Thái Nguyên: Trên 800 doanh nghiệp sẽ được thành lập mới trong năm 2022?
Đó là mục tiêu mà Thái Nguyên đặt ra trong năm 2022. Vì Những năm qua, Thái Nguyên đang là điểm thu hút hấp dẫn của các nhà đầu tư trong và ngoài nước.
Hiện nay, trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên có khoảng trên 7.500 doanh nghiệp đang hoạt động với số vốn đăng ký lên đến trên 104 nghìn tỷ đồng. Chỉ tính riêng từ đầu năm 2021 đến thời điểm 20/12/2021, toàn tỉnh Thái Nguyên có 863 doanh nghiệp thành lập mới, tăng 16,6% so với cùng kỳ, với tổng số vốn đăng ký là 11,3 nghìn tỷ đồng, tăng 73,8% so với cùng kỳ.
Nếu chia theo đơn vị hành chính, số doanh nghiệp thành lập mới tập trung nhiều nhất ở thành phố Thái Nguyên có 432 doanh nghiệp đăng ký thành lập mới (chiếm 50,1%) với số vốn đăng ký là 6,3 nghìn tỷ đồng; thị xã Phổ Yên có 120 doanh nghiệp mới thành lập (chiếm 15,4%) với 1,8 nghìn tỷ đồng; thành phố Sông Công có 105 doanh nghiệp (chiếm 12,2%) với 1,7 nghìn tỷ đồng; huyện Đại Từ có 54 doanh nghiệp với 0,3 nghìn tỷ đồng; huyện Phú Bình có 47 doanh nghiệp với 0,6 nghìn tỷ đồng; còn lại nằm rải rác ở các huyện khác.
Cũng tính từ đầu năm 2021 đến ngày 20/12/2021 toàn tỉnh có 780 doanh nghiệp đóng mã số thuế, tăng 62 doanh nghiệp so với cùng kỳ và 568 doanh nghiệp ngừng hoạt động, tăng 107 doanh nghiệp so với cùng kỳ. Như vậy, tính từ đầu năm 2021 đến ngày 20/12/2021, số doanh nghiệp thành lập mới và quay trở lại hoạt động là 1.341 doanh nghiệp, trong khi đó số doanh nghiệp đóng mã số thuế và ngừng hoạt động là 1.348 doanh nghiệp.
Trước những diễn biến phức tạp của dịch bệnh Covid-19, nhiều doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên đã phải hoạt động cầm chừng hoặc ngừng hoạt động, tuy nhiên nhờ có sự chỉ đạo kịp thời của lãnh đạo tỉnh Thái Nguyên trong thực hiện “mục tiêu kép” vừa đảm bảo phòng chống dịch hiệu quả, vừa duy trì phát triển sản xuất ổn định cũng như triển khai nhiều giải pháp ưu đãi, hỗ trợ doanh nghiệp nên nhiều doanh nghiệp đã nỗ lực duy trì sản xuất ổn định, qua đó góp phần quan trọng vào duy trì tốc độ tăng trưởng kinh tế năm 2021 của tỉnh đạt trên 6,5%.
Đặc biệt thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài FDI, tính từ đầu năm 2021 đến thời điểm 25/12/2021 trên địa bàn tỉnh có 15 dự án được cấp giấy chứng nhận đầu tư mới với tổng vốn đầu tư đăng ký trên 111 triệu đô la Mỹ. Tính lũy kế, hiện nay trên địa bàn tỉnh có 169 dự án FDI được cấp phép đăng ký và còn hiệu lực với tổng số vốn đăng ký đạt trên 8.750 triệu đô la Mỹ.
Để góp phần đạt mục tiêu tăng trưởng kinh tế 8% năm 2022, tỉnh Thái Nguyên đặt mục tiêu phấn đấu sẽ có trên 800 doanh nghiệp được thành lập mới. Để đạt được điều đó, Thái Nguyên đã và đang triển khai nhiều giải pháp thu hút đầu tư, cụ thể như: Tiếp tục duy trì thời gian đăng ký doanh nghiệp không quá 2 ngày; thời gian, thẩm tra, thẩm định hồ sơ chấp thuận chủ trương đầu tư dự án không quá 25 ngày; thủ tục cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư không quá 10 ngày. Rút ngắn thủ tục thẩm định nhu cầu sử dụng đất.
Tạo lập hệ thống hỗ trợ khởi nghiệp, tạo môi trường đầu tư kinh doanh thuận lợi, ổn định. Phát huy và nâng cao hiệu quả hoạt động của Trung tâm phục vụ hành chính công tỉnh, 100% các thủ tục hành chính thuộc thẩm quyền giải quyết của các cơ quan chuyên môn cấp tỉnh được giải quyết tại Trung tâm… Triển khai thực hiện có hiệu quả Nghị quyết số 02/NQ-CP ngày 10/01/2022 của Chính phủ về những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia năm 2022.