Tây Ninh: Thống nhất về kết nối giao thông với Long An
Dự án xây dựng đường An Thạnh – Trà Cao nối dài kết nối thị xã Trảng Bàng (Tây Ninh) và huyện Đức Huệ (Long An) được 2 tỉnh thống nhất phối hợp thực hiện đồng bộ.
Dự án xây dựng đường An Thạnh – Trà Cao nối dài (đoạn từ ngã ba Bà Xẩm đến ranh Long An) có lộ giới quy hoạch 45m, điểm đầu tại ngã ba Quốc lộ 22 giao với đường An Thạnh – Trà Cao, huyện Bến Cầu (Tây Ninh) và điểm cuối là tại ngã ba giao với Đường tỉnh 838, huyện Đức Huệ (Long An).
Trong đó, có 1 cây cầu kết nối Tây Ninh – Long An là cầu Rạch Tràm. Tổng kinh phí khái toán cả dự án trên 155 tỉ đồng.
Theo quy hoạch và định hướng phát triển hạ tầng giao thông nông thôn giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 của tỉnh Tây Ninh, đây là quy hoạch mở mới tuyến kết nối từ trung tâm 2 xã cánh tây, thị xã Trảng Bàng (đường An Thạnh – Trà Cao) đến xã Mỹ Thạnh Bắc (Đức Huệ, Long An) theo tiêu chuẩn tối thiểu cấp IV.
Ngày 30/5 vừa qua, tại cuộc họp bàn về việc kết nối giao thông giữa 2 tỉnh Tây Ninh và Long An do Giám đốc Sở Giao thông Vận Tải tỉnh Long An, Đặng Hoàng Tuấn và Giám đốc Sở Giao thông Vận tải tỉnh Tây Ninh, Nguyễn Tấn Tài đồng chủ trì, 2 tỉnh đã cùng trao đổi bàn bạc và thống nhất phương án phối hợp thực hiện đồng bộ giữa 2 tỉnh để về tham mưu UBND tỉnh có hướng chỉ đạo thực hiện.
Việc kết nối giao thông giữa Long An và Tây Ninh là vô cùng cấp thiết để các địa phương giao thương, thu hút đầu tư, đồng bộ về nâng cấp đường. Khi giao thông hai địa phương được kết nối thuận lợi, đồng bộ sẽ kích thích việc thu hút đầu tư và tạo động lực thúc đẩy phát triển kinh tế xã hội 2 tỉnh.
Thực hiện chương trình hợp tác với các tỉnh thành Đông Nam bộ, đến nay tỉnhTây Ninhđã đưa vào sử dụng nhiều tuyến đường giao thông kết nối vùng quan trọng.
Cụ thể, Tây Ninh đã hợp tác TP.HCM đầu tư xây dựng, đưa vào sử dụng 5 dự án, trong đó có hương lộ 12, 10, đường Lộc Phước - Sông Lô, đường Trung Hưng - Bàu Mây và hoàn thành xây dựng cầu từ hương lộ 12 bắc qua kênh Đông nối liền với đường suối Bàu Tươi - Trảng Sa.
Góp vốn với tỉnh Bình Dương nâng cấp cầu Sài Gòn, đầu tư tuyến đường kết nối từ ĐT.784 đến ĐT.744 (Bình Dương).
Cùng với Bình Phước xây dựng cầu Sài Gòn 2 và nâng cấp, mở rộng các tuyến đường kết nối giữa 2 tỉnh như ĐT.794, ĐT.792.
Tây Ninh cũng hợp tác với Long An đầu tư, đưa vào khai thác sử dụng các dự án hạ tầng giao thông kết nối, gồm: cầu Đường Xuồng, đường ĐT.786 (đoạn từ cầu Truông Dầu đến cầu Đường Xuồng); đường ĐT.787A và gia cường cầu Quan…
Yến Thanh