0981 389 194 ts.dautuvakinhdoanh@gmail.com
Thứ tư, 13/09/2023 09:28 (GMT+7)

Bình Thuận: Phát triển công nghiệp thành mũi nhọn kinh tế

Kinh tế du lịch từ lâu đã được xác định là ngành kinh tế mũi nhọn của Bình Thuận. Bên cạnh đó, địa phương này còn sở hữu nhiều ưu thế nội tại phù hợp cho việc đưa công nghiệp trở thành một mũi nhọn kinh tế đi song hành với phát triển du lịch.

Nằm tại vị trí cửa ngõ kết nối giao lưu kinh tế - xã hội giữa khu vực duyên hải Nam Trung bộ và các tỉnh thuộc vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, Bình Thuận sở hữu hạ thầng giao thông đồng bộ tuyến cao tốc Vĩnh Hảo - Phan Thiết, Phan Thiết - Dầu Giây đã đi vào hoạt động được xem như tuyến giao thông huyết mạch của khu vực phía Nam, giúp cho Bình Thuận kết nối thuận tiện với TP. HCM và Phan Thiết, từ đó kết nối tới sân bay Tân Sơn Nhất, trong tương lai là sân bay Long Thành, sân bay Phan Thiết.

Bình Thuận: Phát triển công nghiệp thành mũi nhọn kinh tế - Ảnh 1
Cụm Công Nghiệp Dona Standard Nam Hà (huyện Đức Linh, tỉnh Bình Thuận).

Đặc biệt, sân bay Long Thành lọt top 16 dự án sân bay được mong chờ nhất Thế giới, có ý nghĩa đặc biệt quan trong trong phát triển kinh tế xã hội, bảo đảm quốc phòng an ninh quốc gia.

Về lực lượng lao động, Bình Thuận sở hữu số người lao động dồi dào với hơn 670.000 người. Trong đó, 659.729 người từ 15 tuổi trở lên đang làm việc trong nền kinh tế. Nguồn lao động này ảnh hưởng quan trọng trong quyết định đầu tư của các doanh nghiệp. Bởi, nguồn lao động dồi dào, có tay nghề sẽ rút ngắn thời gian đào tạo, cải thiện hiệu suất công việc.

Những điều kiện thuận lợi của Bình Thuận cho phép địa phương này thuận lợi thu hút được đầu tư của nhiều doanh nghiệp lớn. Đến nay, toàn tỉnh Bình Thuận có 9 khu công nghiệp với tổng diện tích hơn 3.000 ha. Trong đó, 6 khu công nghiệp đã đầu tư xây dựng hạ tầng, đảm bảo phù hợp cho các doanh nghiệp đến đầu tư. Ba khu công nghiệp còn lại đang trong giai đoạn chuẩn bị đầu tư.

Hiện địa phương này đang chứng kiến sự hiện diện có nhiều doanh nghiệp lớn như Becamex- Vsip, Sonadezi, IPICO, Tập đoàn AES, PV Gas, Power PLC (Anh), Sojitz (Nhật Bản)…Theo thông tin từ Ban quản lý các khu công nghiệp Bình Thuận, 6 tháng đầu năm, các khu công nghiệp Bình Thuận thu hút được 2 dự án đầu tư mới với tổng vốn đầu tư đăng lý là 995 tỷ đồng và 3,6 triệu USD. Đây cũng sẽ là “hấp lực” uy tín thu hút thêm đầu tư công nghiệp tại Bình Thuận, hiện thực mục tiêu phát triển công nghiệp lớn mạnh, tương tự như Bình Dương, Đồng Nai trước đây.

Đức Linh: “Ngôi sao sáng” trong phát triển công nghiệp

Theo thống kê năm 2022, huyện Đức Linh sở hữu 300 ha diện tích các khu công nghiệp và cụm công nghiệp. Trong số đó phải kể đến các cụm công nghiệp lớn như: Cụm công nghiệp Nam Hà 1,2 (70,4ha, 74ha), Đông Hà (38,4ha)… Dự kiến năm 2030, huyện Đức Linh quy hoạch và thành lập 9 cụm công nghiệp với diện tích gần 500 ha, phấn đấu nâng lên 12 cụm công nghiệp có diện tích 706,5 ha vào năm 2050, kỳ vọng trở thành thủ phủ công nghiệp của khu vực Nam Trung bộ nói chung và tỉnh Bình Thuận nói riêng.

Đức Linh được xem là trọng tâm phát triển công nghiệp là do tận dụng nhiều thế mạnh về điều kiện tự nhiên và cơ sở hạ tầng. Huyện này nằm tại vị trí trung tâm tiếp giáp với nhiều khu công nghiệp, cụm công nghiệp. Phía Bắc giáp khu công nghiệp Võ Xu, Tánh Linh, phía Tây giáp khu công nghiệp Long Khánh, Xuân Lộc, phía Nam giáp La Gi (khu công nghiệp Becamex).

Bên cạnh đó, Đức Linh là vùng có nguồn nhân lực dồi dào, có trình độ. Địa thế xa biển, diện tích đất bằng lớn, những dãy núi bao quanh, cho phép các nhà máy, xí nghiệp hoạt động hạn chế việc bị hao mòn cơ sở vật chất, khấu hao máy móc, thiết bị.

Xét về hạ tầng giao thông, Đức Linh có hệ thống giao thông đa dạng gồm hệ thống nhiều đường cao tốc, kết nối nhanh chóng tới sân bay, cảng biển lớn: 1h tới sân bay Long Thành, 2h tới cảng Cái Mép Thị Vải và Phú Mỹ.

Trong đó, cảng Phú Mỹ đang là cảng nước sâu đón những con tàu siêu trọng tải, trực tiếp vận chuyển hàng hoá tới các quốc gia Âu – Mỹ mà không qua trạm trung chuyển quốc tế. Cảng Cái Mép – Thị Vải được quy hoạch trở thành “siêu cảng” của ở vùng kinh tế trọng điểm phía Nam.

Đức Linh còn có lợi thế quỹ đất rộng và được ví như “thỏi nam châm” thu hút nhiều nhà đầu tư đến đặt nhà máy sản xuất. Đơn cử như cụm công nghiệp Nam Hà đã ký hợp đồng thuê với Công ty Dona Standard - Công ty thành viên của Tập đoàn Phong Thái chuyên sản xuất và gia công giày Nike tại châu Á với tổng mức đầu tư là 140 triệu đô.

Giai đoạn 1 của cụm công nghiệp Nam Hà sẽ được vận hành vào tháng 10/2023, tạo việc làm cho khoảng 10.000 lao động. Việc này gia tăng uy tín và năng lực cạnh tranh của Đức Linh, giúp địa phương này tiếp tục thu hút đầu tư, vận dụng thế mạnh để phát triển công nghiệp, trở thành “điểm sáng” trong bức tranh kinh tế Bình Thuận.

Theo thống kê năm 2022, tỉ trọng kinh tế của công nghiệp chiếm 33,5% tỷ trọng cơ cấu kinh tế GRDP của tỉnh Bình Thuận.

Để thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng công nghiệp hóa, Tỉnh ủy Bình Thuận đã ban hành Chương trình hành động để triển khai thực hiện hướng tới xây dựng Bình Thuận trở thành tỉnh công nghiệp phát triển theo hướng hiện đại, bền vững, thân thiện môi trường.

Theo đó, Tỉnh ủy Bình Thuận đặt ra mục tiêu cụ thể đến năm 2030: Tốc độ tăng trưởng GRDP bình quân thời kỳ 2021 - 2030 đạt từ 7,5 - 8,0%. GRDP bình quân đầu người đạt từ 7.800 - 8.000 USD.

Đồng thời, tỷ trọng công nghiệp chế biến, chế tạo trong GRDP của tỉnh đạt từ 18 - 20%; Tỷ trọng kinh tế số chiếm tỷ trọng trong GRDP của tỉnh đạt khoảng 30%; Tốc độ tăng trưởng giá trị gia tăng công nghiệp đạt bình quân từ 1,5 – 13%/năm (giai đoạn 2021 - 2025 tăng từ 11,5 - 12,5%/năm; giai đoạn 2026 – 2030 tăng 13%/năm), trong đó công nghiệp chế biến, chế tạo đạt bình quân trên 10%/năm…

Yến Thanh

Bạn đang đọc bài viết Bình Thuận: Phát triển công nghiệp thành mũi nhọn kinh tế. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0981 389 194 Hoặc email: ts.dautuvakinhdoanh@gmail.com

Cùng chuyên mục

Tin mới