Bất động sản sẽ ra sao trước cơn bão vật liệu tăng giá?
Khảo sát thị trường cho thấy mặt bằng chung các loại vật liệu xây dựng tăng khoảng 25% so với đầu năm. Trong đó, tăng cao nhất là sắt, thép xây dựng, điều này cũng ảnh hưởng lớn đến thị trường bất động sản.
Giá nguyên vật liệu leo thang
Đây là nhận định chung của các thành viên thị trường khi cơn bão giá vật liệu tăng chưa qua thì nỗi lo thiếu hụt lao động đã tới sau giãn cách, thị trường bất động sản (BĐS) đang phải đối mặt với thách thức.
Trong khi 3 tháng cuối năm, các doanh nghiệp xây dựng tiếp tục đứng trước thách thức lớn do giá cả nhiều vật liệu như thép, cát, xi măng... tăng cao. Trước tình hình này, nhiều chủ đầu tư BĐS lo ngại chi phí đầu vào tăng cao sẽ ảnh hưởng đến giá thành nhà ở trong thời gian tới cũng như tiến độ xây dựng của các công trình.
TP.HCM nới lỏng giãn cách đã hơn một tháng, hoạt động mua bán vật liệu xây dựng, nhất là các mặt hàng sắt, thép tại nhiều doanh nghiệp vẫn khá trầm lắng. Khách hàng lưỡng lự khi giá các loại vật liệu xây dựng do nhà sản xuất đưa ra liên tục tăng, dẫn đến lượng bán ra của các cửa hàng vật liệu xây dựng giảm mạnh. Theo số liệu từ Viện Kinh tế Xây dựng, giá vật liệu xây dựng quý III/2021 tăng khoảng 10-20% so với cùng kỳ năm 2020.
Giá nhựa đường dự báo quý IV vẫn tiếp tục tăng nhẹ 3-5% do việc vận chuyển khó khăn và dịch COVID-19 ở các nước châu Á vẫn chưa được kiểm soát. Còn theo báo cáo của Bộ Xây dựng, chỉ số giá xây dựng trong 6 tháng đầu năm 2021 tăng 3,82% so với cùng kỳ năm 2020, trong đó tác động chính là do sự tăng giá của các VLXD đầu vào như: Giá thép xây dựng tăng 30-40%; giá nhựa đường tăng 9-10%; giá xi măng tăng 3-5%.
Thống kê của Hiệp hội Nhà thầu xây dựng Việt Nam, chỉ riêng tháng 10, nhiều doanh nghiệp thép đã điều chỉnh mức tăng giá bán khoảng 17.00 -192.000 đồng/kg thép. Trước đó giá các loại kính cũng tăng hơn 30% so với đầu năm 2021. Tương tự, giá xi măng cũng tăng trung bình từ 80.000-100.000 đồng/tấn.
Song song với giá nguyên vật liệu tăng cao thì hiện nay, nhiều công trình vẫn chưa thể thi công trở lại do thiếu lao động. Lãnh đạo một doanh nghiệp BĐS tại TP. Thủ Đức chia sẻ, sau khi tái khởi động, doanh nghiệp này đang ưu tiên hoàn thiện tiến độ các dự án dang dở, tuy nhiên vấn đề gặp phải không chỉ là chi phí vật liệu leo thang mà còn thiếu hụt nhân công nghiêm trọng.
Nhiều người lao động của nhà thầu này đã phải tạm nghỉ việc và trở về quê, chi phí đảm đảo an toàn cho lao động, xét nghiệm thường xuyên cũng làm doanh nghiệp tiêu tốn nhiều hơn. Hiện nay, số công nhân này chưa thể quay trở lại để tiếp tục công việc gây ảnh hưởng đến tiến độ công trình, giá xăng tăng, chi phí vận chuyển tăng cao vì phải qua nhiều khâu kiểm duyệt khiến áp lực nhà thầu rất lớn.
Giá nhà ở cũng nguy cơ bị "đội" theo
Việc giá vật liệu, đặc biệt là giá thép tăng vọt làm chi phí xây dựng tăng mạnh sẽ giảm lợi nhuận đối với doanh nghiệp ngành xây dựng dân dụng. Đối với các công trình của công ty làm hợp đồng với phía chủ đầu tư theo dạng khoán trọn gói thì tùy vào hợp đồng, khi giá thép tăng, phía nhà thầu phải chịu. Bên cạnh đó, việc giá vật liệu xây dựng tăng mạnh sẽ buộc chủ đầu tư phải tăng giá bán căn hộ.
Mặt khác, hiện nay thị trường mới từng bước phục hồi sau dịch, lượng khách hàng còn chưa nhiều và tâm lý người mua còn nhiều nghi ngại, nếu tăng giá ngay lúc này sẽ khiến không ít người khó khăn và ảnh hưởng thanh khoản. Vậy nên nhiều chủ đầu tư buộc lòng phải cắt giảm lợi nhuận để giữ giá bán và kéo khách hàng.
Hiện các nhà thầu xây dựng đều vấp phải khó khăn mà không có cách tháo gỡ do trước đó đã ký với chủ đầu tư hợp đồng đơn giá cố định và không điều chỉnh ở thời điểm ký, trừ trường hợp bất khả kháng. Do đó, giá vật liệu có tăng đến bao nhiêu, nhiều doanh nghiệp vẫn phải chấp nhận thua lỗ thi công để đảm bảo đúng tiến độ trong hợp đồng, lãnh đạo một công ty xây dựng cho hay.
Tổng giám đốc Phú Đông Group ông Ngô Quang Phúc cho biết, trong một dự án chi phí sắt thép chiếm khoảng 15-20%. Với sản phẩm BĐS, tất cả chi phí này sẽ được tính vào giá bán và khách mua nhà phải gánh. Do đó, giá sắt thép tăng lên 40-50% buộc chủ đầu tư phải điều chỉnh giá bán thêm 5-10%, thậm chí 15%. Trường hợp không điều chỉnh giá bán, chủ đầu tư phải chấp nhận giảm kỳ vọng lợi nhuận xuống.
Khi chi phí nguyên vật liệu đầu vào tăng cao sẽ đẩy chi phí xây dựng tăng lên, cấu thành vào giá bán, điều đó bắt buộc chủ đầu tư phải điều chỉnh giá tăng lên. Với các dự án chưa công bố bán hàng, chưa khởi công xây dựng, chủ đầu tư vẫn còn đủ thời gian để điều chỉnh giá bán. Riêng với những dự án đã khởi công xây dựng và đang trong quá trình triển khai, chủ đầu tư sẽ phải chịu thiệt thòi về lợi nhuận, ông Phúc chia sẻ.
Giá vật liệu xây dựng tăng phi mã thời gian qua đã kéo theo căn hộ chung cư tăng 4-6%. Dự báo giá sẽ còn tăng từ 10-15% trong thời gian tới, theo Hội Môi giới BĐS Việt Nam nhận định.
Vào hồi đầu tháng 10 vừa qua, ông Nguyễn Lĩnh Nam, Giám đốc Công ty cổ phần Kiến trúc xây dựng Center cho biết, ông cũng đang “đau đầu” về sự biến động giá của các nguyên vật liệu trên thị trường hiện nay.
Sau khi TP.HCM nới lỏng giãn cách, Công ty cũng tái khởi động. Tuy nhiên, khi ông liên hệ với các công ty/cửa hàng cung cấp vật tư thì đều nhận được bảng giá mới, tăng cao hơn so với trước giãn cách, chẳng hạn giá các thiết bị điện của hãng Panasonic tăng từ 3-5% so với thời điểm tháng 5/2021, các vật liệu khác như cát, đá, xi măng, gạch… giá còn tăng cao hơn, ông Nam cho biết.
“Chỉ trong 3 tháng mà sản phẩm gạch ống dùng để xây dựng tăng từ 850-900 đồng/viên lên 1.100-1.200 đồng/viên. Như vậy, riêng tiền gạch xây dựng cho một công trình nhà phố có kích thước 4 x18 m, 3 tầng, sẽ tăng từ 54 triệu đồng lên 72 triệu đồng, với những công trình chưa triển khai thì nhà thầu có thể ngồi lại với chủ nhà để thương thảo, còn những công trình đang trong quá trình xây dựng thì sẽ rất khó cho nhà thầu", ông Nam nói và chia sẻ thêm.