Thị trường EU xiết quy định, cà phê Việt gặp khó
Việc bán cà phê Việt cho Nestlé đang ngày càng khó. Nguyên nhân là do EU ngày càng xiết chặt về dư lượng thuốc bảo vệ thực vật.
Thời gian gần đây, một số doanh nghiệp cà phê Việt Nam phản ánh: Nestlé là một doanh nghiệp hàng đầu về thu mua và xuất khẩu cà phê Việt Nam sang EU, mà EU lại là thị trường lớn nhất của cà phê Việt Nam (chiếm khoảng 40% lượng cà phê xuất khẩu).
Đáng nói, việc bán hàng cho Nestlé đang ngày càng khó. Nguyên nhân là do EU ngày càng xiết chặt về dư lượng thuốc bảo vệ thực vật (BVTV) trên cà phê nhập khẩu.
Cụ thể, với hoạt chất Glyphosate, EU yêu cầu MRLs (giới hạn dư lượng tối đa) trên cà phê nhân nhập khẩu là 0,1 mg/kg. MRLs ở mức 0,1 mg/kg có thể coi như là bằng không. EU siết chặt về dư lượng thì Nestlé cũng buộc phải xiết chặt hơn các tiêu chuẩn đối với cà phê nhân mà họ thu mua ở Việt Nam để xuất khẩu sang EU. Hiện, chỉ có cà phê nhân mua ở Gia Lai là còn có thể bán được cho Nestlé.
Thị trường EU xiết quy định, cà phê Việt gặp khó |
Theo đại diện doanh nghiệp, cà phê Gia Lai được các doanh nghiệp nước ngoài tập trung thu mua nhiều vì cà phê ở đây cơ bản không bị vướng dư lượng Glyphosate. Chính vì vậy, giá cà phê Gia Lai thường cao hơn nhiều so với cà phê của các tỉnh Tây Nguyên khác. Thậm chí, giá cà phê Gia Lai bán ngay tại Gia Lai còn cao hơn giá cà phê của các tỉnh khác bán ở TP Hồ Chí Minh.
Có lợi thế này là vì người trồng cà phê ở Gia Lai có truyền thống trồng trọt, chăm sóc, thu hoạch, chế biến khác hẳn các tỉnh Tây Nguyên. Chẳng hạn, riêng ở khâu phơi, trong khi nông dân các tỉnh khác xay dập trái cà phê ra rồi mới phơi, thì nông dân Gia Lai lại để phơi khô cà phê nguyên trái.
Nhờ phơi khô nguyên trái, tồn dư thuốc BVTV trên cà phê Gia Lai thường ít hơn hẳn so với cà phê các nơi khác. Với quy trình sản xuất, thu hoạch và chế biến riêng biệt, cà phê Gia Lai cũng thường cho chất lượng tốt hơn.
Các doanh nghiệp cho rằng, Bộ NN&PTNT cần phải thực hiện việc truy xuất nguồn gốc, cấp mã số vùng trồng cho cà phê, để khi cần có thể tìm ra được những vùng sản xuất cà phê đang có vấn đề về dư lượng thuốc BVTV. Qua đó có giải pháp xử lý, khắc phục kịp thời như giúp nông dân thay đổi quy trình sản xuất theo hướng không lạm dụng thuốc BVTV, không sử dụng thuốc ngoài danh mục.
Theo Tạp chí Thương hiệu và Sản phẩm