Lâm Đồng: Khởi công dự án cao tốc 16.000 nghìn tỷ đồng vào tháng 10
Văn phòng Chính phủ vừa có thông báo kết luận của Phó Thủ tướng Lê Văn Thành tại buổi làm việc về dự án xây dựng đường bộ Tân Phú (Đồng Nai) – Bảo Lộc (Lâm Đồng) hơn 16.000 nghìn tỷ đồng theo phương thức đối tác công tư PPP.
Theo đó, Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Văn Thành yêu cầu UBND tỉnh Lâm Đồng khẩn trương thực hiện các thủ tục theo quy định, phấn đấu khởi công đoạn cao tốc Tân Phú - Bảo Lộc trong tháng 10/2022 và hoàn thành trong năm 2025.
Để sớm hoàn thành các thủ tục chuẩn bị đầu tư, khởi công các dự án, Phó Thủ tướng yêu cầu hai tỉnh Đồng Nai và Lâm Đồng khẩn trương rà soát, hoàn thiện hồ sơ chuyển mục đích sử dụng rừng đoạn Dầu Giây - Tân Phú và đoạn Tân Phú - Bảo Lộc gửi Bộ Nông nghiệp & Phát triển nông thôn trước ngày 10/1/2022.
Đồng thời, Bộ Nông nghiệp & Phát triển nông thôn có trách nhiệm tổ chức thẩm định, trình Thủ tướng Chính phủ trong tháng 1/2022.
Bộ Giao thông Vận tải, UBND tỉnh Lâm Đồng chỉ đạo các cơ quan, đơn vị phối hợp chặt chẽ với UBND tỉnh Đồng Nai và Bộ Nông nghiệp & Phát triển nông thôn trong quá trình hoàn thiện hồ sơ và thẩm định chuyển mục đích sử dụng rừng của các dự án.
Bộ Giao thông Vận tải có trách nhiệm triển khai đầu tư xây dựng đoạn cao tốc Dầu Giây - Tân Phú đồng bộ với đoạn Tân Phú - Bảo Lộc.
Được biết, dự án cao tốc Dầu Giây - Liên Khương có tổng chiều dài hơn 200 km, chia thành ba đoạn đầu tư. Chính phủ giao UBND tỉnh Lâm Đồng thực hiện 2 đoạn huyện Tân Phú - Bảo Lộc và Bảo Lộc - Liên Khương dài 140km. Đoạn Dầu Giây - Tân Phú do Bộ Giao thông Vận tải phụ trách.
Trong đó, đoạn cao tốc Tân Phú - Bảo Lộc có chiều dài 66,3km, nằm trên địa phận 2 tỉnh Đồng Nai và Lâm Đồng. Dự án quy mô 4 làn xe và 2 làn dừng khẩn cấp, tổng mức đầu tư hơn 16.200 tỷ đồng, đầu tư theo phương thức PPP có sự tham gia hỗ trợ góp vốn của nhà nước.
Đoạn Bảo Lộc - Liên Khương dài 73,9 km nối với cao tốc Liên Khương - Prenn, nằm hoàn toàn trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng, có quy mô 4 làn xe, tổng mức đầu tư giai đoạn phân kỳ 11.300 tỷ đồng, theo phương thức PPP.
Tuyến cao tốc là động lực phát triển kinh tế cho 2 vùng kinh tế Đông Nam bộ và Tây Nguyên, giúp kết nối giao thông vùng, tạo lợi thế phát triển cho ngành du lịch địa phương, thúc đẩy tam giác du lịch, trao đổi kinh tế với các thành phố lớn như Nha Trang – Đà Lạt – TP. Hồ Chí Minh, kết nối giao thông thuận tiện với các tỉnh Đông Nam bộ và các tỉnh Tây Nguyên.