0915 15 67 76 [email protected]
Thứ ba, 03/05/2022 13:30 (GMT+7)

Nhà ở giá rẻ cho công nhân: Chủ trương và hiện thực

Mặc dù đạt những kết quả bước đầu nhưng cần phải thẳng thắn nhìn nhận, thực tế phát triển nhà ở giá rẻ cho công nhân tại các khu công nghiệp chưa đáp ứng được nhu cầu.

Chủ trương đúng đắn

Việc phát triển nhà ở giá rẻ, nhà ở xã hội (NƠXH), đặc biệt là cho công nhân luôn nhận được sự quan tâm của Đảng và Nhà nước. Bởi đây là một vấn đề xã hội, một nhiệm vụ trọng tâm phát triển kinh tế - xã hội.

Để thúc đẩy việc phát triển NƠXH, nhất là nhà ở cho công nhân, nhằm hoàn thành cơ bản các mục tiêu về phát triển nhà ở xã hội đã được đề ra trong Chiến lược phát triển nhà ở quốc gia đến năm 2020 và tầm nhìn đến năm 2030, Chỉ thị 03/CT-TTg Thủ tướng Chính phủ đã nêu rõ:

Các Bộ, ngành và Tỉnh ủy, Thành ủy, Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương phải có quyết tâm và xác định việc phát triển NƠXH, nhất là nhà ở cho công nhân là một nhiệm vụ chính trị, trong đó chính quyền địa phương là cấp quyết định sự thành công của chương trình phát triển NƠXH, nhất là nhà ở cho công nhân.

Nhà ở giá rẻ cho công nhân: Chủ trương và hiện thực - Ảnh 1
Một khu nhà ở giá rẻ cho công nhân tại TP.HCM.

Nhiệm vụ phát triển NƠXH, nhất là nhà ở cho công nhân là của nhà nước, xã hội và người dân, vì vậy Thủ tướng yêu cầu Chủ tịch Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương phải có trách nhiệm tạo môi trường thuận lợi về đất đai, thủ tục hành chính... để huy động các doanh nghiệp kinh doanh bất động sản, doanh nghiệp có sử dụng nhiều lao động và người dân tham gia đầu tư phát triển NƠXH, đặc biệt là nhà ở cho công nhân tại các khu kinh tế, khu công nghiệp (KCN), cụm công nghiệp trên địa bàn tỉnh, thành phố để cho người dân, công nhân lao động được thuê, thuê mua và mua để cải thiện chỗ ở.

Nâng cao chất lượng NƠXH, nhất là nhà ở cho công nhân, có cơ cấu sản phẩm nhà ở phù hợp, bảo đảm các điều kiện hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội, thiết yếu về giao thông, y tế, giáo dục, văn hóa của các dự án xây dựng nhà ở xã hội ở đô thị và khu công nghiệp.

Để hoàn thiện thể chế, bổ sung, điều chỉnh cơ chế chính sách phát triển NƠXH, nhà ở cho công nhân phù hợp với tình hình mới Thủ tướng cũng yêu cầu Bộ Xây dựng chủ trì, phối hợp với các Bộ, ngành liên quan tiếp tục nghiên cứu, hoàn thiện thể chế, bổ sung các cơ chế, chính sách để thúc đẩy việc phát triển NƠXH, bảo đảm phù hợp với điều kiện kinh tế - xã hội của đất nước và khả năng chi trả của từng đối tượng. Tập trung thúc đẩy phát triển nhà ở cho công nhân khu công nghiệp, người có thu nhập thấp ở đô thị. Nghiên cứu bổ sung cơ chế chính sách khuyến khích xây dựng nhà ở cho thuê, nhà ở thương mại giá thấp.

Cung không đủ cầu

Hiện nay, Việt Nam có trên 16 triệu công nhân, hằng năm đang trực tiếp sản xuất, tạo ra trên 60% tổng sản phẩm trong nước và đóng góp 70% ngân sách Nhà nước. Vấn đề đảm bảo an sinh xã hội cho công nhân là yếu tố quan trọng để mang lại hiệu quả sản xuất, đem đến sự phát triển bền vững cho doanh nghiệp.

Tuy nhiên, KCN vẫn còn xảy ra tình trạng thiếu hụt hạ tầng xã hội cho người lao động, thiếu nhà ở cho công nhân. Việc thiếu nhà ở cho công nhân các KCN dẫn đến thực trạng công nhân phải di chuyển xa, doanh nghiệp sử dụng lao động phải bố trí xe đưa đón công nhân, gây tốn thời gian và chi phí. Công nhân phải thuê trọ trong những khu nhà tạm, không đủ điều kiện sinh hoạt tối thiểu. Đặc biệt, tại một số địa phương, số lượng công nhân ở trọ lên tới hàng vạn người, làm gia tăng mật độ dân số, tạo sức ép lên hạ tầng kỹ thuật, xã hội.

Đối với việc quy hoạch quỹ đất làm NƠXH cho công nhân khu công nghiệp, tổng hợp chương trình, kế hoạch phát triển nhà ở và báo cáo của các địa phương thì mục tiêu đến năm 2020, cả nước dành khoảng 600 ha đất làm NƠXH cho công nhân khu công nghiệp. Tuy nhiên trên thực tế, tính đến tháng 11/2021 cả nước có 214 dự án nhà ở dành cho công nhân với quy mô sử dụng đất khoảng 600 ha (trong đó đã hoàn thành 116 dự án với diện tích đất hơn 250 ha và đang tiếp tục triển khai 98 dự án với diện tích đất hơn 350 ha).

Theo đánh giá của Cục Quản lý nhà và thị trường bất động sản, việc dành quỹ đất làm nhà ở cho công nhân khu công nghiệp cơ bản đạt mục tiêu đề ra, thế nhưng mới chỉ có khoảng 41% diện tích đất được đầu tư xây dựng đưa vào sử dụng.

Nhà ở giá rẻ cho công nhân: Chủ trương và hiện thực - Ảnh 2
Việc phát triển nhà ở giá rẻ, nhà ở xã hội cho công nhân luôn nhận được sự quan tâm của Đảng và Nhà nước. Ảnh minh họa.

Chuyên gia kiến nghị

Nhằm tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc, qua đó thúc đẩy loại hình nhà ở công nhân trong khu công nghiệp phát triển hơn nữa trong thời gian tới, PGS.TS Lưu Đức Cường, Viện trưởng Viện Quy hoạch đô thị và nông thôn quốc gia (Bộ Xây dựng) nhấn mạnh, để giải quyết bài toán về nhà ở cho công nhân, cần đưa ra một hệ thống giải pháp tổng hợp, đa ngành, cụ thể là, đưa danh mục phát triển NƠXH, trong đó có nhà ở công nhân khu công nghiệp vào danh mục đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025.

Ông Cường đề xuất bổ sung gói tín dụng cho các chủ đầu tư NƠXH cho công nhân, góp phần bảo đảm "mục tiêu kép"; bảo đảm an sinh xã hội, nhà ở cho các đối tượng yếu thế (người thu nhập thấp, công nhân); thúc đẩy phục hồi và phát triển kinh tế bền vững, tháo gỡ khó khăn cho các doanh nghiệp gắn với hỗ trợ phát triển thị trường nhà ở và bất động sản.

Theo Lãnh đạo Viện Quy hoạch đô thị và nông thôn quốc gia, trong khi chờ các giải pháp tổng thể, các địa phương cần rà soát đối với các khu công nghiệp, nếu chưa sử dụng hết diện tích đất công nghiệp thì đề nghị cho điều chỉnh quy hoạch để dành phần diện tích đất đầu tư xây dựng nhà lưu trú công nhân.

Đồng quan điểm, PGS.TS Vũ Ngọc Anh, Vụ trưởng Vụ Khoa học công nghệ môi trường (Bộ Xây dựng) yêu cầu, phải đặt vai trò của người lao động lên ưu tiên hàng đầu. Trong thời gian tới, tất cả các cấp chính quyền cũng như doanh nghiệp cần nghiên cứu giải pháp cụ thể nhằm giải quyết nhu cầu về nhà ở của công nhân một cách thực chất nhất.

"Quan trọng không kém là sửa đổi, bổ sung các văn bản quy phạm pháp luật như đất đai, nhà ở, quy hoạch để bảo đảm người lao động được hưởng thành quả. Chúng ta không nên đề cao lợi nhuận, cần phải ưu tiên những giá trị cốt lõi phục vụ cho xã hội, chính là xây dựng nhà ở để công nhân lao động an tâm sản xuất", Vụ trưởng Vụ Khoa học công nghệ môi trường nêu quan điểm.

Cùng đưa ra ý kiến về vấn đề này, Đại diện Công đoàn Xây dựng Việt Nam kiến nghị cần có quy định cụ thể và kiểm soát chặt chẽ đối tượng được mua, thuê mua, thuê nhà tại các dự án NƠXH cho công nhân, bảo đảm các dự án NƠXH cho công nhân thì chỉ dành cho đối tượng là công nhân, tránh tình trạng không đúng đối tượng được mua với mục đích đầu cơ, kiếm lời.

Đồng thời, đại diện Công đoàn Xây dựng Việt Nam cho rằng, trước khi triển khai dự án NƠXH cho công nhân, cần tiến hành khảo sát, nắm chắc nhu cầu về nhà ở của công nhân trên địa bàn để có cơ cấu hợp lý giữa căn hộ để bán và cho thuê. Cần thiết kế căn hộ hợp lý với từng đối tượng khách hàng là hộ gia đình, người độc thân; có chính sách giá bán, giá cho thuê phù hợp với đối tượng là công nhân, người có thu nhập thấp.

Tính đến thời điểm cuối tháng 9/2021, cả nước đã hoàn thành 266 dự án nhà ở xã hội khu vực đô thị, quy mô xây dựng khoảng hơn 142.000 căn, với tổng diện tích hơn 7.100.000 m2 (đạt khoảng 56,8 % so với mục tiêu đề ra trong Chiến lược phát triển nhà ở quốc gia đến năm 2020); đang tiếp tục triển khai 278 dự án, với quy mô xây dựng khoảng 274.000 căn, với tổng diện tích khoảng 13.800.000 m2.

Riêng nhà ở xã hội dành cho công nhân KCN, đến nay đã hoàn thành đầu tư xây dựng 121 dự án với quy mô xây dựng khoảng 54.000 căn hộ có tổng diện tích 2.700.000 m2; đang tiếp tục triển khai 100 dự án quy mô xây dựng khoảng 134.000 căn, tổng diện tích 6.700.000 m2 với tổng mức đầu tư khoảng 67.000 tỷ đồng. Tuy nhiên, so với thực tế, nguồn cung này còn rất hạn chế và chưa đáp ứng được nhu cầu rất lớn về chỗ ở của công nhân tại các KCN.

Hoàng Hải

Bạn đang đọc bài viết Nhà ở giá rẻ cho công nhân: Chủ trương và hiện thực. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0915 15 67 76 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Bảo đảm quỹ đất cho dự án trọng điểm, cấp bách
Chiều 5/3, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà đã làm việc trực tiếp, trực tuyến với các bộ, ngành, địa phương về dự thảo quyết định điều chỉnh phân bổ chỉ tiêu sử dụng đất đến năm 2025 được Thủ tướng Chính phủ phân bổ tại Quyết định số 326/QĐ-TTg.
5 nhóm vấn đề mới của Luật Đất đai (sửa đổi)
Tại họp báo công bố kết quả Kỳ họp bất thường lần thứ Năm, Quốc hội Khóa XV, Ủy viên Thường trực Phan Đức Hiếu cho biết, Luật Đất đai (sửa đổi) vừa được thông qua tại Kỳ họp bất thường lần thứ 5 đã có nhiều điểm mới, tập trung vào 5 nhóm vấn đề.

Tin mới

GDP quý I/2024 tăng 5,66%
Tổng sản phẩm trong nước (GDP) quý I/2024 ước tính tăng 5,66% so với cùng kỳ năm trước, cao hơn tốc độ tăng của quý I các năm 2020-2023.