0981 389 194 ts.dautuvakinhdoanh@gmail.com
Thứ bảy, 06/11/2021 07:30 (GMT+7)

Hơn 80% sàn giao dịch bất động sản lao đao, quỹ lương cạn kiệt vì COVID-19

Báo cáo của Bộ Xây dựng cho thấy, đại dịch khiến hoạt động của các sàn giao dịch bất động sản chịu nhiều ảnh hưởng nặng nề. Hơn 80% sàn giao dịch không có doanh thu hoặc doanh thu rất thấp, quỹ lương ngày một cạn kiệt, buộc phải cắt giảm nhân sự.

Nhiều đơn vị gặp khó khăn, lao đao vì dịch

Thông tin của Bộ xây dựng cho thấy, trong 9 tháng đầu năm 2021, số lượng doanh nghiệp tạm dừng kinh doanh trong lĩnh vực xây dựng là 6.171 doanh nghiệp (chiếm 13,7%), số lượng doanh nghiệp xây dựng chờ giải thể là 4.091 doanh nghiệp (chiếm 12,6%).

Bên cạnh đó, số lượng doanh nghiệp kinh doanh bất động sản thành lập mới tăng 11,5% so với cùng kỳ năm 2020.

Trải qua 4 làn sóng dịch COVID-19, đặc biệt là làn sóng thứ 4 bùng phát mạnh từ mấy tháng nay khiến các doanh nghiệp gặp rất nhiều khó khăn.

tm-img-alt
Nhiều sàn giao dịch bất động sản buộc phải cắt giảm nhân sự.

Trên thị trường, do ảnh hưởng của dịch bệnh, hoạt động của các sàn giao dịch bất động sản cũng chịu nhiều ảnh hưởng nặng nề. Cụ thể, có tới 28% đơn vị nguy cơ giải thể, phá sản; 32% đang phải nỗ lực chống đỡ để duy trì và 40% còn khả năng chống đỡ nhưng không cao. Thống kê cho thấy, hiện tại, hơn 80% sàn giao dịch không có doanh thu hoặc doanh thu rất thấp. Quỹ lương ngày một cạn kiệt buộc các sàn phải cắt giảm nhân sự (cho nghỉ việc) hoặc cho tạm nghỉ việc không lương.

Thực tế cũng cho thấy, mặc dù đã chủ động, linh hoạt, thay đổi phương án kinh doanh về thích ứng, ứng dụng công nghệ, chuyển đổi số trong bán hàng nhưng với tình hình dịch bệnh trong quý III thì vẫn gặp rất nhiều khó khăn. Đặc biệt, các sàn giao dịch có quy mô vừa và nhỏ, có nguồn lực tài chính thấp, sử dụng nguồn vốn vay ngân hàng thì khó khăn càng chồng chất thêm.

Một số vẫn lãi lớn

Mặc dù trải qua 4 làn sóng dịch COVID-19, đặc biệt là làn sóng thứ 4 bùng phát mạnh từ mấy tháng qua, các doanh nghiệp gặp rất nhiều khó khăn, tuy nhiên một số doanh nghiệp BĐS vẫn có lãi lớn và chủ yếu tập trung ở nhóm doanh nghiệp đã niêm yết trên sàn chứng khoán, còn các công ty địa ốc chưa lên sàn hầu như khó có được kết quả kinh doanh tích cực.

Thời gian qua, thị trường chứng khoán tăng trưởng mạnh mẽ đã giúp doanh nghiệp BĐS niêm yết trên sàn có điều kiện thuận lợi trong việc huy động và điều phối dòng vốn, từ đó có điều kiện hoạch định và phân bổ lợi nhuận tốt hơn.

Theo ghi nhận, những tháng cuối năm 2021, nhiều doanh nghiệp BĐS lớn đã đẩy mạnh kế hoạch, hoạt động đầu tư kinh doanh. Nhận định về thị trường bất động sản, Bộ Xây dựng vẫn cho rằng, đây là kênh đầu tư an toàn, bền vững trong dài hạn. Cụ thể, nếu dịch bệnh COVID-19 được kiểm soát tốt thì thanh khoản bất động sản sẽ tăng trở lại, kéo theo giá cả có thể tăng nhẹ do nguồn cung còn hạn chế mà nhu cầu nhà ở vẫn cao, giá nguyên vật liệu, nhân công… tăng.

Để tiếp tục tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy tăng trưởng thị trường bất động sản, Bộ Xây dựng cho biết sẽ tập trung nghiên cứu, rà soát sửa đổi Luật Nhà ở, Luật Kinh doanh bất động sản; nghiên cứu, trình ban hành và triển khai thực hiện tốt Chiến lược phát triển nhà ở quốc gia đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2040, ổn định và cân đối cung cầu nhà ở góp phần ổn định thị trường bất động sản.

Bộ Xây dựng đề nghị các bộ, ngành liên quan nghiên cứu, đề xuất bố trí gói tín dụng để hỗ trợ phát triển nhà ở xã hội theo phương thức cấp bù lãi suất cho Ngân hàng Chính sách và các ngân hàng thương mại để thực hiện phát triển nhà ở xã hội theo quy định của pháp luật nhà ở hiện hành, pháp luật về đầu tư công trong kế hoạch đầu tư công trung hạn 2021-2025.

5 kiến nghị hỗ trợ từ Hội môi giới BĐS Việt Nam

Hội môi giới Bất động sản Việt Nam đã đề nghị Bộ Xây Dựng và các ban ngành liên quan quan tâm xem xét, trình Chính Phủ điều chỉnh chính sách vĩ mô để kịp thời hỗ trợ các doanh nghiệp đầu tư, kinh doanh dịch vụ bất động sản, nhà môi giới bất động sản gặp khó khăn bởi dịch COVID-19, cụ thể:

Thứ nhất, bổ sung nhóm ngành bất động sản trong đó có ngành dịch vụ môi giới bất động sản cần được xác định là nhóm ngành được hưởng đầy đủ các chính sách hỗ trợ từ chính sách của nhà nước.

Thứ hai, được hoãn, giãn thời hạn nộp các khoản thuế phải nộp, các khoản BHXH, các nghĩa vụ khác đối với nhà nước để doanh nghiệp có nguồn tiền hỗ trợ lao động cũng như đồng hành cùng với chính quyền trong chống dịch. Cụ thể là bổ sung ngành kinh doanh bất động sản vào "Điều 2. Đối tượng áp dụng" trong Nghị định 52/2021/NĐ-CP ngày 19/4/2021 về gia hạn thời hạn nộp thuế giá trị gia tăng, thuế thu nhập doanh nghiệp, thuế thu nhập cá nhân và tiền thuê đất trong năm 2021 của Chính Phủ.

Thứ ba, sớm ban hành Nghị quyết về miễn, giảm thuế hỗ trợ người dân, doanh nghiệp bị ảnh hưởng bởi COVID-19. Trong đó, giảm 50% thuế thu nhập cho doanh nghiệp Sàn giao dịch bất động sản có phát sinh từ tháng 5 đến hết năm 2021 để có điều kiện sớm phục hồi sản xuất kinh doanh.

Thứ tư, có chính sách để các ngân hàng giảm tiến độ trả nợ, điều chỉnh lãi suất hợp lý, giúp doanh nghiệp giảm bớt áp lực cho phí và chống đỡ khó khăn trong thời gian bị ảnh hưởng bởi COVID-19.

Thứ năm, thúc đẩy mạnh hơn, nhanh hơn chương trình điều chỉnh tháo gỡ vướng mắc trong quy trình pháp luật đối với thủ tục đầu tư nhằm cải thiện giải quyết thủ tục hành chính các dự án đầu tư bất động sản làm tăng nguồn cung cho thị trường và kích thích hoạt động đầu tư cho toàn xã hội.

Bạn đang đọc bài viết Hơn 80% sàn giao dịch bất động sản lao đao, quỹ lương cạn kiệt vì COVID-19. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0981 389 194 Hoặc email: ts.dautuvakinhdoanh@gmail.com

Cùng chuyên mục

Tin mới