0981 389 194 ts.dautuvakinhdoanh@gmail.com
Thứ hai, 08/11/2021 06:00 (GMT+7)

Cải cách thể chế có giúp thị trường bất động sản minh bạch?

Từ đầu năm đến nay, giá BĐS tăng từ phân khúc chung cư, đất nền, thổ cư... trên cả nước, khiến nhiều nhà đầu tư, người dân bị cuốn vào những “cơn sốt” đất đầy rủi ro, đồng thời gây thêm khó khăn về thu hút đầu tư và nhà ở cho người thu nhập thấp.

Lý giải về hiện tượng trên, Bộ Xây dựng đưa ra hàng loạt lý do: Dân số tăng, nguồn cung chưa kịp đáp ứng công nghiệp hóa, đô thị hóa; dòng vốn đầu tư chuyển dịch vào bất động sản (BĐS); chi phí đầu vào dự án BĐS tăng khiến giá thành sản phẩm tăng theo... và các địa phương ban hành bảng giá đất mới tăng 10 -15% so với năm 2020.

Ủy viên thường trực Ủy ban kinh tế của Quốc hội khóa XV Phan Đức Hiếu cho biết, cải cách thể chế sẽ giúp thị trường BĐS minh bạch, cạnh tranh hơn, từ đó sẽ có sự sàng lọc với nhà đầu tư.

tm-img-alt
Bên cạnh cải cách thể chế, các dự án BĐS cũng cần được coi là nhân tố quan trọng phục hồi kinh tế.

Tạo cơ hội và sàng lọc thị trường BĐS

Do tình hình dịch bệnh diễn biến phức tạp trong 2 năm vừa qua, thị trường BĐS có nhiều diễn biến phức tạp. Đặc biệt, BĐS khu vực miền trung trở về vùng đáy của chu kỳ thị trường.

Cùng với đó, nhà đầu tư lướt sóng dường như không còn. Nguyên nhân là họ không thể trụ nổi lãi suất của ngân hàng. Và đây là cơ hội cho những nhà đầu tư dài hạn đầu tư.

Ông Nguyễn Mạnh Hà, Phó Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản Việt Nam cho biết, do ảnh hưởng của dịch COVID-19, nguồn cung rất là thấp, kể cả TP.HCM và Hà Nội. Trong 5, 6 tháng vừa qua, các dự án BĐS không xây dựng gì được. Còn các doanh nghiệp BĐS thì không hoạt động, anh em môi giới cũng khó khăn, chuyển sang hoạt động online. 

tm-img-alt
Ông Nguyễn Mạnh Hà, Phó Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản Việt Nam. Ảnh Trọng Hiếu

Thủ tục đầu tư xây dựng thì có vướng mắc, nhất là bồi thường giải phóng mặt bằng. Bên cạnh đó, một loạt cán bộ bị vi phạm vừa qua khiến các dự án mới khởi công chững lại.

Vì vậy, ông Hà cho rằng, hiện nay nguồn cung nhà ở còn thiếu, trong đó có nhà ở cho công nhân, còn nhu cầu condotel cũng rất nhiều. Chính vì vậy, nhà nước có các biện pháp hỗ trợ doanh nghiệp BĐS phục hồi sau đại dịch COVID-19, cũng như hỗ trợ các thủ tục đầu tư nhanh gọn hơn.

"Cần coi các dự án bất động sản là nhân tố quan trọng phục hồi kinh tế, các dự án Condotel phát triển thì các thị trường khác như vật liệu xây dựng (xi măng, sắt thép)… cũng phát triển theo", ông Hà nói.

Từ đó, ông Hà đề nghị có gói tín dụng cho phân khúc nhà ở xã hội, nhà ở khu công nghiệp. Đồng thời có giải pháp sớm mở lại các đường bay, khôi phục hoạt động giao thông để đi lại, khôi phục du lịch nội địa, du lịch quốc tế chứ không đóng cửa mãi được. Đối với thủ tục đầu tư, phê duyệt dự án thì triển khai nhanh hơn để các dự án sớm khởi động trở lại nhằm làm tăng nguồn cung.

Liên quan đến các biện pháp, ông Phan Đức Hiếu, Ủy viên thường trực Ủy ban kinh tế của Quốc hội khóa XV cho rằng, trong thời gian tới, Nhà nước sẽ rất quyết liệt trong cải cách thể chế, xác định đây là 1 trong 3 đột phá chiến lược, là nhiệm vụ trọng tâm để phát triển kinh tế - xã hội. Theo đó, cải cách thể chế sẽ có tác động nhiều lĩnh vực, trong đó có lĩnh vực BĐS.

Cụ thể, Quốc hội đang thảo luận kế hoạch cơ cấu lại nền kinh tế với nhiệm vụ trọng tâm là phân bổ lại nguồn lực theo thể chế thị trường, trong đó có nguồn lực đất đai, BĐS.

tm-img-alt
Ông Phan Đức Hiếu, Ủy viên Thường trực Ủy ban Kinh tế của Quốc hội khóa XV. Ảnh Trọng Hiếu.

Cải cách thể chế sẽ giúp thị trường BĐS minh bạch, cạnh tranh hơn, từ đó sẽ có sự sàng lọc với nhà đầu tư. Đòi hỏi các nhà đầu tư phải có chiến lược kinh doanh thay đổi theo hướng minh bạch hóa, cạnh tranh, ông Hiếu giải thích.

Ngoài ra, cải cách thể chế giúp giảm bớt các rào cản, xóa bỏ rào cản pháp lý, giảm thiểu rủi ro pháp lý, giúp bảo vệ nhà đầu tư, người tiêu dùng tốt hơn. Điều này sẽ làm cho người tiêu dùng tăng niềm tin vào thị trường, giúp thị trường BĐS phát triển bền vững. Về cơ bản người tiêu dùng sẽ được hưởng lợi.

Trong chương trình kỳ họp Quốc hội Khóa XV sẽ xem xét tới cải cách thể chế, trước tiên sẽ là một luật sửa nhiều luật, Luật Đất đai, Luật Nhà ở… Như vậy, thị trường BĐS sẽ sớm được minh bạch hoá hơn, hình thành rõ các phân khúc BĐS.

Tín hiệu tốt để có một giai đoạn mới bùng nổ hơn

Phó Tổng Giám đốc khối đầu tư và phát triển quỹ đất Công ty CP Đất Xanh Miền Trung, Tổng Công ty CP Đất Xanh Miền Trung Trần Ngọc Thái cho biết, Công ty đang triển khai 19 tỉnh, thành ở miền Trung – Tây Nguyên, trong đó có 14 tỉnh thành ven biển.

Hiện nay, mỗi địa phương đang có cách nhìn nhận, xử lý về pháp lý khác nhau, từ khâu đầu tư, đấu thầu, thu hút doanh nghiệp, chính sách tháo gỡ khó khăn cho các doanh nghiệp trong thời gian bị rà soát, kiểm tra nên dẫn đến việc nhanh hay chậm trong việc triển khai dự án, ông Thái cho hay.

tm-img-alt
Ông Trần Ngọc Thái, Giám đốc Khối đầu tư và phát triển quỹ đất của Đất Xanh Miền Trung

"Vấn đề nay cần sự tháo gỡ nhanh chóng từ cấp chính quyền để tránh tình trạng nhìn nhận pháp lý ở mỗi tỉnh, thành có một quy định khác nhau, dẫn đến kết nối các địa phương, hoạt động kinh tế xã hội chưa thể bình thường trở lại", ông Thái nói.

Ông Thái đưa ra nhận định về thị trường BĐS Đà Nẵng – Quảng Nam: "Thị trường khu vực này sẽ phát triển mạnh, bởi thị trường này là trung tâm của thị trường miền Trung. Trước khi bị ảnh hưởng nặng nề bởi COVID-19, thị trường khu vực này từ tháng 4/2019 đến tháng 1/2020 đã điều chỉnh giá xuống từ 20-30%, cộng thêm đợt dịch COVID-19 giảm thêm 20-25%". 

Trong đó, luỹ kế lớn nhất có khu vực ở vùng ven Đà Nẵng giảm sâu đến 50%. Và năm 2021, chứng kiến sự hồi phục nhẹ của thị trường, đợt dịch COVID-19 thứ 4 không ảnh hưởng đến giá trị mà chỉ đi ngang. Hiện đang có tín hiệu tích cực trở lại, giao dịch bắt đầu trở lại trung bình, đây là tín hiệu tốt để chúng ta có một giai đoạn mới, sau dịch bùng nổ hơn.

Bạn đang đọc bài viết Cải cách thể chế có giúp thị trường bất động sản minh bạch?. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0981 389 194 Hoặc email: ts.dautuvakinhdoanh@gmail.com

Cùng chuyên mục

Tin mới