0981 389 194 ts.dautuvakinhdoanh@gmail.com
Thứ hai, 16/05/2022 07:25 (GMT+7)

Bức tranh thị trường nhà ở xã hội quý I ra sao?

Trong quý I, cả nước chỉ cấp phép mới cho 3 dự án nhà ở xã hội (NƠXH) nhưng lại có đến gần 40 dự án nhà ở thương mại được cấp phép mới.

Báo cáo mới đây của Bộ Xây dựng, trong quý I/2022, cả nước có 4 dự án NƠXH hoàn thành, 98 dự án đang triển khai, các sở xây dựng ban hành văn bản thông báo đủ điều kiện bán nhà ở trong tương lai 9 dự án.

Đáng chú ý, trong khoảng thời gian này cả nước chỉ có 3 dự án NƠXH cấp phép mới, quy mô gần 1.200 căn tại Lạng Sơn, Phú Thọ và Quảng Ninh, nhưng lại có đến 39 dự án nhà ở thương mại quy mô gần 18.700 căn hộ được cấp phép mới.

“Việc lập và phê duyệt chương trình, kế hoạch phát triển nhà ở của các địa phương làm cơ sở triển khai các dự án nhà ở theo quy định của Luật Nhà ở còn chậm, chưa đảm bảo yêu cầu theo quy định dẫn đến thị trường thiếu nguồn cung ở một số phân khúc, đặc biệt số lượng dự án NƠXH được cấp phép xây dựng, hoàn thành đưa vào sử dụng đều hạn chế, có xu hướng giảm” - đại diện Bộ Xây dựng cho hay.

Bức tranh thị trường nhà ở xã hội quý I ra sao? - Ảnh 1
NƠXH phát triển chậm, không đáp ứng được với nhu cầu thực tế.

Cũng theo đại diện Bộ Xây dựng, đến hết năm 2021, cả nước đã hoàn thành 266 dự án với hơn 142.000 căn NƠXH, tổng diện tích hơn 7,1 triệu mét vuông sàn (bao gồm cả nhà thu nhập thấp và nhà công nhân). Tuy nhiên, vẫn còn quá chậm so với yêu cầu đề ra trong Chiến lược phát triển nhà ở quốc gia đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030 đặt mục tiêu đến năm 2020 cần 12,5 triệu mét vuông sàn.

Hiện nay, cả nước có 214 dự án nhà ở dành cho công nhân với quy mô sử dụng đất khoảng 600ha, nhưng đến thời điểm này mới chỉ có 116 dự án hoàn thành với diện tích đất hơn 250ha, còn 98 dự án chậm tiến độ, 575 khu công nghiệp đang hoạt động đang thiếu hụt nghiêm trọng hạ tầng xã hội cho người lao động, nhất là nhà ở. Nhiều thiết chế văn hóa, hạ tầng xã hội như nhà văn hóa, trường học, trạm y tế, phòng khám, khu vui chơi giải trí... chưa được đầu tư, xây dựng.

Việc thiếu hụt nhà ở khiến phần lớn công nhân phải thuê trọ sinh sống ở nơi chật chội, điều kiện không đảm bảo. Khi dịch Covid-19 bùng phát thời gian qua, hàng vạn người lao động bỏ việc về quê, gây thiếu hụt nguồn lao động sản xuất trong các khu công nghiệp, đã phơi bày hết những hạn chế của công tác phát triển NƠXH.

Xoay quanh vấn đề này, Phó Cục trưởng Cục Quản lý nhà và thị trường BĐS (Bộ Xây dựng) Nguyễn Mạnh Khởi cho biết, chính sách phát triển NƠXH là một nội dung quan trọng trong việc sửa đổi Luật Nhà ở, cụ thể như vấn đề xác định mô hình đầu tư xây dựng NƠXH. Tên gọi không quan trọng mà ở chỗ cách thức xác định, nội hàm sản phẩm. Sản phẩm nào cho thuê, vừa bán vừa cho thuê? Xác định rõ mô hình phát triển nhà ở do Nhà nước quy định như: Nhà ở cho công nhân phải có chế định riêng hay mô hình nhà ở cho người dân trong đô thị cũng khác.

“Bộ Xây dựng đang tiếp tục nghiên cứu, tiếp thu ý kiến để hoàn thiện sửa đổi các dự án Luật Nhà ở, Luật Kinh doanh BĐS. Cả hai luật này đều có những nội dung liên quan đến nhiều luật khác, đặc biệt là Luật Đất đai. Có những vấn đề cần phải báo cáo Bộ Chính trị, thậm chí Quốc hội sẽ phải bỏ phiếu riêng để quyết định một số vấn đề đưa vào các bộ luật”, ông Nguyễn Mạnh khởi nói.

Dự báo giai đoạn 2021 - 2025 nhu cầu về NƠXH cả nước cần khoảng 294.600 căn với tổng mức đầu tư khoảng 220.000 tỷ đồng. Để đáp ứng nhu cầu rất lớn trên, nhiều chuyên gia kiến nghị cần sớm sửa đổi Luật Nhà ở năm 2014, Luật Kinh doanh BĐS 2014 nhằm tháo gỡ vướng mắc, bất cập trong thực hiện chính sách về NƠXH, nhà ở công nhân, đảm bảo cho chủ đầu tư dự án được hưởng ưu đãi thực chất.

Xuân Hòa

Bạn đang đọc bài viết Bức tranh thị trường nhà ở xã hội quý I ra sao?. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0981 389 194 Hoặc email: ts.dautuvakinhdoanh@gmail.com

Cùng chuyên mục

Tin mới