Ngân hàng Phương Đông tiếp tục điều chỉnh tăng lãi suất, cao nhất lên tới 9,3%/năm
Hồi cuối tháng 10, lãi suất cao nhất tại OCB là 7,85%/năm. Chỉ trong chưa đầy một tháng, lãi suất tại nhà băng này đã được nâng lên 8,4%, rồi 8,8% và bây giờ là 9,3%/năm.
Theo biểu lãi suất mới cập nhật ngày 24/11/2022 của OCB, mức lãi suất cao nhất đã lên đến 9,3%/năm dành cho tiền gửi theo hình thức lãnh lãi cuối kỳ, thuộc các kỳ hạn từ 12 tháng trở lên.
Bên cạnh đó, ngân hàng còn đang áp dụng chương trình cộng lãi suất khi khách hàng đáp ứng được các điều kiện về số dư tối thiểu cùng một số yêu cầu khác. Vì lẽ đó, lãi suất thực tế khách hàng được nhận có thể cao hơn so với mức 9,3%/năm mà ngân hàng niêm yết.
Đáng chú ý, chỉ cần gửi tiền ở kỳ hạn 6 tháng, khách hàng cũng đã có thể nhận lãi suất lên đến 9%/năm. Cụ thể, hiện OCB đang đồng loạt áp dụng mức lãi suất 9,0%/năm cho tiền gửi theo hình thức lãnh lãi cuối kỳ, kỳ hạn từ 6-8 tháng. Lãi suất sẽ cao hơn 0,1%/năm nếu khách hàng tham gia tiết kiệm từ 9-11 tháng.
Đối với các kỳ hạn ngắn từ 1-5 tháng, ngân hàng đang áp dụng mức lãi suất áp sát trần quy định 6%/năm cho khách hàng tham gia tiết kiệm theo hình thức lãnh lãi cuối kỳ. Cụ thể, lãi suất tối đa khi gửi tiền từ 3-5 tháng là 5,95%/năm; 2 tháng là 5,85%/năm và 1 tháng 5,8%/năm.
Đối với kỳ hạntừ 1 - 3 tuần, mức lãi suất cao nhất đang được áp dụng là 1%/năm. Thấp hơn 0,1 điểm phần trăm là lãi suất dành cho tiền gửi không kỳ hạn (0,9%/năm)
Ngoài OCB, hiện cũng có nhiều ngân hàng áp dụng mức lãi suất các kỳ hạn dài từ 9%/năm trở lên, chẳng hạn như GPBank (10%/năm), OceanBank (10%/năm), SCB (9,7%/năm), VPBank (9,4%/năm), Techcombank (9,3%/năm), ABBank (9%/năm), Sacombank (9%/năm), BacABank 9,3%/năm.
9 tháng đầu năm 2022, tổng tài sản cùng các mảng kinh doanh cốt lõi của OCB tăng trưởng tốt
Theo báo cáo tài chính vừa được công bố, kết thúc yuý III, tổng tài sản của OCB đạt 193.150 tỷ đồng, tăng 15,2% so với cùng kỳ năm 2021. Tổng số huy động thị trường 1 (bao gồm ủy thác đầu tư) của ngân hàng đạt 129.568 tỷ đồng, tăng 8,2% so với cùng kỳ, hoàn thành 84% kế hoạch năm 2022.
Thu nhập từ lãi của ngân hàng ở mức cao, tăng trưởng 23,2% so với cùng kỳ năm 2021 nhờ nhu cầu tín dụng tăng, thúc đẩy việc phát triển kinh tế sau đại dịch Covid-19.
Đặc biệt, 9 tháng đầu năm ghi nhận sự tăng trưởng vượt bậc của mảng dịch vụ khi lãi thuần từ hoạt động này đạt 626 tỷ đồng, tăng 33,6% so với cùng kỳ nhờ hoạt động chuyển đổi số mạnh mẽ. Đáng chú ý, thu nhập mảng kinh doanh thẻ tăng 167% với số lượng thẻ phát hành tăng trưởng 110% so với cùng kỳ năm 2021, doanh số giao dịch qua thẻ cũng tăng trưởng 58% so với cùng kỳ; thu nhập kinh doanh bảo hiểm tăng trưởng 53%; dịch vụ quản lý tài sản tăng 81%.
Lũy kế 9 tháng đầu năm, lợi nhuận trước thuế của OCB đạt 2.649 tỷ đồng. Các tỷ lệ an toàn vốn (CAR) và tỷ lệ dư nợ tín dụng trên vốn huy động (LDR) luôn đảm bảo và đáp ứng theo quy định của Ngân hàng Nhà nước.
Bên cạnh việc không ngừng đẩy mạnh hoạt động kinh doanh, ngân hàng cũng đã triển khai những giải pháp đồng bộ, tăng cường công tác thu hồi xử lý nợ xấu cũng như kiểm soát chất lượng tín dụng. Hiện, tỷ lệ nợ xấu của ngân hàng đang được kiểm soát theo đúng quy định của Ngân hàng Nhà nước.
Lãi suất huy động tăng mạnh gần đây trong bối cảnh thanh khoản của hệ thống ngân hàng kém dồi dào
Tính đến hết tháng 10, tín dụng toàn hệ thống tăng trưởng 11,5% trong khi nguồn vốn chỉ tăng 4,8%. Từ con số này, ông Nguyễn Quốc Hùng, Tổng thư ký Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam (VNBA) cho biết, các ngân hàng đang rất khó khăn trong hệ số an toàn vốn. Tính chung cả ngành, dư nợ cho vay và tổng huy động gần như tương đương nhau. Do đó, để đảm bảo đủ nguồn vốn đáp ứng nhu cầu của doanh nghiệp, các ngân hàng phải tăng mạnh lãi suất huy động đầu vào, ông Hùng lý giải.
"Room" tín dụng đã cạn nhưng hiện nay một số ngân hàng vẫn quyết liệt chạy đua hút tiền gửi trong bối cảnh thanh khoản căng thẳng. Thực trạng này theo lãnh đạo của một nhà băng lớn, xuất hiện ở các đơn vị liên quan nhiều đến trái phiếu và bất động sản. Thị trường trái phiếu chững lại sau khi một số doanh nghiệp bị khởi tố và các quy định siết chặt của Nghị định 165, đang ảnh hưởng dây chuyền tới một số nhà băng. Làn sóng doanh nghiệp mua lại trái phiếu trước hạn và một số doanh nghiệp khó phát hành thêm trái phiếu khiến một lượng tiền của ngân hàng bị "mắc kẹt" trong đó, lãnh đạo này cho hay.
Chỉ trong chưa đầy hai tháng, lãi suất huy động từ 6 tháng trở lên đã tăng từ 1,5% đến 2,5%, tuỳ nhà băng. Kéo theo đó, mức lãi suất cho vay thả nổi dự kiến điều chỉnh lên 15% với nhóm khách hàng cá nhân và 11-12% với khách hàng doanh nghiệp. Áp lực sẽ ngày một đè nặng lên vai doanh nghiệp và người dân đi vay.
Hải Anh