0915 15 67 76 [email protected]
Thứ bảy, 16/04/2022 09:23 (GMT+7)

Loạn thuốc bổ hậu Covid-19: Tránh tư tưởng ‘uống cũng không thừa’

Việc truyền tai nhau về một số loại thực phẩm chức năng bổ phổi tạo ra chuỗi lây truyền về tâm lý. Có người không bị hậu Covid-19 cũng nghĩ mình bị và cứ nghĩ, uống cũng không thừa.

Thực tế hiện nay, nhiều người đua nhau mua thực phẩm bảo vệ sức khỏe hoặc sử dụng thuốc kháng sinh vô tội vạ nhằm tăng sức đề kháng. Hậu Covid-19 thấy trong người mệt mỏi, có người sử dụng vài loại thuốc bổ cùng lúc và điều này thật sự có thể gây ra tác dụng ngược.

Chị Thanh Mai (trú tại Cầu Giấy, Hà Nội) cho biết: “Đúng là sau Covid-19 tôi thấy trong người mệt mỏi, rệu rã hơn trước khi bị. Cũng chưa có thời gian đi khám lại nên nghe người thân mách mua thuốc bổ, tôi cũng mua một số loại và đang uống”.

Loạn thuốc bổ hậu Covid-19: Tránh tư tưởng ‘uống cũng không thừa’
Việc sử dụng "loạn" các loại thực phẩm chức năng hay thuốc hậu Covid-19 không những không giúp bồi bổ cơ thể mà có thể còn tác dụng ngược. Ảnh minh họa.

Không chỉ vậy, trên mạng xã hội, thực phẩm chức năng, đặc biệt là các sản phẩm bổ phổi, thanh lọc phổi, bổ thần kinh, chữa ho… được quảng cáo rầm rộ với giá cả dao động từ vài trăm nghìn là hàng sản xuất trong nước cho đến hàng nhập khẩu, xách tay có giá hàng triệu đồng.

Đặc biệt, nhiều sản phẩm hàng xách tay, không rõ nguồn gốc xuất xứ, chỉ bán trên mạng không rõ tác dụng và cơ chế, độ an toàn tới đâu nhưng lại rất hấp dẫn người dân vì đánh đúng tâm lý cần bồi bổ cơ thể hậu Covid-19.

Chia sẻ về vấn đề trên, bác sĩ Đinh Thế Tiến, Bệnh viện đa khoa Đức Giang cho biết, trong khoảng hơn 1.500 bệnh nhân tới khám hậu Covid-19 hơn 2 tháng qua, tỷ lệ bệnh nhân có tổn thương phổi chiếm khoảng 30%, nhưng chỉ dưới 5-10% có tổn thương tới mức xơ phổi, đa phần rơi vào nhóm bị Covid-19 nặng và có bệnh nền.

Nhiều bệnh nhân tới khám chia sẻ về việc mình đã sử dụng rất nhiều thuốc bổ phổi nhưng vẫn không giảm triệu chứng ho, mệt và có lúc khó thở. Có người uống kèm bổ phổi, bổ não, tăng cường miễn dịch.

Việc truyền tai nhau về một số loại thực phẩm chức năng bổ phổi tạo ra chuỗi lây truyền về tâm lý. Có người không bị hậu Covid-19 cũng nghĩ mình bị và cứ nghĩ, uống cũng không thừa. Mọi người vì tâm lý lan truyền sợ hãi nên ai có điều kiện đều sẵn sàng chi tiền mua nhiều loại thuốc bổ được mách, đặc biệt bổ phổi, thần kinh dù không biết hiệu quả thật sự đến đâu. Tuy nhiên, đây không phải là sản phẩm điều trị đặc hiệu.

Một vấn đề nghiêm trọng nữa đó chính là thói quen tự ý dùng thuốc của người bệnh, đặc biệt cảnh báo là việc dùng kháng sinh sai chỉ định dẫn tới rối loạn tiêu hóa, loạn khuẩn ruột, càng làm bệnh nhân mệt mỏi.

“Trong khảo sát mới nhất của chúng tôi trên khoảng 700 bệnh nhân tới khám hậu Covid-19, không dưới 50% bệnh nhân dùng kháng sinh sai chỉ định sau Covid-19, gây hệ lụy lớn về kháng kháng sinh. Khi đó, các bác sĩ sẽ mất đi vũ khí quan trọng trong chống nhiễm khuẩn”, bác sĩ Tiến nói.

Bên cạnh đó, người dân cũng thường xuyên bồi bổi thuốc bổ đông trùng hạ thảo, yến, bổ phổi của châu Âu, Mỹ nhưng điều đó không cần thiết, trừ những người hấp thụ dinh dưỡng kém. Những người này hoàn toàn có thể sử dụng các sản phẩm bồi bổ sức khỏe theo quan niệm đông y của Việt Nam và giá thành phù hợp.

Ngoài ra, bác sĩ Nguyễn Huy Hoàng, Trung tâm Ô-xy cao áp Việt Nga, Bộ Quốc phòng cũng cho biết, việc lạm dụng quá nhiều thuốc bổ vừa mất tiền mà lại chưa rõ tác dụng. “Có những quảng cáo lạm dụng nỗi sợ của người bệnh, nhưng thực tế có triệu chứng hoàn toàn có thể hồi phục không cần thuốc bổ“, bác sĩ Hoàng nói. Vì vậy, thay vì chỉ chăm chăm sử dụng thực phẩm chức năng hoặc thuốc kháng sinh hậu Covid-19, người dân nên chăm sóc bản thân bằng cách ăn uống đủ chất, tập thể dục nhẹ nhàng vừa sức sẽ giúp cải thiện tình hình sức khỏe.

Thanh Tùng

Bạn đang đọc bài viết Loạn thuốc bổ hậu Covid-19: Tránh tư tưởng ‘uống cũng không thừa’. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0915 15 67 76 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Tin mới