Sản xuất công nghiệp của Hà Nội tăng nhẹ
Chỉ số sản xuất công nghiệp trong tháng 6/2023 của Hà Nội tăng 1,4% so với tháng 5/2023.
Theo báo cáo của UBND thành phố, chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) trong tháng 6/2023 tăng 1,4% so với tháng 5/2023 và tăng 3,4% so với tháng 6/2022 (cùng kỳ tăng 7,5%). Lũy kế 6 tháng đầu năm 2023 IIP của Hà Nội tăng 2,3% (cùng kỳ tăng 6,6%).
Một số các ngành sản xuất chế biến, chế tạo tăng khá so với cùng kỳ như sản xuất đồ uống 24,5%; Chế biến gỗ và sản xuất sản phẩm từ gỗ, tre, nứa (trừ giường, tủ, bàn, ghế) và sản xuất sản phẩm từ rơm, rạ và vật liệu tết bện tăng 18,3%; Sản xuất thuốc, hoá dược và dược liệu tăng 17,4%...
Tuy nhiên, cũng có một số ngành giảm so với cùng kỳ như ngành Dệt giảm 5%; Sản xuất trang phục giảm 3,9%; Sản xuất da và các sản phẩm có liên quan giảm 5,6%; In sao chụp bản ghi các loại giảm 9%; sản xuất thiết bị điện giảm 5%; Sản xuất máy móc, thiết bị chưa được phân vào đâu giảm 31,6%...
Để thúc đẩy phát triển ngành công nghiệp, Thành phố Hà Nội hiện đang tập trung thành lập, xây dựng hạ tầng và thu hút đầu tư các cụm công nghiệp (CCN); đẩy mạnh các hoạt động khuyến công; phát triển các sản phẩm công nghiệp chủ lực.
Đã tổ chức khởi công đầu tư hạ tầng kỹ thuật 3 cụm công nghiệp (CCN): CCN Ninh Sở giai đoạn 2, CCN Phú Yên, huyện Phú Xuyên; CCN Thanh Đa, huyện Phúc Thọ, nâng tổng số CCN đã được khởi công lên 13/43 CCN được thành lập giai đoạn 2018-2020. Đó là CCN làng nghề Đại Thắng, CCN làng nghề Phú Túc, CCN Phú Yên, huyện Phú Xuyên; CCN Dị Nậu, huyện Thạch Thất; CCN Thắng Lợi, CCN Tiền Phong - giai đoạn 2, CCN Ninh Sở - giai đoạn 2, huyện Thường Tín; CCN Đan Phượng-giai đoạn 2, huyện Đan Phượng; CCN Võng Xuyên, CCN Thanh Đa, huyện Phúc Thọ; CCN Đông La, huyện Hoài Đức; CCN Cầu Bầu - giai đoạn 2, huyện Ứng Hòa; CCN Phương Trung, huyện Thanh Oai.
Thời gian qua, tiến độ khởi công, xây dựng hạ tầng kỹ thuật các CCN còn chậm, nguyên nhân chủ yếu do còn bất cập trong các văn bản pháp lý; việc giao đất, cho thuê đất làm cơ sở cho thực hiện các thủ tục về đầu tư, đền bù giải phóng mặt bằng, triển khai đầu tư xây dựng hạ tầng mất nhiều thời gian; Thủ tục chuyển đổi đất lúa trên 10 ha phải xin chấp thuận của Thủ tướng Chính phủ; tiến độ giải phóng mặt bằng chậm; việc rà soát quy chủ, xác minh nguồn gốc đất, xử lý vi phạm về đất đai…
Theo kế hoạch số 97/KH-UBND của UBND thành phố Hà Nội về quản lý, đầu tư phát triển cụm công nghiệp trên địa bàn thành phố Hà Nội năm 2023, năm nay, Hà Nội tập trung chỉnh trang, hoàn thiện hạ tầng kỹ thuật các cụm công nghiệp đang hoạt động trên địa bàn, gồm giao thông nội bộ, vỉa hè, cây xanh, cấp nước, thoát nước, xử lý nước thải, chất thải rắn, cấp điện, chiếu sáng công cộng, thông tin liên lạc nội bộ, nhà điều hành, tường rào bảo vệ và các công trình khác phục vụ hoạt động của cụm công nghiệp trong hàng rào các cụm công nghiệp đáp ứng yêu cầu tại Nghị định số 68/2017/NĐ-CP ngày 25-5-2017 của Chính phủ về quản lý, phát triển cụm công nghiệp.
Đồng thời, hoàn thiện các thủ tục, phấn đấu khởi công xây dựng hạ tầng kỹ thuật 10-20 cụm công nghiệp thành lập giai đoạn 2018-2020; quyết định thành lập, mở rộng 5-10 cụm công nghiệp. Bảo đảm 100% cụm công nghiệp xây dựng mới có trạm xử lý nước thải đạt tiêu chuẩn hoặc quy chuẩn kỹ thuật quốc gia tương ứng. 100% cụm công nghiệp, cụm công nghiệp làng nghề đã đi vào hoạt động có trạm xử lý nước thải đạt tiêu chuẩn hoặc quy chuẩn kỹ thuật quốc gia tương ứng.
Minh Anh