Nông sản Việt Nam liệu có đủ sức chinh phục thị trường Trung Quốc?
Hiện nay, nhiều loại nông sản của Việt Nam được đẩy mạnh xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc. Tuy nhiên, việc Trung Quốc hướng tới thúc đẩy hàng hóa đi theo con đường chính ngạch khiến các doanh nghiệp Việt Nam phải thay đổi phương thức xuất khẩu.
Trung Quốc là thị trường xuất khẩu tiềm năng của Việt Nam
Ông Nguyễn Đình Đại, Giám đốc Sở Công Thương Lạng Sơn cho biết, Lạng Sơn là địa bàn trung chuyển hàng hoá của cả nước, gồm 2 cửa khẩu quốc tế, 1 cửa khẩu chính và 9 cửa khẩu phụ. Mặc dù Lạng Sơn chỉ có 4/12 cặp cửa khẩu đi qua địa bàn nhưng thời gian qua việc thông quan hàng hóa vẫn diễn ra sôi động.
Theo đó, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu 10 tháng năm 2021 đạt 3,452 tỷ USD, tăng 52,7% so với cùng kỳ. Trong đó xuất khẩu đạt 1,090 tỷ USD tăng 11,2%. Riêng kim ngạch xuất khẩu nông sản đạt 920 triệu USD, tăng 15% so với cùng kỳ.
Một số loại nông sản xuất khẩu chủ yếu qua Lạng Sơn như thanh long, xoài, mít,… Trung Quốc tiếp tục là thị trường xuất khẩu nông sản lớn nhất Việt Nam.
Với nhu cầu ngày càng cao của thị trường Trung Quốc đã góp phần thúc đẩy sản xuất, chế biến và xuất khẩu nông sản trong nước. Có thể thấy, việc nông sản có thể xuất khẩu ra thế giới nói chung, Trung Quốc nói riêng đã mang lại lợi ích cho người nông dân.
Theo thống kê, gần 50 tỷ USD xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc mỗi năm thì xuất khẩu nông sản chiếm 7 tỷ USD và chiếm 30% tổng nông sản xuất khẩu của Việt Nam ra thế giới.
Tuy nhiên, hoạt động sản xuất và xuất khẩu nông sản, thực phẩm của Việt Nam đang gặp rất nhiều thách thức.
Tháng 4/2021 Tổng cục hải quan Trung Quốc đã ban hành Lệnh số 248, 249 về quy định quản lý đăng ký doanh nghiệp sản xuất thực phẩm nước ngoài nhập khẩu và biện pháp quản lý an toàn thực phẩm xuất nhập khẩu có hiệu lực từ 1/1/2022. Điều này đòi hỏi doanh nghiệp cần đảm bảo thích ứng với những yêu cầu mới.
Thay đổi phương thức xuất khẩu, không ngừng nâng cao chất lượng
Trao đổi về vấn đề này, ông Tô Ngọc Sơn, Phó Vụ trưởng Vụ Thị trường châu Á-châu Phi cho biết, là sản phẩm tiềm năng cho xuất khẩu sang thị trường láng giềng, nhưng nông sản, thực phẩm cũng là mặt hàng thường xuyên gặp phải các rào cản tại thị trường nước ngoài. Vì kim ngạch xuất khẩu lớn, nên bất kỳ sự thay đổi nào của thị trường này cũng sẽ khiến cho doanh nghiệp, nhà sản xuất, người nông dân Việt Nam bị ảnh hưởng.
“Với một nền kinh tế lớn như Trung Quốc thì việc họ đặt ra Lệnh 248, 249 là đương nhiên. Là một quốc gia giàu có, không thể nào họ tiêu dùng những sản phẩm không rõ nguồn gốc, xuất xứ, không đảm bảo về yêu cầu an toàn thực phẩm”, ông Sơn cho biết thêm.
Theo đánh giá của Bộ Công Thương, Lệnh 248 và 249 không phải là điều quá mới với một số doanh nghiệp, nhưng lại là trở ngại với không ít doanh nghiệp.
Nói về tầm quan trọng của Lệnh 248, ông Sơn lấy dẫn chứng: Hình ảnh những chiếc xe tải lót rơm chở dưa hấu nối đuôi nhau lên Lạng Sơn sẽ ngày càng ít đi, mà tất cả đều phải đi theo con đường chính ngạch: Có ký kết hợp đồng, giao hàng tại cửa khẩu chính, cửa khẩu quốc tế, có kiểm soát về chất lượng, kiểm dịch.
Theo đó, hình ảnh những chiếc xe tải nối đuôi nhau sẽ ngày càng ít đi mà tất cả đều phải đi theo con đường chính ngạch. Theo lệnh 248, toàn bộ doanh nghiệp nước ngoài sản xuất thực phẩm xuất khẩu sang Trung Quốc đều phải đăng ký với Hải quan Trung Quốc.
Trong đó, nhóm 1 gồm 18 nhóm mặt hàng phải đăng ký thông qua các cơ quan quản lý Nhà nước. Nhóm 2 là thực phẩm ngoài 18 mặt hàng thuộc nhóm 1 đăng ký trực tiếp với Hải quan Trung Quốc thông qua website singlewindow.cn.
Đối với lệnh 249, bao gồm các nội dung: Yêu cầu đánh giá sự phù hợp; đưa ra nguyên tắc quản lý nhập khẩu với thực phẩm chưa có tiêu chuẩn quốc gia; đưa ra nguyên tắc quản lý nhập khẩu với thực phẩm sử dụng nguyên liệu mới; thay đổi về yêu cầu ghi nhãn; cơ sở sản xuất phải tự chịu trách nhiệm về an toàn thực phẩm với thực phẩm mình sản xuất; lần đầu tiên chính thức chấp nhận phương án đánh giá trực tuyến…
Như vậy, thời gian tới, Trung Quốc đang xây tường rào trên toàn tuyến biên giới với những đường mòn, lối mở… nhằm giám sát chặt chẽ xuất khẩu tiểu ngạch. Đồng nghĩa với việc xuất khẩu của chúng ta theo hình thức thương mại tiểu ngạch ngày càng bị thu hẹp lại.
Đáng chú ý, Trung Quốc là nước duy nhất trên thế giới tiến hành kiểm tra, xét nghiệm SARS-CoV-2 với bao bì thực phẩm, trái cây, thuỷ sản đông lạnh nhập khẩu vào nước này.
Chính vì vậy, muốn chinh phục được thị trường Trung Quốc trong tương lai, doanh nghiệp Việt Nam phải quản lí chất lượng của mình theo quy định của nước sở tại. Đồng thời, không ngừng nâng cao chất lượng sản phẩm để chinh phục không chỉ thị trường Trung Quốc mà còn các nước trên thế giới.