Thanh Hóa: Tập trung tháo gỡ cho 68 dự án đầu tư trọng điểm
UBND tỉnh Thanh Hóa vừa ban hành văn bản số 3414/UBND-THKH thống nhất danh mục 68 dự án đầu tư lớn, trọng điểm trên địa bàn tỉnh năm 2023 và giao đầu mối, theo dõi thực hiện các dự án cho các sở, ban, ngành, UBND các địa phương.
Theo đó, có 32 dự án đầu tư trực tiếp trong nước với tổng mức đầu tư dự kiến khoảng 103.571 tỷ đồng. Bao gồm danh mục gồm các dự án phát triển khu đô thị, du lịch nghỉ dưỡng, hạ tầng khu công nghiệp, hạ tầng cảng biển, sản xuất công nghiệp, nông nghiệp quy mô lớn đang triển khai thực hiện hoặc đang hoàn thiện các hồ sơ, thủ tục đầu tư.
Điển hình như: Khu đô thị Đông Nam TP. Thanh Hóa (10.000 tỷ đồng); Khu du lịch nghỉ dưỡng sinh thái kết hợp các dịch vụ vui chơi, giải trí cao cấp Bến En (4.960 tỷ đồng); Khu phức hợp khách sạn, trung tâm thương mại của Công ty Cổ phần ORG (4.969 tỷ đồng); Khu du lịch Hoằng Phụ (4.830 tỷ đồng); Hạ tầng KCN số 17, KKT Nghi Sơn (6.432 tỷ đồng); Hạ tầng KCN Lam Sơn - Sao Vàng (3.255 tỷ đồng); Hạ tầng KCN Đồng Vàng (2.400 tỷ đồng); Cảng container Long Sơn (2.400 tỷ đồng); Nhà máy luyện cán thép DST Nghi Sơn (5.500 tỷ đồng); Nhà máy xi măng Đại Dương 2 (3.354 tỷ đồng); Tổ hợp sản xuất hóa chất Đức Giang (2.400 tỷ đồng); Dự án Chăn nuôi bò sữa quy mô công nghiệp tại huyện Nông Cống và Như Thanh (3.800 tỷ đồng); Khu liên hợp sản xuất, chăn nuôi công nghệ cao Xuân Thiện Thanh Hóa (2.700 tỷ đồng).
Ngoài ra còn có 21 dự án sử dụng vốn đầu tư công với tổng mức đầu tư 16.288 tỷ đồng, bao gồm: 7 dự án phát triển hạ tầng giao thông; 5 dự án tu bổ, tôn tạo di tích; 3 dự án hạ tầng thủy lợi, nông nghiệp; 3 dự án đầu tư xây dựng và mua sắm trang thiết bị y tế; 2 dự án phát triển hạ tầng đô thị; 1 dự án xây dựng, nâng cấp cơ sở giáo dục. Danh mục gồm các dự án điển hình như: Đầu tư xây dựng tuyến đường bộ ven biển đoạn Nga Sơn - Hoằng Hóa (2.242 tỷ đồng); Đường Vạn Thiện đi Bến En (1.181 tỷ đồng); Phát triển tổng hợp các đô thị động lực - Tiểu dự án đô thị Tĩnh Gia, tỉnh Thanh Hóa, vốn vay World Bank (1.777 tỷ đồng)...
Có 9 dự án sử dụng đất lĩnh vực phát triển khu đô thị, khu dân cư với tổng mức đầu tư khoảng 33.258 tỷ đồng, đó là: Khu đô thị mới tại xã Hoằng Quang và Hoằng Long, TP. Thanh Hóa (12.891 tỷ đồng); Khu đô thị nghỉ dưỡng khoáng nóng tại xã Quảng Yên, huyện Quảng Xương (6.849 tỷ đồng); Khu đô thị mới dọc Đại lộ Nam Sông Mã (4.367 tỷ đồng); Khu dân cư đô thị và trung tâm thương mại Sầm Sơn, TP. Sầm Sơn (3.047 tỷ đồng); Khu dân cư và thương mại phường Quảng Phú, TP. Thanh Hoá (2.408 tỷ đồng); Khu đô thị Núi Long kết hợp khu tái định cư phục vụ GPMB đường vành đai Đông - Tây, TP. Thanh Hóa (1.127 tỷ đồng); Khu đô thị Đông đại lộ Bắc Nam, TP. Thanh Hóa (1.204 tỷ đồng); Khu đô thị sinh thái 2 bên bờ sông Đơ, TP. Sầm Sơn (804 tỷ đồng); Dự án số 2 - Khu đô thị mới Lam Sơn - Sao Vàng (561 tỷ đồng).
Có 3 dự án theo hình thức đối tác công tư PPP, đó là: Dự án xây dựng hệ thống cấp nước sạch và nước thô chuỗi đô thị dọc Quốc lộ 47, TP. Thanh Hóa và vùng phụ cận theo phương thức PPP (vốn dự kiến 2.712 tỷ đồng, chưa lựa chọn nhà đầu tư); Tuyến đường bộ ven biển đoạn Hoằng Hóa - Sầm Sơn và Quảng Xương - Tĩnh Gia, hợp đồng BOT (3.372 tỷ đồng); Quảng trường biển, trục cảnh quan lễ hội TP. Sầm Sơn (1.473 tỷ đồng).
Có 2 dự án đầu tư trực tiếp nước ngoài: Nhà máy điện khí và kho khí hóa lỏng LNG (tổng khoảng 138.000 tỷ đồng; do một số nhà đầu tư nước ngoài hiện đang khảo sát, đề xuất); Nhà máy sản xuất lốp ô tô Radial tại thị xã Bỉm Sơn của Công ty TNHH Lốp COPO Việt Nam (1.484 tỷ đồng).
Có 1 dự án lựa chọn nhà đầu tư: Trung tâm thương mại tại phường Quảng Thành, TP. Thanh Hóa (tổng vốn đầu tư dự kiến khoảng 170 triệu USD); Dự án hiện đang chuẩn bị các điều kiện tổ chức thực hiện đấu giá quyền sử dụng đất.
Hoàng Đức