Thị trường nhập khẩu hàng hóa cuối năm: Mở ra cơ hội cho doanh nghiệp Việt Nam trên thị trường EU
Hiện nay, do ảnh hưởng của dịch Covid 19, nguồn cung hàng hóa cho thị trường Châu Âu bị đứt gãy. Nhiều đầu mối nhập khẩu hàng hóa đang để dành hoàng hóa vào dịp cuối năm. Đây là cơ hội kinh doanh tiềm năng cho doanh nghiệp Việt Nam tại thị trường EU.
Hiệp định thương mại tự do giữa Liên minh châu Âu và Việt Nam (EVFTA) không chỉ mở ra cơ hội giúp Việt Nam trở thành mắt xích quan trọng trong chuỗi cung ứng toàn cầu, mà còn tạo ra cơ hội kinh doanh tiềm năng cho doanh nghiệp Việt Nam.
Bà Nguyễn Thảo Hiền, Phó Vụ trưởng Vụ Thị trường châu Âu - châu Mỹ (Bộ Công Thương) đánh giá, thị trường EU đang phục hồi mạnh mẽ. Tuy nhiên, trong bối cảnh dịch bệnh, các DN cần đặc biệt coi trọng yếu tố thương mại điện tử xuyên biên giới và trong EVFTA có Chương về thương mại điện tử, theo đó gần như các giao dịch thương mại cả 2 bên đều được miễn thuế.
Bà nhấn mạnh thêm: “Dù xuất khẩu qua thương mại điện tử hay theo cách truyền thống, doanh nghiệp Việt cũng luôn phải đối mặt, thỏa mãn các tiêu chuẩn kỹ thuật của EU. Doanh nghiệp xuất khẩu cần chủ động theo dõi diễn biến thị trường, nắm bắt kịp thời những thay đổi. Trong đại dịch những quy định của EU, đặc biệt là những quy định trong lưu chuyển hàng hóa thay đổi thường xuyên”.
Bên cạnh những quy định thông thường, thị trường EU còn có những quy định riêng cho từng mặt hàng, sản phẩm. Doanh nghiệp phải đầu tư bài bản, tận dụng công nghệ tiên tiến từ đầu tư EU vào Việt Nam để sản phẩm sản xuất ra phù hợp với yêu cầu tiêu chuẩn kỹ thuật của EU.
Liên quan đến vấn đề này, ông Vũ Chiến Thắng, Tham tán Thương mại Việt Nam tại Tây Ba Nha cho biết, Tây Ba Nha coi trọng các yêu cầu kỹ thuật, điều kiện an toàn với hàng hóa. Một số sản phẩm Việt Nam xuất khẩu vượt quá cho phép của thị trường EU đã bị cảnh cáo.
Mặc dù có những tín hiệu tốt, nhưng nhiều chuyên gia cũng cho rằng đây là thị trường xuất khẩu lớn nhưng khó tính và EU xây dựng hàng rào bảo hộ chắc chắn với các quy định khắt khe để bảo vệ sức khỏe người tiêu dùng. Bên cạnh đó, EU đang hướng đến những sản phẩm xanh và áp dụng nhiều biện pháp phòng vệ thương mại.
Một vấn đề đáng lưu tâm khác cho các doanh nghiệp khi xuất khẩu vào thị trường EU là các cam kết thể hiện trách nhiệm xã hội như cam kết của doanh nghiệp trong đảm bảo môi trường, vấn đề sử dụng lao động đúng độ tuổi, điều kiện lao động cho công nhân. Đây được xem là điều kiện ràng buộc trong ký kết hợp đồng mua bán với đối tác EU.
Trong chiến lược phát triển thương mại mới giai đoạn 2020-2030, Ủy ban châu Âu (EC) nhấn mạnh quyết tâm bảo vệ lợi ích của EU, sức khỏe của người dân bằng bất kỳ công cụ nào. Những mặt hàng nào bị đưa vào danh sách theo dõi hay áp thuế chống bán phá giá, chống tự vệ thì chỉ từ 1-2 năm sau sẽ bị đưa vào diện điều tra hoặc bị áp thuế.
Đại diện Vụ Thị trường châu Âu - châu Mỹ cho biết: “Trong thời gian tới, các doanh nghiệp xuất khẩu nên tập trung phát triển sản phẩm phù hợp với xu hướng tiêu dùng của người châu Âu, đó là sản phẩm thông minh, tiện dụng, nhãn mác đầy đủ, đồng thời tập trung xây dựng kế hoạch kinh doanh bài bản trong trung và dài hạn.
Các doanh nghiệp và các địa phương cần chú ý chặt hơn việc tiếp nhận đầu tư từ các nước xung quanh, tránh để ngành hàng bị ảnh hưởng do EC phát hiện ra các nước khác lợi dụng Việt Nam như nơi trung chuyển xuất khẩu sang EU, lẩn tránh biện pháp phòng vệ thương mại”.