Dự báo “làn sóng mới” cho thị trường bất động sản năm 2022
Năm 2021 là một năm ghi nhận những tín hiệu tích cực của thị trường bất động sản. Chính vì vậy, diễn biến của thị trường trong năm tới nhận được nhiều sự quan tâm. Theo đó, nhiều chuyên gia cho rằng, thị trường bất động sản có thể diễn biến khả quan hơn.
Mới đây, Bộ Y tế chính thức thông tin về ca bệnh Covid-19 nhiễm biến chủng Omicron đầu tiên tại Việt Nam là người nhập cảnh từ Anh. Chính thông tin này đã dấy lên lo ngại cho thị trường bất động sản khi mà dịch bệnh là nhân tố tác động rất lớn để BĐS thời gian qua. Vì thế, việc lo ngại chủng mới bùng phát sẽ tiếp tục ảnh hưởng đến thị trường BĐS trong năm 2022 là điều dễ hiểu.
Trao đổi về vấn đề này, ông Nguyễn Hoàng, Giám đốc R&D DKRA Vietnam cho rằng, các dự báo về thị trường bất động sản năm 2022 đều phải phụ thuộc vào nhiều điều kiện, yếu tố và khó lường trước những diễn biến vĩ mô, đặc biệt là tình hình phức tạp của đại dịch với biến thể mới.
Tuy vậy, vị chuyên gia này cho rằng, năm 2022, nhiều dự báo cho rằng GDP của Việt Nam có thể lên đến 6.5%, gần tương đương mức của năm 2019 trở về trước. Từ đó, thị trường bất động sản sẽ có thể diễn biến theo hướng khả quan hơn.
Cụ thể, nguồn cung mới có thể sẽ tăng hơn so với năm 2021 và có thể tương đương như năm 2019 cho tất cả các phân khúc từ căn hộ đến nhà phố/biệt thự. Riêng đất nền có thể sẽ không tăng do các dự án phân lô đang ngày càng bị siết thủ tục.
Trong nửa đầu năm 2022, nguồn cung mới và sức mua được duy trì ổn định như Quý 4/2021, có thể sẽ tăng nhẹ nhưng không quá mạnh mẽ. Trong nửa cuối năm 2022, thị trường sẽ sôi động hơn với cả nguồn cung mới và sức mua.
Theo đó, bất động sản hạng sang và siêu sang vẫn sẽ chiếm tỉ lệ lớn trong khi loại hình nhà ở vừa túi tiền đang ngày càng khan hiếm. Bất động sản nghỉ dưỡng tiếp tục phụ thuộc vào sự phát triển của du lịch.
Ông cho biết thêm, ngoài vấn đề nguồn cung, sức cầu, giá cả thì đất nền các tỉnh giáp ranh vẫn là kênh đầu tư được ưu tiên hàng đầu. Người mua chú trọng yêu cầu chất lượng sản phẩm, môi trường sống. Xu hướng áp dụng công nghệ trong giới thiệu và bán hàng trực tuyến tiếp tục phát triển. Nở rộ hình thức đầu tư chia nhỏ sản phẩm và áp dụng công nghệ,…
Cũng chia sẻ góc nhìn về thị trường BĐS năm tới, Tiến sĩ Sử Ngọc Khương, Giám đốc cấp cao Savills Việt Nam nhận định, dù đang trong bối cảnh các dự án pháp lý và bất động sản Việt Nam gặp khó khăn nhưng các nhà đầu tư trong và ngoài nước vẫn hiểu được vấn đề và họ rất kiên nhẫn trong việc tham gia thị trường vào giai đoạn này, và đây đặc biệt là kênh tích lũy cho các khoản đầu tư của họ. Dù đang trong bối cảnh dịch bệnh khó khăn nhưng bất động sản nhà ở vẫn có chiều hướng gia tăng trong nhiều khu vực, đặc biệt là các tỉnh thành phố lớn của Việt Nam.
Mặc dù vậy, nếu nền kinh tế gặp khó khăn và dịch bệnh tiếp tục gây ra những hạn chế về giãn cách xã hội (nếu có) cũng như vấn đề khác liên quan đến nền kinh tế, thì tôi nghĩ tính thanh khoản của tài sản là rủi ro lớn nhất. Đối với người dân, với khoảng tầm 1 - 3 tỷ đồng để mua một sản phẩm nhà ở tại Tp.HCM cũng là một câu chuyện lớn.
Như vậy, nếu rủi ro có xảy ra thì tính thanh khoản của sản phẩm sẽ đáng lo hơn là giá trị bị rớt giá bởi vì những sản phẩm không phù hợp với nhu cầu của đại bộ phận người dân", TS Khương cho hay.