Ông chủ Tân Hoàng Minh - Tập đoàn vừa đầu tư tỷ đô vào Phú Quốc là ai?
Tập đoàn Tân Hoàng Minh của ông Đỗ Anh Dũng vừa đầu tư 1 tỷ USD vào siêu quần thể nghỉ dưỡng, giải trí “Thành phố không ngủ”, dự án được kỳ vọng mở ra cơ hội phát triển kinh tế đêm cho du lịch Phú Quốc.
Đầu tư tỷ đô xây dựng "Thành phố không ngủ"
Nhiều năm qua, Tập đoàn Tân Hoàng Minh được biết đến là ‘’ông lớn’’ trong phân khúc bất động sản nhà ở và chung cư hạng sang tại các vị trí đắc địa của Hà Nội và TP.HCM. Từ năm 2019 đến nay, tập đoàn đã có những bước đi rõ nét thể hiện tham vọng trong lĩnh vực bất động sản nghỉ dưỡng.
Mới đây, Tập đoàn Tân Hoàng Minh cho biết có kế hoạch rót hơn 23.000 tỷ đồng (tương đương 1 tỷ USD), phối hợp với công ty Hoàng Hải Phú Quốc xây dựng siêu quần thể "Thành phố không ngủ" tại Dương Tơ, Phú Quốc.
Tân Hoàng Minh giới thiệu tổ hợp quần thể du lịch nói trên nằm tại vị trí trung tâm Bãi Trường, cách sân bay 10km, quy mô 34ha, bao gồm hệ thống khách sạn 5 sao, 129 shophouse, 76 biệt thự và 15 toà căn hộ khách sạn condotel (7.000 đến 8.000 căn)..
Trước đó, tập đoàn bất động sản này cũng đã lên kế hoạch phát triển dự án THM - Villa - Resort on the Mountain theo mô hình nghỉ dưỡng trên núi kết hợp sông - hồ tại tỉnh Hòa Bình.
Tân Hoàng Minh cho biết dự án này được có định hướng trở thành “Góc Thụy Sĩ” thu nhỏ tại miền núi phía Bắc, THM - Villa - Resort on the Mountain dự kiến là quần thể 2 khách sạn 5 sao, sở hữu hơn 2.000 villa cùng nhiều tiện ích du lịch cao cấp như hồ bơi, sân golf, quầy bar….
Hệ sinh thái Tân Hoàng Minh mạnh cỡ nào?
Tập đoàn Tân Hoàng Minh được thành lập năm 1993, hoạt động kinh doanh trên nhiều lĩnh vực. Trong đó, các ngành có thế mạnh nhất là sản xuất và xuất khẩu mây tre đan dưới thương hiệu Ratex, vận tải hành khách bằng taxi thương hiệu Taxi V20, kinh doanh khách sạn,...
Năm 2006, khi đang ở đỉnh cao trong lĩnh vực kinh doanh taxi V20, ông Đỗ Anh Dũng bất ngờ chuyển hướng sang đầu tư bất động sản, trong đó tập trung vào phân khúc bất động sản cao cấp.
Một số dự án lớn của Tập đoàn này tại Hà Nội có thể kể đến như: D’. Palais Louis – Nguyễn Văn Huyên, D’. Le Roi Soleil – Quảng An, D’. Le Pont D’or – Hoàng Cầu, D’. El Dorado – Phú Thanh, Phú Thượng, D’. Capitale – Trần Duy Hưng,….
Số liệu đến cuối năm 2019 cho thấy, quy mô tài sản cộng ngang của nhóm Tân Hoàng Minh ở mức trên 30.000 tỷ đồng. Con số này dù chưa phản ánh chính về quy mô tài sản nhưng nó cho thấy tiềm lực của tập đoàn này không hề thua kém thậm chí cao hơn rất nhiều so với các doanh nghiệp bất động sản niêm yết trên sàn như Đất Xanh (quy mô tài sản hợp nhất 19.900 tỷ), Phát Đạt (14.000 tỷ), Hà Đô (13.900 tỷ), Khang Điền (13.200 tỷ), Nam Long (10.900 tỷ),...
Trong đó, riêng quy mô tài sản công ty mẹ của Tập đoàn Tân Hoàng Minh đạt trên 13.932 tỷ đồng. Các công ty thành viên đều sở hữu khối tài sản hàng nghìn tỷ đồng như Ngôi Sao Việt (7.013 tỷ đồng), Soleil (5.897 tỷ đồng), Phú Thanh (2.465 tỷ đồng), Cung Điện Mùa Đông (1.182 tỷ đồng).
Năm 2019, ngoại trừ Công ty Đầu tư và Dịch vụ khách sạn Soleil và CTCP Cung Điện Mùa Đông có lãi với lợi nhuận sau thuế lần lượt đạt gần 72 tỷ đồng và 77 tỷ đồng, các thành viên còn lại của Tập đoàn Tân Hoàng Minh đều báo lỗ. Trong đó, Ngôi Sao Việt – công ty thành viên hoạt động tích cực nhất trong hệ sinh thái - ghi nhận doanh thu đạt trên 10.000 tỷ đồng nhưng vẫn báo lỗ sau thuế hơn 1.000 tỷ đồng.
Để có nguồn lực lấn sân sang phân khúc bất động sản nghỉ dưỡng và duy trì mảng kinh doanh bất động sản nhà ở, chung cư hạng sang, các công ty thuộc hệ sinh thái Tân Hoàng Minh đã liên tục thực hiện các đợt phát hành trái phiếu trong thời gian gần đây.
Đầu tháng 7, công ty thành viên của Tân Hoàng Minh là Soleil đã phát hành thành công 800 tỷ đồng trái phiếu doanh nghiệp kỳ hạn 24 tháng, lãi suất phát hành thực tế là 11,75%/năm. Đợt phát hành do Tập đoàn Tân Hoàng Minh đứng ra bảo lãnh thanh toán.
Theo thông báo, mục đích phát hành trái phiếu nhằm hợp tác kinh doanh dự án Khu du lịch phức hợp Hoàng Hải (Hoàng Hải Complex) thuộc khu 5, khu phức hợp Bãi Trường tại xã Dương Tơ, huyện Phú Quốc, tỉnh Kiên Giang.
Dự án Hoàng Hải Complex được khởi công từ năm 2018, do Công ty Đầu tư phát triển nhà Hoàng Hải Phú Quốc làm chủ đầu tư. Dự án có quy mô 12,3 ha tại Bãi Trường, Phú Quốc. Dự án này có nhiều điểm tương đồng từ vị trí đến kết cấu và mục đích sử dụng với quần thể "Thành phố không ngủ" mà Tân Hoàng Minh vừa thông báo phát triển cùng Hoàng Hải Phú Quốc. Do đó, nhiều khả năng dự án ‘’Thành phố không ngủ’’ là phiên bản mở rộng và tên gọi khác của Hoàng Hải Complex.
Đến trung tuần tháng 8, Soleil tiếp tục huy động thêm 450 tỷ đồng trái phiếu để tài trợ cho dự án này. Số trái phiếu trên có kỳ hạn 24 tháng, lãi suất cố định 11,5% mỗi năm và được mua lại bởi hai tổ chức trong nước, trong đó có một tổ chức tín dụng.
Như vậy, từ khi công bố khu nghỉ dưỡng ở Phú Quốc đến nay, nhóm Tân Hoàng Minh đã huy động 1.250 tỷ đồng cho dự án thông qua công ty con Soleil.
Bên cạnh hai đợt phát hành huy động vốn cho dự án bất động sản du lịch tại Phú Quốc, một thành viên khác của Tân Hoàng Minh là Ngôi Sao Việt cũng đã phát hành 800 tỷ đồng trái phiếu để mua 51% vốn CTCP Đầu tư Phát triển và Thương mại Việt Tiến, qua đó tham gia đầu tư dự án tại khu đô thị mới Việt Hưng, Long Biên, Hà Nội.
Ông chủ tập đoàn là ai?
Chủ tịch Tập đoàn Tân Hoàng Minh, ông Đỗ Anh Dũng là cái tên rất quen trên thị trường bất động sản Việt Nam với rất nhiều dự án nghìn tỷ. Nhắc đến Đỗ Anh Dũng, người trong giới ít nhiều cũng phải gật gù tấm tắc bởi cách điều hành Tân Hoàng Minh bài bản và các ý tưởng kinh doanh táo bạo, hiệu quả.
Ông Đỗ Anh Dũng sinh ngày 30/7/1961. Ông là Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng Giám đốc của Tập đoàn Tân Hoàng Minh (từ năm 1993 đến nay). Ngoài ra, ông còn là Chủ tịch HĐQT của Công ty Cổ phần quản lý quỹ đầu tư chứng khoán Minh Việt (từ năm 2015 đến nay).
Từ năm 1984 – 1986, ông Dũng công tác tại Ủy ban Khoa học kỹ thuật nhà nước Hà Nội. Từ năm 1986 – 1989, ông công tác tại Ủy ban Khoa học kỹ thuật nhà nước tại Tp.HCM.
Từ năm 1989 – 1993, ông giữ vị trí Phó Tổng Giám đốc kiêm Giám đốc Liên hiệp xuất khẩu điện tử quang học ELOPI (thuộc Viện Khoa học Việt Nam phân viện Tp.HCM).
Đến ngày 16/6/1993, ông Đỗ Anh Dũng thành lập Công ty TNHH Thương mại Dịch vụ Khách sạn Tân Hoàng Minh (Tập đoàn Tân Hoàng Minh) tại TP.HCM.
Doanh nhân Đỗ Anh Dũng từng chia sẻ, thời điểm mới thành lập, Tân Hoàng Minh hoạt động trên nhiều lĩnh vực như vận tải hành khách công cộng, sản xuất và xuất khẩu mây tre đan, kinh doanh khách sạn, kinh doanh phát triển nhà, xây dựng... Dù kinh doanh đa ngành nghề nhưng ông Dũng xây dựng các chiến lược chắc chắn giúp mang lại nguồn thu lớn đảm bảo tiềm lực tài chính rất mạnh cho tập đoàn.
Đến năm 1995, ông Dũng bắt đầu kinh doanh vận tải hành khách công cộng bằng thương hiệu Taxi V20. Đến tháng 9/2001, số lượng xe phục vụ khách hàng đạt gần 1.000 xe, chiếm 25% thị phần trên 3 thành phố HCM, Nha Trang, Hà Nội.
Đến năm 1998, ông bắt đầu sản xuất các sản phẩm mây, tre đan với thương hiệu Ratex và xuất khẩu sang các thị trường Pháp, Tây Ban Nha, Mỹ, Ý...
Đến năm 2006, ông Dũng quyết định hướng Tân Hoàng Minh và thị trường bất động sản cao cấp, tạo sự khác biệt trong các sản phẩm và dịch vụ.
Ông Dũng cũng như Tân Hoàng Minh xác định, bất động sản là lĩnh vực mũi nhọn, thế mạnh của mình. Từ đó đưa Tân Hoàng minh trở thành Tập đoàn bất động sản hàng đầu Việt Nam.
Trải qua hơn 10 năm "lấn sâu" vào thị trường bất động sản, Tân Hoàng Minh không ngừng lớn mạnh, trở thành đơn vị sở hữu nhiều vị trí đất vàng, thiết kế nổi bật, kiến trúc đậm chất mỹ thuật, vật liệu đắt tiền, chất lượng thi công cao.
Chia sẻ về hành trình gây dựng Tân Hoàng Minh, ông Dũng nói: "Tôi thành lập Công ty vào giữa năm 1993 tại TP.HCM, đất nước vào thời kỳ kiến thiết và phát triển mạnh mẽ, cứ lao vào việc là kiếm ra tiền. Bộn bề lắm, nhưng cũng phải xác định ngay cho các cán bộ là làm ăn cần đặt đạo đức kinh doanh, triết lý kinh doanh vì lợi ích của khách hàng và xã hội lên đầu”.