formulated in England.

MP

Tất cả hàng hóa nêu trên do nước ngoài sản xuất, tại thời điểm kiểm tra, cả 02 lái xe đều không xuất trình được hóa đơn, chứng từ hợp pháp kèm theo; nhãn hàng hóa không đúng theo quy định của pháp luật. Đội QLTT số 1 ban hành Quyết định tạm giữ toàn bộ số hàng hóa trên để tiếp tục làm rõ và xử lý theo quy định của pháp luật.

Cùng trong ngày 31/5, Đoàn kiểm tra do Đội QLTT số 1, Cục QLTT TP. Hà Nội chủ trì, phối hợp với Đội QLTT số 25 và Đội Cảnh sát kinh tế - Công an huyện Chương Mỹ tiến hành kiểm tra đột xuất một căn nhà cấp 4 tại thôn Cao Sơn, xã Tiên Phương, Chương Mỹ, Hà Nội.

Tại thời điểm kiểm tra, trên diện tích khoảng 50m2, tổ công tác bắt quả tang bốn công nhân là người ở địa phương khác đang thực hiện gia công, đóng gói những viên sủi, viên nén được đựng trong các bao nilon khác nhau vào các vỏ hộp nhựa không nhãn mác với số lượng viên được định lượng trước. Tiếp theo đó, các công nhân sử dụng máy khò nhiệt và máy ép nhiệt dán các nhãn mác được in sẵn của các nhãn hiệu như Lady, V3, Xtraman, HYPOLY, HeBora Collggen Enrich; Collagen Top Queen New, Glucosamine, BORA ….lên phía ngoài vỏ hộp. Bước cuối cùng, một tem chống hàng giả sẽ được dán sau cùng. Và, sản phẩm sẽ được nằm ở vị trí chờ để sẵn sàng tới tay người tiêu dùng.

Kiểm tra thực tế, lực lượng chức năng ghi nhận tại cơ sở có gần 12.000 lọ/ hộp thực phẩm chức năng đã được đóng gói thành phẩm với bao bì nhãn mác bắt mắt. Đáng chú ý, mặc dù được cho sản xuất và đóng gói tại căn nhà chật hẹp này, tuy nhiên phía bên ngoài các vỏ hộp phần lớn được thể hiện có xuất xứ từ các nước như Mỹ, Nhật Bản, Hàn Quốc. Bên cạnh đó, một lượng lớn sản phẩm thành phẩm tại đây còn thể hiện đơn vị chịu trách nhiệm về chất lượng sản phẩm là các doanh nghiệp trong nước như: Công ty TNHH Supharmco; Công ty TNHH thương mại dịch vụ xuất nhận khẩu Lady cara; Công ty TNHH Thương mại GENIX, Công ty Cổ phần Thịnh Tâm Đường, Công ty TNHH thương mại Tavuco Việt Nam....

z4394575853544_11cbad5901538ec32d98f25d16992ba3

Ngoài số hàng hóa thành phẩm trên, lực lượng chức năng còn ghi nhận tại cơ sở kinh doanh chứa 4.070 lọ nhựa đựng 20 viên sủi/lọ không có nhãn mác; 67 kg viên thuốc các loại không có nhãn mác; 44.656 chiếc tem nhãn giấy các loại có chữ Lady, Xtraman, Toca, V3, tem chống hàng giả; 15.478 chiếc vỏ hộp giấy các loại cùng 01 chiếc máy khò nhiệt và 01 chiếc máy ép nhiệt đã qua sử dụng nhãn có chữ nước ngoài.

Tại thời điểm kiểm tra, cơ sở kinh doanh hoạt động không có giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh; kinh doanh hàng hóa không niêm yết giá theo quy định; không xác định được có kinh doanh trên thương mại điện tử; có dấu hiệu sản xuất hàng giả là thực phẩm có nhãn hàng hóa và bao bì hàng hóa bị làm giả với tên, địa chỉ của doanh nghiệp sản xuất, phân phối sản phẩm; Giả mạo mã số đăng ký lưu hành sản phẩm được quy định tại Điểm đ Khoản 7 Điều 3 Nghị định số 98/2020/NĐ-CP ngày 26/8/2020 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động thương mại, sản xuất, buôn bán hàng giả, hàng cấm và bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng với tổng trị giá hàng giả theo giá trị của hàng thật trên 278 triệu đồng.

Tại hiện trường, ông Kiều Trung Sơn - nhân viên Công ty TNHH Supharmco cho biết hàng hóa là viên sủi thực phẩm bảo vệ sức khỏe thành phẩm có nhãn LADY tại cơ sở kinh doanh không phải là sản phẩm của Công ty cổ phần dược phẩm Fresh Life sản xuất và Công ty TNHH Supharmco chịu trách nhiệm về chất lượng sản phẩm. Sản phẩm có nhãn hàng hóa và bao bì hàng hóa bị làm giả với tên, địa chỉ của doanh nghiệp sản xuất, phân phối sản phẩm; Giả mạo mã số đăng ký lưu hành sản phẩm. Giá hàng thật của sản phẩm trên được thể hiện trên hóa đơn số 01 ngày 03/01/2023 nói trên có giá bán chưa có thuế là 52.000 đồng/ hộp.

Tương tự, ông Nguyễn Đình Huy - nhân viên Công ty Cổ phần Thịnh Tâm Đường cũng khẳng định, 5.000 hộp thực phẩm bảo vệ sức khỏe thành phẩm có chữ XTraman hiện đang có tại cơ sở kinh doanh mà lực lượng chức năng tiến hành kiểm tra không phải là sản phẩm của Công ty Cổ phần dược phẩm SANTEX sản xuất và Công ty Cổ phần Thịnh Tâm Đường chịu trách nhiệm trực tiếp về sản phẩm.

Theo Lãnh đạo Đội QLTT số 1, đây là vụ việc sản xuất thực phẩm chức năng giả với quy mô lớn. Các đối tượng chủ động chọn một căn nhà dân nằm ở ngoại thành, xa trung tâm để thực hiện hoạt động sản xuất hàng giả.

Ngày 1/6, Đội QLTT số 1, Cục QLTT TP. Hà Nội đã chuyển toàn bộ hồ sơ và tang vật vụ việc có dấu hiệu hình sự tại cơ sở này đến Công an huyện Chương Mỹ để xử lý theo quy định.

Khánh An

Bạn đang đọc bài viết Phú Yên: Tạm giữ gần 8.500 chai nước uống collagen Rosebeauty không hóa đơn, chứng từ. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0981 389 194 Hoặc email: ts.dautuvakinhdoanh@gmail.com

Cùng chuyên mục

Tin mới