Ngân hàng nới room- bất động sản kỳ vọng được "tiếp sức"
Điều chỉnh room tín dụng lần này được kỳ vọng là một động thái bẻ khóa tiền tệ tích cực, giúp trực tiếp bơm nguồn tiền vào nền kinh tế hậu Covid-19, từ đó tiếp sức cho bất động sản đang dở dang và là động lực giúp thị trường chung ấm dần lên.
Theo đánh giá của các chuyên gia và các công ty nghiên cứu, thị trường bất động sản năm nay đã bắt đầu ngấm đòn và một trong những lo ngại là rủi ro tài chính. Bởi lãi suất tăng, tỷ giá tăng và đương nhiên nghĩa vụ trả nợ của doanh nghiệp trong nước cũng tăng lên. Doanh nghiệp nào quản quản lý tài chính không tốt, thậm chí còn mất cân đối dòng tiền dẫn đến mất khả năng thanh toán.
Theo thông tin cho biết, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính ngày 6/12 đã chủ trì cuộc họp Thường trực Chính phủ về điều hành chính sách tài khóa, chính sách tiền tệ, kinh tế vĩ mô cuối năm 2022 và đầu năm 2023.
Về chính sách tiền tệ, Thủ tướng yêu cầu Ngân hàng Nhà nước xây dựng các giải pháp điều hành chính sách tiền tệ hợp lý theo tinh thần chủ động, chắc chắn, linh hoạt, hiệu quả; có chính sách hỗ trợ người dân mua nhà ở xã hội; rà soát các dự án bất động sản để hỗ trợ các dự án đủ điều kiện. Các tổ chức tín dụng phát huy tinh thần "lợi ích hài hòa, rủi ro chia sẻ". Trước đó, Ngân hàng Nhà nước cũng đã nới room tín dụng thêm 1,5-2%. Nhiều thành viên trên thị trường kỳ vọng, các ngân hàng sẽ dành vốn cho những người mua nhà để ở thật, từ đó, thị trường nhà đất ít nhiều sẽ được "tiếp sức".
Theo chia sẻ các doanh nghiệp bất động sản, nhiều trường hợp người dân mua nhà để ở, đã nộp 70-80% giá trị hợp đồng nhà. Họ còn thiếu 20-30% nữa để có thể nhận nhà nhưng gặp đúng lúc ngân hàng hết hạn mức giải ngân, khiến họ gặp không ít khó khăn. Doanh nghiệp cũng không thu được nguồn tiền.
Bà Vũ Thị Bích Liên, Tổng Giám đốc công ty TNHH Bất động sản VGP cho hay: "Khi không có room, khách hàng không giải ngân được, nay có room họ được vay. Tôi nghĩ chắc chắn là giao dịch sẽ tốt hơn".
Bất động sản có mối liên hệ chặt chẽ với hàng hoạt các lĩnh vực kinh tế khác như xây dựng, vật liệu, nội và ngoại thất… Nhiều dự án dang dở, cần có nguồn tiền để tiếp tục hoàn thiện. Bởi vậy, các doanh nghiệp kiến nghị, các ngân hàng nên xem xét tạo điều kiện giải ngân cho những dự án hiệu quả cao, hướng tới người mua để ở thật, có khả năng trả nợ, các chuyên gia chia sẻ.
"Đối với những người đang chờ giải ngân, cần phải xem của ngân hàng nào, có thể được giải ngân không và cũng có những tác động hỗ trợ nhất định", bà Đỗ Thu Hằng, Giám đốc Cấp cao, Bộ phận Nghiên cứu, Savills Hà Nội.
Nhiều ý kiến cho rằng, để "xốc" lại thị trường bất động sản, không chỉ là tháo gỡ nút thắt về vốn tín dụng. Gốc rễ phải tháo gỡ được các vấn đề liên quan tới pháp lý. Vừa qua, Thủ tướng Chính phủ đã quyết định thành lập Tổ công táctháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong triển khai dự án bất động sản. Các doanh nghiệp kỳ vọng, đây sẽ là động lực để "khơi thông" cho thị trường này.
Theo TS. Sử Ngọc Khương, Giám đốc Cao cấp Bộ phận Đầu tư Savills Việt Nam trước đó chia sẻ, ngoài nguồn lực và tài chính thì các thủ tục cơ chế là vấn đề nan giải nhất trong việc phát triển thị trường bất động sản ở Việt Nam, không ít dự án còn vướng mắc vấn đề pháp lý. Vì vậy việc nới room tín dụng và tăng nguồn lực sẽ không tạo nên những thay đổi rõ rệt cho các doanh nghiệp hay cải thiện tình trạng hạn chế về nguồn cung trên thị trường.
Do đó, ông khuyến nghị, Chính phủ cần phải có những chính sách khai thông để bổ sung nguồn vốn nội lực và nguồn vốn vay cho doanh nghiệp, từ đó tăng tính liên kết, giúp thị trường bất động sản tận dụng được tiềm năng của nó.
Huyền Diệu